Góp phần định hình diện mạo văn học Việt đương thời

Giới phê bình nhận định thông qua những cuốn sách, Nhà xuất bản Trẻ không chỉ làm xuất bản mà còn góp phần định hình diện mạo văn chương.

Hai tác phẩm quan trọng của văn chương Việt. Ảnh: Y.N.

Bảo Ninh, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Phấn, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hữu Việt, Nguyễn Trương Quý... là những gương mặt nổi bật của văn chương đương thời gặp mặt trong một ngày thu Hà Nội. Họ cùng nhiều tác giả, người làm sách khác tề tựu hôm 1/10 để mừng chi nhánh Hà Nội của Nhà xuất bản Trẻ tròn 20 tuổi. Nơi đây là cái nôi đưa nhiều tác phẩm văn chương Việt quan trọng đến với độc giả.

Không đem tư duy con buôn vào làm xuất bản

20 năm trước, ông Lê Hoàng (khi đó là Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nay ông là Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) đã quyết định thành lập chi nhánh Nhà xuất bản Trẻ tại Hà Nội. Đây là nhà xuất bản địa phương đầu tiên mở chi nhánh ở thủ đô.

Bà Phan Thu Hà - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - cho biết trong khoảng 10 năm trở lại đây, chi nhánh Hà Nội của nhà xuất bản đã tổ chức thực hiện gần 400 đầu sách, hợp tác với 100 tác giả, cộng tác viên, thực hiện 150 sự kiện liên quan đến sách và văn hóa đọc.

Trong số sách mà chi nhánh Hà Nội thực hiện, có nhiều tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia (như Sài Gòn của em; Chuyện của anh em nhà Mem và Kya); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (như Và khi tro bụi, Thành phố đi vắng, Kỳ nhân làng Ngọc); Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (như Mình và họ, Thị dân tiểu thuyết, Cô đơn trên mạng, SBC là săn bắt chuột, Các bạn tôi ở trên ấy, Dằng dặc triền sông mưa); Giải thưởng Văn học ASEAN (như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Làn gió chảy qua)...

Đại diện các đơn vị quản lý văn hóa, xuất bản cùng các tác giả mừng 20 năm thành lập chi nhánh Hà Nội của Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: Trung Nghĩa.

Qua 20 năm, từ chỗ doanh số vài triệu đồng những ngày đầu tìm đường, đến nay, doanh số chi nhánh tăng trưởng ổn định, đột phá hàng năm. Riêng doanh số năm 2022 dự kiến bứt phá vượt bậc, đạt đỉnh trong 20 năm qua.

Theo lời các thế hệ lãnh đạo Nhà xuất bản Trẻ, để có được những cuốn sách giá trị, đồng thời đạt kết quả kinh doanh hiệu quả, đội ngũ nhà xuất bản đã luôn nỗ lực.

“20 năm tận tụy cùng sách vở Hà Nội, các thế hệ làm sách Nhà xuất bản Trẻ luôn thực tâm mong muốn giữ vững được bốn chữ mà chúng tôi coi là nguyên tắc vàng ‘Đàng hoàng - Nghĩa tình’: Đàng hoàng trong công việc - Nghĩa tình trong ứng xử”, bà Phan Thu Hà nói.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, từng là giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - cho biết “làm sách đàng hoàng” là bí quyết của đơn vị này. Ông nói người làm xuất bản thực hiện sách sách đàng hoàng với đam mê nghề nghiệp và trân trọng bạn đọc. Làm như vậy còn chưa chắc đã khiến độc giả hài lòng, huống hồ làm hời hợt.

“Đừng đem tư duy con buôn vào xuất bản sách. Phải lấy nghiệp vụ kinh doanh xuất bản vào phục vụ cho việc làm sách. Nếu tính lời lỗ thì đừng tính lời lỗ từng cuốn, phải tính cả giai đoạn, cả năm”, ông Nhựt nói.

Tuy vậy, có một điều mà ông Nhựt tiếc nuối chưa làm được đó là xuất bản thơ. “Chúng tôi chưa mạnh dạn đi kinh doanh thơ. Tôi hy vọng thế hệ tiếp nối sẽ làm được”, ông Nhựt nói.

Một nửa trái tim nhiệt thành phương Nam đặt vào lòng Hà Nội

Theo bà Phan Thu Hà, chi nhánh Hà Nội là một nửa của nhà xuất bản, “một nửa trái tim nhiệt thành từ phương Nam đặt vào lòng Hà Nội”. Nhà xuất bản luôn mong muốn hợp tác cùng đội ngũ tác giả thủ đô.

Cách làm của đơn vị này là “xả thân tiếp người quân tử”, mời các tác giả, văn nhân Hà Nội tham gia xây dựng tủ sách văn chương. Nhờ đó đơn vị này đã được các cây bút nổi bật trên văn đàn tin tưởng, giao phó đứa con tinh thần của mình.

Một số tác phẩm văn chương do Nhà xuất bản Trẻ thực hiện. Ảnh: Trung Nghĩa.

Nguyễn Việt Hà - nhà văn được mệnh danh là “con giai phố cổ” với những cuốn sách mang đậm văn hóa, không gian, con người Hà Nội như Cơ hội của Chúa, Ba ngôi của người, Thị dân tiểu thuyết - cũng công bố các tác phẩm của mình ở Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị thuộc Thành đoàn TP.HCM.

Nhà văn này nói việc một nhà văn hợp tác với một nhà xuất bản xuất phát từ chữ “duyên”, nhưng để hợp tác được lâu dài là do đội ngũ nhà xuất bản đã luôn cẩn trọng, chăm chút cho bản thảo thành sách.

Còn nhà văn Đỗ Tiến Thụy thì ôn lại tuổi 34 tìm nơi in cuốn sách đầu tay. Sau khi bị một nhà xuất bản “lạnh nhạt” với đứa con tình thần của mình, anh đánh liều gửi bản thảo tới Nhà xuất bản Trẻ qua thư điện tử. Không lâu sau, anh nhận được một cuộc điện thoại, thông báo tác phẩm sẽ được xuất bản. Không chỉ hứa hẹn in, biên tập viên cuốn sách sau quá trình biên tập đã trò chuyện với nhà văn về “80 điểm cần trao đổi” trong bản thảo. Điều đó minh chứng cho sự chuyên nghiệp của đội ngũ biên tập viên nhà xuất bản.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - nói Trẻ là đơn vị làm sách cho thanh thiếu niên. Bằng tác phẩm của mình, Nhà xuất bản Trẻ không chỉ tạo ra mặt bằng tốt về sách cho thanh thiếu niên với tác phẩm có hàm lượng văn hóa, tính nhân văn cao mà còn định hình gương mặt văn học đương đại.

Trong số tác phẩm văn chương của chi nhánh Hà Nội Nhà xuất bản Trẻ có những tác giả mà thiếu họ thì không có văn học đương đại như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà…

Đơn vị này phát hiện những tác giả sau này có vị trí trên văn đàn như Phan Việt, Nguyễn Trương Quý. Nơi đây cũng in những tác phẩm mà từ đó các tác giả trở thành nhà văn như Trần Chiến, Nguyễn Nguyên Phước, Công Chiến…

"Việc xuất bản được những tác phẩm chất lượng là đóng góp lớn của đơn vị xuất bản cho văn chương. Không chỉ làm công việc xuất bản sách, mà Trẻ còn cùng định hình diện mạo văn học Việt Nam đương đại", PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói.

Đỗ Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gop-phan-dinh-hinh-dien-mao-van-hoc-viet-duong-thoi-post1359993.html