Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Cơ chế bảo vệ thẩm phán là cần thiết

Mỗi quyết định của thẩm phán đều liên quan đến tính mạng, danh dự, sự tự do hoặc tài sản, quyền lợi của người dân; do đó cần có cơ chế bảo vệ họ trước những rủi ro do nghề nghiệp mang lại.

Mới đây, một phó chánh án TAND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã bị đâm trọng thương ngay trong phòng làm việc. Người gây án là một bị cáo đang trong thời gian chờ chấp hành bản án 3 năm tù, do chính phó chánh án này xét xử sơ thẩm, sau đó cấp phúc thẩm y án. Người có hành vi cố ý gây tổn hại sức khỏe cho vị thẩm phán, đã bị khởi tố tội giết người.

Trước đó, vào tháng 6-2023, tại hai phiên tòa ở TP.HCM, hai đương sự đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của thẩm phán; dùng những lời lẽ xúc phạm HĐXX; dùng tiếng lóng chửi bậy, xúc phạm thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân... Hai cá nhân này đã bị tòa ban hành quyết định xử phạt hành chính.

Thực tiễn trên phần nào cho thấy nghề thẩm phán là nghề nguy hiểm. Bởi do đặc thù nghề nghiệp mà mỗi quyết định của họ đều liên quan đến tính mạng, danh dự, sự tự do hoặc tài sản, quyền lợi của người dân. Vậy có cơ chế nào để bảo vệ thẩm phán trước những áp lực về lượng công việc ngày càng nhiều và rủi ro ngày càng cao.

Quy định bảo vệ thẩm phán cần phải có từ lâu

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Điều 140 dự thảo có quy định mới về bảo vệ tòa án, trong đó có quy định về bảo vệ thẩm phán, HĐXX và các chức danh tư pháp khác trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ việc theo yêu cầu của tòa án.

Theo một thẩm phán công tác tại TP.HCM, thực tế trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, tại tòa án vẫn xảy ra trường hợp đương sự kích động, gây rối, chửi bới thẩm phán. Vì vậy, việc bổ sung quy định mới về bảo vệ tòa án là thực sự cần thiết.

Hiện nay chỉ có phiên tòa hình sự xét xử các bị cáo đang bị tạm giam thì mới có lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đến bảo vệ phiên tòa và chỉ trong phạm vi khi khai mạc phiên tòa đến khi tuyên án; còn trước khi mở phiên tòa và sau khi tuyên án thì không được bảo vệ.

Riêng đối với các vụ án hình sự mà chỉ có bị cáo tại ngoại và loại vụ án, vụ việc khác thì không có lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

 Quy định về bảo vệ tòa án, trong đó có bảo vệ thẩm phán, HĐXX, thư ký... là một quy định mới của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ảnh: TRẦN LINH

Quy định về bảo vệ tòa án, trong đó có bảo vệ thẩm phán, HĐXX, thư ký... là một quy định mới của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ảnh: TRẦN LINH

Vì vậy, đối với các vụ án hình sự, dân sự và các vụ việc khác có dấu hiệu phức tạp vẫn có thể xảy ra nguy cơ thẩm phán, HĐXX... bị xúc phạm, hành hung nên cần có lực lượng bảo vệ từ khi thụ lý cho đến khi tuyên án và có thể bảo vệ cho đến khi án có hiệu lực pháp luật (nếu có thể). Cần có lực lượng bảo vệ trụ sở tòa án thường trực 24/24 giờ để đảm bảo an ninh, trật tự và bảo vệ tài sản, tính mạng của của thẩm phán, thư ký… trong quá trình làm việc tại trụ sở tòa án. Đối với những vụ án, vụ việc bình thường khác thì chỉ cần lực lượng bảo vệ phiên tòa, phiên họp kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên họp.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, nhìn nhận rằng khi giải quyết một vụ án, nếu quyết định trong bản án trái với mong muốn thì đương sự và những người liên quan có thể mất kiểm soát, gây rối trật tự tại tòa nhằm thể hiện sự phản đối. Quy định bảo vệ thẩm phán là rất cần thiết, hợp lý và cần phải có từ lâu rồi để đảm bảo tính nghiêm minh của tòa án trong mắt người dân cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của những người tiến hành tố tụng.

Khoản 4 Điều 140 dự thảo quy định các phiên tòa hình sự được lực lượng cảnh sát nhân dân, quân đội nhân dân bảo vệ; đối với các phiên tòa, phiên họp giải vụ án khác thì khi tòa án có yêu cầu mới được bảo vệ. Việc quy định như vậy chưa thực sự bảo vệ tòa án một cách toàn diện vì không thể lường trước được diễn biến tâm lý của các đương sự trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án để kịp thời yêu cầu.

Đồng thời, khoản 5 Điều 140 dự thảo quy định HĐXX, thẩm phán và các chức danh tư pháp khác được lực lượng cảnh sát bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ án theo yêu cầu của tòa án. Như vậy, chỉ trong quá trình thụ lý đến khi vụ án được xét xử xong thì các chủ thể trên được bảo vệ khi có yêu cầu, còn sau khi xét xử vụ án thì chưa có quy định bảo vệ.

Vậy nên, ngoài việc ban hành các quy định để bảo vệ thẩm phán, chính các thẩm phán cũng phải tự bảo vệ mình. Trước tiên, các thẩm phán cần phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, ra quyết định một cách công tâm dựa trên các tài liệu, chứng cứ thực tế; giải quyết việc dân sự độc lập và tuân theo pháp luật. Sau khi xét xử xong vụ án, thẩm phán cần phải thận trọng. Đồng thời cần tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức để người dân tin tưởng vào các quyết định của tòa án.

Quy định bảo vệ thẩm phán là rất cần thiết, hợp lý và cần phải có từ lâu rồi để đảm bảo tính nghiêm minh của tòa án trong mắt người dân cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của những người tiến hành tố tụng.

TS-LS NGUYỄN THỊ KIM VINH, nguyên thẩm phán TAND Tối cao

Cần hướng dẫn cụ thể để triển khai

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng với cơ chế hiện nay, tòa án các cấp đều có lực lượng bảo vệ trụ sở ngay cổng tòa và có trách nhiệm kiểm tra trước khi cho phép người dân được vào khuôn viên tòa án.

Điều 140 dự thảo còn nhiều vấn đề cần làm rõ, vì khoản 5 Điều này quy định “HĐXX, thẩm phán và các chức danh tư pháp khác được lực lượng cảnh sát bảo vệ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo yêu cầu của tòa” còn khá rộng. Bởi đối với các phiên xử hình sự đã có lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp và các vụ án lớn đã được triển khai thiết bị để soi chiếu vũ khí, bố trí an ninh nhiều lớp… Vậy đối với các vụ án còn lại như dân sự, hành chính thì căn cứ nào để xác định về khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của những người giải quyết vụ án để yêu cầu bảo vệ. Và nếu quy định này được triển khai thì sẽ cần bao nhiêu lực lượng bảo vệ để bảo vệ tòa án và cần bao nhiêu ngân sách để duy trì.

Theo luật sư Lâm Quang Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM), về mặt thuận lợi, hiện nay đã có sẵn lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp và lực lượng bảo vệ tòa án và có thể tiếp tục sử dụng lực lượng này để làm nhiệm vụ bảo vệ tòa án. Về khó khăn, khi triển khai thực hiện quy định mới lại có thêm nhiều mục tiêu cần bảo vệ và sẽ thêm gánh nặng về kinh phí, tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tòa án sao cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của quy định mới. Trong khi, hiện nay chỉ riêng ở TP.HCM, ngành tòa án các cấp mỗi năm xét xử hàng chục ngàn vụ án, đa số là các vụ án phức tạp. Nếu vụ án phức tạp nào cũng cần bảo vệ phiên tòa hay bảo vệ thẩm phán thì dẫn đến không đủ lực lượng.

Do đó, việc quy định cụ thể về chức danh, phiên tòa nào, thời gian, địa điểm và những ai có quyền đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và sẽ được bảo vệ ra sao… phải cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Khoản 1 Điều 296 BLHS của nước Nga quy định: Đe dọa giết người, gây thương tích, gây thiệt hại tài sản đối với thẩm phán, bồi thẩm đoàn hoặc bất kỳ người nào khác tham gia thực thi công lý, cũng như đối với người thân của họ, liên quan đến việc xem xét vụ án hoặc tài liệu tại tòa án, sẽ bị phạt tiền 100.000 - 300.000 rúp, hoặc bằng số tiền lương hoặc tiền công hoặc bất kỳ thu nhập nào khác của người bị kết án trong thời gian 1-2 năm, hoặc tước quyền tự do tới 3 năm.

Điều 297 BLHS quy định về tội khinh thường tòa án. Theo đó, sự khinh miệt tòa án, biểu hiện bằng việc xúc phạm những người tham gia phiên tòa, sẽ bị phạt tiền tới 80.000 rúp, hoặc bằng số tiền lương hoặc tiền công, hoặc bất kỳ thu nhập nào khác của người bị kết án trong thời gian đến sáu tháng, hoặc làm việc bắt buộc lên tới 480 giờ, hoặc bị bắt giữ đến bốn tháng.

Hành vi tương tự, thể hiện qua việc xúc phạm thẩm phán, bồi thẩm đoàn hoặc bất kỳ người nào khác tham gia vào quá trình xét xử, sẽ bị phạt số tiền lên tới 200.000 rúp, hoặc bằng số tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian lên tới 18 tháng, hoặc bằng công việc bắt buộc trong thời gian lên tới 480 giờ, hoặc bằng lao động cải tạo trong thời gian lên tới hai năm hoặc bị bắt giữ với thời hạn lên đến sáu tháng.

ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/gop-y-du-thao-luat-to-chuc-tand-sua-doi-co-che-bao-ve-tham-phan-la-can-thiet-post791481.html