Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Mấy ý kiến về lĩnh vực dân tộc

Mặc dù các Hiến pháp trước đây của nước ta đều đã đề cập lĩnh vực dân tộc, như Điều 8 Hiến pháp năm 1946, Điều 3 Hiến pháp năm 1959, Điều 5 Hiến pháp năm 1980, Điều 5 Hiến pháp năm 1992, tuy nhiên thực tế cho thấy khoảng cách giữa các dân tộc chưa được thu hẹp; chưa đáp ứng lòng dân các dân tộc.

Các dân tộc thiểu số phải phát huy nội lực để phát triển

Ảnh: TL

Hiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Đồng bào các dân tộc mong muốn Hiến pháp sửa đổi phải xác định và quy định rõ vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; quyền và nghĩa vụ bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; các nguyên tắc chính sách giải quyết vấn đề dân tộc của ta; trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước, phát huy nội lực của các dân tộc v.v…

Tôi xin kiến nghị với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam xem xét việc sửa đổi, bổ sung điều 5 của Hiến pháp năm 1992 như sau:

Điều 5 của Hiến pháp phải xác định: Việt Nam là nước đa dân tộc, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lớn và lâu dài.

Có xác định như vậy mới tạo được sự thống nhất từ trong Đảng đến toàn dân về nhận thức và hành động đúng tầm của vấn đề này. Hòa giải và hòa hợp, đoàn kết được các dân tộc, các tôn giáo là chìa khóa để ổn định và phát triển đất nước.

Tiếp đến là xác định quốc gia thống nhất của các dân tộc như Dự thảo: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Tiếp theo phải khẳng định quyền và nghĩa vụ của các dân tộc là: Các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội; cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Rồi mới đến: Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết; giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Cần viết như vậy là gọn và đủ.

Việc quan trọng là Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc "bình đẳng, tôn trọng, thương yêu, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển, tiến bộ”; tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Phải đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện và tạo điều kiện để các dân tộc cùng phát triển. Các dân tộc thiểu số phải phát huy nội lực để phát triển, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại. Từng bước thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo.

Xác định các nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta như vậy vừa đầy đủ, vừa hợp với thực tiễn. Nếu ai không thực hiện tốt hoặc bỏ sót một trong các nguyên tắc trên là vi phạm chính sách dân tộc, sẽ gây hậu quả khó lường.

Cuối cùng là viết như Dự thảo, nhưng cần tách ra đoạn: Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Phải phòng chống được thù trong, giặc ngoài lợi dụng vấn đề dân tộc phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, an ninh quốc gia.

Như vậy, Điều 5 của Hiến pháp mới là:

Việt Nam là nước đa dân tộc, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lớn và lâu dài.

Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội; cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam "dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết; giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình.

Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc "bình đẳng, tôn trọng, thương yêu, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển, tiến bộ”, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Lù Văn Que

(Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm HĐTV

về Dân tộc UBTƯMTTQ Việt Nam)

[ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ]

[1, Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[2, Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[Hiến pháp với sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân]

[Đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào Hiến pháp]

[Người yếu thế tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

Đảm bảo quyền dân chủ, quyền công dân]

[Phải dành một chương riêng về Đảng]

[TS. Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh:

" Nhà nước của dân cần tạo điều kiện cho công dân có việc làm " ]

[Hiến pháp mới với sự đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước]

[Hiến pháp cần thể hiện hồn văn hóa dân tộc]

[Phải có chế định bảo hiến]

[5 kiến nghị về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992]

[Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam]

[Quyền con người, quyền công dân được đảm bảo bằng luật]

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60699&menu=1479&style=1