Google Pixel gây ảnh hưởng ra sao với Apple, Samsung, Amazon, Microsoft...?

Việc Google quyết định trở thành một công ty điện thoại đúng nghĩa - kiểm soát từ phần mềm, phần cứng cho đến hệ sinh thái - là một động thái hơi bất ngờ nhưng không phải là không dự đoán được. Đây là một nước đi táo bạo và nó sẽ tạo ra nhiều thách thức với những hãng lớn khác trên thị trường. Ngoài phần cứng ra, Google còn nhấn mạnh vào trí tuệ nhân tạo. Hãy xem chiếc Google Pixel và Pixel XL có thể gây ảnh hưởng đến các công ty khác ra sao, và Pixel có ý nghĩa gì với tương lai của trợ lý ảo khi mà nó được tích hợp sẵn Google Assistant .

Apple

Cuối cùng thì công ty lớn nhất trong ngành công nghệ cũng đã có một đối thủ tương xứng xét về mô hình kinh doanh. Trong nhiều năm qua, Apple cạnh tranh chủ yếu với Google (hay Microsoft) ở vai trò của một hãng phần cứng so găng với một công ty làm nền tảng. Nhược điểm của các công ty làm hệ điều hành đó là họ phải bắt tay với các đối tác phần cứng để có đất trình diễn công nghệ của mình. Trong khi đó, những công ty phần cứng như Samsung, HTC, LG, Sony lại có năng lượng hạn chế trong việc tích hợp và khai thác tối đa phần mềm nên khó mà làm bộc lộ hết tiềm năng của Android. Giờ thì Google đã trở thành một hãng làm phần cứng đối thủ, vừa có tiền vừa có tiềm lực để đối đầu cùng Apple. Cuộc chiến giữa Pixel và iPhone sẽ là cuộc chiến lớn.

Thật ra giờ là lúc rất phù hợp để Google nhảy vào cuộc chơi. Siri của Apple chưa phải là một thứ được sử dụng thường xuyên. Apple cũng đang để mất thị phần trong thị trường stream nhạc trực tiếp, đồng thời chuẩn truyền nhạc AirPlay dường như đã bị quên lãng trong khi hệ thống Google Cast đang được tích họp trên ngày càng nhiều thiết bị hơn. iCloud với các chức năng hình ảnh, lưu trữ, tài liệu thì đang phải đối đầu với bộ Google Photos, Drive và Docs. Đây là cơ hội để Google vươn lên và vượt mặt Apple nếu hãng làm đúng cách.

Nói ngắn gọn, Apple chưa bao giờ có một đối thủ nào như Google trong mảng di động. Điều này không có nghĩa là iPhone sẽ thua cuộc, nhưng nó cho thấy Apple giờ phải sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa lớn đến từ Google và sẽ phải làm ra những chiếc iPhone tốt hơn, phải làm ra những dịch vụ cloud ngon hơn. Ít nhất thì người dùng chúng ta cũng sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Đọc thêm: Với Pixel, cuối cùng Google cũng đã bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với Apple

Samsung

Theo Walt Mossberg, một cây bút công nghệ nổi tiếng, ông tin rằng một trong những lý do mà Google phải tự làm phần cứng của riêng mình đó là vì hãng đang phải phụ thuộc quá nhiều vào Samsung để trình diễn những gì Android có thể làm được cũng như bán nguyên bộ app Google Services. Có rất nhiều nhà sản xuất Android đang hoạt động, nhưng một nhà sản xuất vừa có thị phần, vừa có lời và vừa có ngân sách marketing lớn thì không có ai khác ngoài Samsung. Tất nhiên, những gì Samsung ưu tiên không phải lúc nào cũng khớp với Google, giữa hai công ty đã có không ít lần lục đục vì các bất đồng liên quan tới OS và cách Google kiểm soát ứng dụng cài sẵn.

Giờ thì Samsung phải cạnh tranh với nhà cung cấp phần mềm của chính mình, và cũng trong chính phân khúc cao cấp nơi mà trước đây Samsung chỉ phải lo sợ mỗi Apple (Sony, HTC, LG đều có smartphone Android cao cấp nhưng chúng đã bị các hoạt động marketing của Samsung làm lu mờ theo đúng nghĩa đen).

Dù gì thì Samsung cũng còn kế hoạch phụ chính là Tizen trong trường hợp hãng không còn chơi tốt được với Google. Nhưng tính ra thì Tizen hiện tại vẫn rất nhỏ bé so với Android, chưa nói đến việc cạnh tranh với iOS.

Amazon

Amazon là một công ty thành công lớn, kinh doanh nhiều mảng và được nhiều người hâm mộ. Tuy nhiên, phần cứng chưa bao giờ là thứ mà Amazon mạnh trừ những chiếc máy đọc sách. Tablet của công ty cũng bình thường, còn smartphone Amazon Fire là thất bại lớn. Nhưng nếu chúng ta nhìn sang Echo thị mọi chuyện lại khác. Chiếc loa thông minh của công ty thành công nhiều hơn những gì chúng ta tưởng tượng, chủ yếu nhờ vào hệ thống trí tuệ nhân tạo Alexa với khả năng phản hồi lại yêu cầu của người dùng theo cách mà Siri và Cortana hoạt động.

Google mới đây ra mắt Google Home với giá 130$, rẻ hơn 50$ so với Echo, sẽ là một thách thức mới cho Echo và những thiết bị khác có Alexa. Cốt lõi của Home là Google Assitant, một cô trợ lý có trí thông minh cao hơn so với Alexa, tích hợp tốt hơn với hệ sinh thái Google và được vận hành bởi một công ty có nhiều kinh nghiệm về AI hơn. Amazon vẫn sẽ còn lợi thế, nhưng nếu Google Home thật sự tốt như những gì Google quảng cáo thì Amazon sẽ phải làm việc nhiều hơn để không bị loại khỏi cuộc chơi trí tuệ nhân tạo.

Microsoft

Microsoft gần như bỏ cuộc chơi phần cứng điện thoại rồi nên không có sản phẩm để cạnh tranh với Pixel. Ngay cả Windows Mobile giờ cũng không còn là trọng tâm của công ty. Nhưng Cortana thì có, nó vẫn là thứ được Microsoft nhắc tới khá nhiều trong các sự kiện giới thiệu sản phẩm mới. Ngoài ra, Microsoft cũng đang tích cực mở rộng các hoạt động nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Xét về AI, Google và Microsoft giờ sẽ đối đầu trực tiếp với nhau.

Microsoft cũng có bán phần cứng máy tính của riêng mình, chính là dòng Surface, nhưng số lượng bán ra quá ít để Google phải lo lắng. Nhưng đừng quên hãng còn cả hệ sinh thái Windows 10 PC hàng chục triệu, thậm chí là trăm triệu chiếc máy tính với Cortana trên đó. Rồi Microsoft còn có cả các ứng dụng văn phòng, và đặc biệt là sở hữu rất nhiều sản phẩm doanh nghiệp có tiềm năng đưa Cortana vào. Mảng doanh nghiệp luôn là mảnh đất màu mỡ cơ mà. Cuộc chiến sẽ còn dài và còn nhiều hồi hay để xem.

Facebook

Facebook chưa phải là công ty phần cứng... nhưng chỉ là chưa chứ không phải không bao giờ. Facebook đã chiêu mộ được Regina Dugan từ Google về để lãnh đạo bộ phận nghiên cứu và phát triển phần cứng của mình, một động thái khiến nhiều người hoài nghi rằng Facebook cũng đang chuẩn bị ra mắt điện thoại hay thứ gì đó tương tự. Trong tương lai gần ít có khả năng thiết bị này sẽ ra mắt nên Google không phải lo lắng cho Pixel vs Facebook.

Tuy nhiên, Facebook lại đang làm rất nhiều trò về trí tuệ nhân tạo, và những lĩnh vực được hãng áp dụng AI không khác so với Google: nhận diện hình ảnh, phân tích câu chữ, giọng nói, ngữ cảnh, phân tích thói quen của khách hàng. Vậy nên, Facebook và Google giờ sẽ bắt đầu cạnh tranh nhau trên mảng AI. Google đang có lợi thế hơn về phần cứng, Google Assistant sắp tới sẽ có mặt trên rất nhiều thiết bị Android, trong khi Facebook không có được cái lợi này. Bù lại, Facebook có lượng người dùng tích cực lên tới cả tỉ, và sẽ không khó để hãng đưa sản phẩm AI đến với lượng khách hàng khổng lồ này và chỉ cần app Facebook là đã đủ chơi.

Kết

Thị trường không hẳn là phải xắn quần lên để chạy đua khi mà Google trở thành một hãng làm phần cứng - mềm - hệ sinh thái. Nhưng có điều chắc chắn đó là các đối thủ giờ sẽ phải tích cực hơn và phải làm tốt hơn sản phẩm của mình nếu không muốn bị Pixel và Google Assistant qua mặt. Và thông qua việc đưa AI vào một phần cứng mà hãng có khả năng kiểm soát từ đầu đến cuối, Google đang bắt đầu nã đạn vào các đối thủ. Cái hay nhất của cuộc chiến này đó là dù ai thắng đi nữa thì người hưởng lợi nhất vẫn là người dùng chúng ta vì chúng ta có cơ hội để xài những sản phẩm tốt hơn.

Tham khảo: The Verge
Ảnh: The Verge

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/google-pixel-gay-anh-huong-ra-sao-voi-apple-samsung-amazon-microsoft.2647974/