Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật về Vùng Thủ đô

Việc quy định về mục đích thành lập cũng như chức năng hay nói cách khác là một khái niệm về Vùng Thủ đô trong Luật Thủ đô là hết sức quan trọng. Chỉ khi nào xác định rõ Vùng Thủ đô được thành lập với mục đích gì thì lúc đó mới có thể thiết lập được những chính sách phù hợp đối với Vùng Thủ đô. Đó là nhận định của PGS.TS. Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội.

Sau hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các tòa nhà cao ốc và chung cư tại Hà Nội mọc lên ngày càng nhiều. Ảnh: Khánh Huy

Sau hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các tòa nhà cao ốc và chung cư tại Hà Nội mọc lên ngày càng nhiều. Ảnh: Khánh Huy

Xác định rõ mục tiêu thành lập Vùng Thủ đô

Theo, PGS.TS. Tô Văn Hòa, quy định về khái niệm Vùng Thủ đô cần phải tính đến không chỉ là mục tiêu phát triển của Thủ đô mà cần phải tính đến nhiều yếu tố khác: Thứ nhất, Vùng Thủ đô phải nhằm mục đích không chỉ phục vụ sự phát triển của Thủ đô mà phải là sự phát triển bền vững của cả khu vực xung quanh Thủ đô.

Thứ hai, quy định rõ về mục đích thiết lập Vùng Thủ đô phải có nội dung phù hợp để khuyến khích và thu hút được sự phối hợp chủ động của các tỉnh ở TP trực thuộc Trung ương xung quanh Thủ đô để họ nhận thấy rằng, việc tham gia phối hợp để thúc đẩy kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô là lợi ích của bản thân mỗi địa phương chứ không phải chỉ vì sự phát triển của Thủ đô. Khoản 1 Điều 42 Dự thảo hiện tại cũng đã có quy định về trách nhiệm liên kết các địa phương trong Vùng Thủ đô vì sự phát triển của vùng. Song, vẫn chưa tạo ra được cơ sở đủ để thúc đẩy sự chủ động phối hợp của các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Tại khoản 13 Điều 3 quy định Vùng Thủ đô… mang tính liệt kê nên chưa nêu bật được khái niệm về Vùng Thủ đô, mục đích thành lập Vùng Thủ đô, chức năng của Vùng Thủ đô; không đủ để tạo ra động lực thúc đẩy phối hợp vùng giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô.

PGS.TS. Tô Văn Hòa cho rằng, có thể sửa đổi khoản 13 Điều 3 như sau: “Vùng Thủ đô là một khu vực địa lí bao gồm Hà Nội và một số tỉnh TP trực thuộc Trung ương xung quanh Hà Nội được thiết lập nhằm mục đích sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và từng địa phương trên cơ sở lợi thế riêng biệt của Hà Nội và các tỉnh TP lân cận”. Không nhất thiết liệt kê các địa phương trong Vùng Thủ đô vào luật, bởi điều đó vừa mang tính liệt kê vừa dẫn tới thủ tục khó khăn khi cần sửa đổi, bổ sung địa phương. Các địa phương nào nằm trong phạm vi Vùng Thủ đô sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thiết chế Vùng Thủ đô

PGS.TS. Tô Văn Hòa cho biết, như phân tích trên, các thiết chế liên quan đến Vùng Thủ đô hiện nay bao gồm Ban chỉ đạo quy hoạch đầu tư và xây dựng Vùng Thủ đô và Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô. Hai thiết chế này có thành phần tương tự nhau đều do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, cấp phó là Bộ trưởng của bộ thường trực các lĩnh vực thuộc chức năng của mỗi ban, các thành viên còn lại là Thứ trưởng của các Bộ có liên quan và Chủ tịch UBND của các tỉnh trong Vùng Thủ đô.

Thường trực của Ban chỉ đạo quy hoạch đầu tư và xây dựng Vùng Thủ đô là Bộ Xây dựng trong khi đó thường trực của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chức năng của hai thiết chế này cũng có phần chồng chéo với nhau,. Để phục vụ hiệu quả cho sự phát triển vùng thì không nên tồn tại hai thiết chế độc lập và có thẩm quyền tương tự nhau như vậy.

Trong khi đó Dự thảo Luật Thủ đô hiện tại về Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô về cơ bản chỉ luật hóa Nghị định số 91/2021/NĐ-CP. Như vậy, nếu quy định này được ban hành thì vẫn sẽ tồn tại hai thiết chế vùng để phục vụ sự phát triển của Vùng Thủ đô. Điểm khác biệt ở đây là vị trí Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô giờ đây là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng là hai Phó Chủ tịch.

Bên cạnh đó, quy định về thành phần của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô trong Dự thảo cũng chưa thực sự phù hợp với quy định về vai trò của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô tại khoản 2 Điều 42. Bởi vì, Chủ tịch Hội đồng điều phối là Thủ tướng Chính phủ trong khi đó khoản 2 Điều 42 quy định chủ trì điều phối thực hiện và quản lí quy hoạch những Thủ đô lại là Thủ đô Hà Nội.

Theo PGS.TS. Tô Văn Hòa, quy định về Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô trong Dự thảo luật có thể được hoàn thiện như sau: Quy định quy chế để phục vụ phát triển Vùng Thủ đô bao gồm Ban chỉ đạo xây dựng phát triển Vùng Thủ đô và Ban điều phối liên kết phát triển Vùng Thủ đô. Chức năng của Ban chỉ đạo chỉ đạo công tác xây dựng thực hiện quy hoạch phát triển chính sách hỗ trợ phát triển, công tác phối hợp liên kết giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô để phục vụ sự phát triển bền vững của toàn vùng.

Chức năng của Ban điều phối Vùng Thủ đô là tham mưu kế hoạch quy hoạch chính sách phục vụ sự phát triển của Vùng Thủ đô, tổ chức các hoạt động điều phối nguồn lực và liên kết giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô phục vụ sự phát triển bền vững của Vùng Thủ đô.

Về thành phần ban chỉ đạo đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng của các Bộ liên quan thường trực của Ban chỉ đạo là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Thành phần của ban điều phối đứng đầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội thành viên là chủ tịch UBND Hà Nội, Thứ trưởng Bộ có liên quan, các chủ tịch UBND của các địa phương có liên quan. Ban điều phối có thể thành lập các hội đồng tư vấn hoặc các ban chuyên môn giúp việc.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gop-y-du-thao-luat-thu-do-sua-doi-hoan-thien-quy-dinh-cua-du-thao-luat-ve-vung-thu-do-352014.html