Góp phần đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan tại các Làng văn hóa kiểu mẫu

Với mục tiêu xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) trên địa bàn tỉnh thành nơi đáng sống, sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 06 Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, có nội dung hỗ trợ sắp xếp lại các cột điện, đường dây điện hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan; tạo đà để các địa phương hoàn thành các tiêu chí: 'Hạ tầng giao thông', 'Hạ tầng năng lượng và chiếu sáng'.

Hệ thống lưới điện tại thôn Man Để (xã Tam Hồng) - nơi thí điểm xây dựng LVHKM của huyện Yên Lạc cần sớm được cải tạo, chỉnh trang để đáp ứng nhu cầu sử dụng, các tiêu chí đặt ra. Ảnh: Nguyễn Lượng

Thông qua phong trào xây dựng “Làng văn hóa” và các phong trào có tính tương hỗ như “Xây dựng nông thôn mới (NTM)”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cao; diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi rõ rệt.

Hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản được hoàn thiện; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên đạt 100% từ năm 2015 và duy trì tương đối ổn định. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, đáp ứng đủ, kịp thời thời nhu cầu sinh hoạt của người dân và phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) dịch vụ, ngành nghề..

Trong đó, lưới điện hạ thế (0,4kV) trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài đường dây là hơn 4.390 km; trong đó tài sản ngành điện là 2.506 km, tài sản ngoài ngành Điện là 1.885 km. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 đơn vị phân phối, bán buôn điện là Công ty Điện lực Vĩnh Phúc và 74 đơn vị phân phối bán lẻ điện.

Mặc dù hạ tầng điện nông thôn đã được cải tạo nhưng nhiều nơi cột điện, đường dây bố trí không hợp lý, lấn chiếm hành lang giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, nông thôn. Chất lượng dịch vụ cung ứng điện đến người dân còn nhiều bất cập, không ổn định về điện áp.

Nhiều HTX kinh doanh điện năng mới chỉ lo khai thác tối đa lưới điện sẵn có được hình thành trong quá khứ để hưởng chênh lệch giá điện mà chưa quan tâm đầy đủ, chưa có thực lực trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện...

Bởi vậy, khi bắt tay vào xây dựng LVHKM, nhiều địa phương gặp khó trong việc đảm bảo cảnh quan đẹp, bởi có nhiều vị trí cột điện nằm ở lòng đường, vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông hoặc chất lượng điện yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động.

Ông Nguyễn Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) cho biết: Thôn Bàn Mạch là 1 trong 30 thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh được lựa chọn xây dựng thí điểm LVHKM.

Thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, hệ thống lưới điện trên địa bàn xã Lý Nhân nói chung và tại thôn Bàn Mạch nói riêng cơ bản đã được đầu tư, cải tạo, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và dân sinh trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, có một số đường dây trung thế, hạ thế đi qua đất ở của các hộ dân, không đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Do đó, để tạo cảnh quan đẹp, đáp ứng các tiêu chí của LVHKM, xã mong muốn sớm di chuyển các đường dây, trạm biến áp ra khỏi các khu vực không an toàn này.

Đó cũng là thực trạng mà tại nhiều địa phương gặp phải trong quá trình xây dựng LVHKM. Với mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt có đột phá trong việc xây dựng các làng, thôn, bản, khu dân cư phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, gắn kết chặt chẽ với các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tại Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn, trong đó hỗ trợ sắp xếp lại các cột điện, đường dây điện hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan.

Đối tượng được hỗ trợ là chủ sở hữu hệ thống điện hạ thế thực hiện di chuyển cột điện, đường dây điện hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan tại làng thực hiện xây dựng LVHKM với mức hỗ trợ 100% kinh phí di chuyển cột điện, đường dây điện hạ thế về vị trí yêu cầu (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT - GPMB) tại vị trí mới).

Điều kiện hỗ trợ là nằm trong kế hoạch di chuyển được UBND cấp xã phê duyệt; có phương án và dự toán di chuyển được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Công thương đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Tiêu chí số 4 hạ tầng năng lượng và chiếu sáng trong Bộ tiêu chí của Đề án và Chính sách hỗ trợ sắp xếp lại các cột điện, đường dây hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan (Điều 17 của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND tỉnh).

Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chủ trì cùng thôn, tổ dân phố và đơn vị bán lẻ điện thực hiện trực tiếp kiểm tra, xác định rõ từng vị trí cột điện, dây dẫn diện hạ thế phải di chuyển.

Trên cơ sở đó, các đơn vị bán lẻ điện xây dựng phương án, kế hoạch di chuyển trình UBND cấp xã phê duyệt; đồng thời, hướng dẫn, ban hành mẫu phương án và dự toán chi phí di chuyển; thẩm quyền thẩm định, quyết định phê duyệt dự toán di chuyển các cột điện và đường dây hạ thế; về công tác tổ chức thẩm định việc đáp ứng các điều kiện hỗ trợ di chuyển.

Chủ trì làm việc với các HTX bán lẻ điện hiện đang bán điện tại các thôn, tổ dân phố thực hiện xây dựng LVHKM để tuyên truyền, hướng dẫn việc chuyển đổi, thành lập các Công ty bán lẻ điện...

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95327//gop-phan-dam-bao-an-toan-giao-thong-canh-quan-tai-cac-lang-van-hoa-kieu-mau