Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động đối với hệ thống lạnh

Dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động đối với hệ thống lạnh quá dài dòng cần soát xét lại để quy chuẩn được ngắn gọn, thực sự khả thi…

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia nhà khoa học tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động đối với hệ thống lạnh” Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) vừa tổ chức sáng 01/8 tại Hà Nội.

Tổng Thư lý Liên hiệp Hội Việt Nam – Nguyễn Quyết Chiến; Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động VN - PGS.TS Lê Vân Trình đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam – Nguyễn Quyết Chiến cho biết: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã công bố Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với hệ thống lạnh (Thông tư), đây là một Thông tư rất quan trọng liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của Thông tư, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo này, rất mong các nhà khoa học nghiên cứu tham dự hội thảo, đóng góp ý kiến để góp phần hoàn thiện Thông tư trước khi thực hiện….

Phó Trưởng phòng Quy chuẩn và Kiểm định an toàn lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - Nguyễn Minh Tiến trình bày tóm tắt Dự thảo Thông tư.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam – Trương Duy Nghĩa cho rằng Dự thảo Quy chuẩn quá dài dòng (phần nội dung quy chuẩn - 41 trang, phần phụ lục 9 trang), cần soát xét lại để quy chuẩn được ngắn gọn, thực sự khả thi.

Những quy định về kiểm tra, thử nghiệm (mục 7) tuy là những quy định về quản lý (nội dung của quy chuẩn) nhưng hầu hết đã nêu trong các TCVN cần lược bỏ bớt, tránh những quy định quá cụ thể, chi tiết.

Cũng theo ông Trương Duy Nghĩa, trong hệ thống thiết bị lạnh, để tốt cho việc quản lý, các nội dung sau đây cần được quy định: Về thiết bị áp lực; Về môi chất lạnh, những môi chất có thể gây cháy nổ, độc hại, những môi chất bị cấm sử dụng; Những vật liệu cách nhiệt dễ gây hỏa hoạn và độc hại; Những vật liệu dễ bị rỉ sét, ăn mòn, gây xì hở; Vấn đề an toàn điện và bảo vệ quá tải điện.

Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam – Trương Duy Nghĩa phát biểu.

Đồng quan điểm với ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động VN - Lê Vân Trình bày tỏ: Đọc bản quy chuẩn này, cảm nhận đầu tiên của người đọc là quá dài và có thể thấy nó được soạn thảo thiên về an toàn cho các thiết bị lạnh hơn là an toàn lao động cho những người vận hành hệ thống thiết bị lạnh.

Ngay từ mục 3 của phần I. Giải thích từ ngữ với 17 thuật ngữ chúng ta đã thấy nội dung của quy chuẩn thiên về an toàn kỹ thuật, như: Cơ sở thiết kế hệ thống lạnh, Cơ sở chế tạo, xây dựng, lắp đặt hệ thống lạnh, Hệ thống lạnh loại trọn bộ, Hệ thống lạnh loại hệ thống thiết bị,...Rồi đến phần II Quy định về kỹ thuật với gần 60 tiểu mục, mà đa số trong đó là các quy định kỹ thuật cho hệ thống thiết bị, ví dụ như: các Quy định về thiết kế, chế tạo hệ thống lạnh, Bảo vệ hệ thống làm lạnh và sưởi thứ cấp,.. rồi Quy định về vận hành, sử dụng hệ thống lạnh và Đào tạo người vận hành,..

Trong khi một số mục quan trọng để bảo vệ người lao động, cần có của một quy chuẩn an toàn lao động như: phương tiện bảo vệ cá nhân, công tác huấn luyện ATLĐ cho người vận hành, công tác sơ cấp cứu cho người lao động khi có sự cố gây bỏng, ngộ độc, ngạt khí cho người lao động vận hành lại không có. Ngoài ra, trong quy chuẩn chúng ta phân ra 2 mục thông gió với cách trình bày phức tạp và không rõ nghĩa, người đọc sẽ rất khó để tuân thủ, đó là tiểu mục 6.1.3. Thông gió buồng máy và mục 6.11. Thông gió – ông Lê Vân Trình nói.

Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động VN - Lê Vân Trình phát biểu.

Cũng tại hội thảo, Ông Nguyễn Văn Khuông (Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam) thẳng thắn: Một vài chỗ trong Dự thảo viết còn không rõ nghĩa, như: “Thử độ kín chỉ được tiến hành sau khi đã vượt qua phép thử độ bền chịu áp lực hoặc đã được kiểm tra xác nhận bằng một phép thử kiểu... Cần làm rõ “phép thử kiểu” là gì?

Đoạn cuối của điều 10 có ghi: “Trên cơ sở hồ sơ kỹ thuật, cơ sở lắp đặt, xây dựng phối hợp với cơ sở chế tạo lập các tài liệu sau để bàn giao cho cơ sở sử dụng: Hướng dẫn vận hành, sử dụng an toàn hệ thống lạnh trước khi đưa vào sử dụng; Hướng dẫn chế độ bảo dưỡng, bảo trì, kiểm tra thường xuyên và định kỳ”.

Theo Nguyễn Văn Khuông, viết như vậy là gây khó cho cơ sở lắp đặt, xây dựng hệ thống lạnh. Đặc biệt khi các cơ sở chế ở nước ngoài. Hơn nữa theo quy định thì khi bàn giao máy móc, thiết bị cho bên mua, các cơ sở chế tạo buộc phải có các tài liệu trên (Hướng dẫn vận hành, sử dụng an toàn hệ thống lạnh trước khi đưa vào sử dụng; Hướng dẫn chế độ bảo dưỡng, bảo trì, kiểm tra thường xuyên và định kỳ)…

Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam – Nguyễn Quyết Chiến phát biểu.

Kết thúc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam – Nguyễn Quyết Chiến bày tỏ lời cảm ơn các ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan và cho biết Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp đề gửi tới Ban soạn thảo Thông tư ban hành quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động đối với hệ thống lạnh để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trước khi ban hành, thực hiện.

Theo L.H/ Vusta

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tin-vusta/gop-y-du-thao-thong-tu-ban-hanh-quy-chuan-quoc-gia-ve-an-toan-lao-dong-doi-voi-he-thong-lanh-1884571.html