Gối hạc - câu thơ lạ trong ca trù

Thơ là yếu tố quan trọng hàng đầu của nghệ thuật ca trù. Làm thơ, chơi thơ, đề ra luật thơ, phá cách luật thơ… luôn được các nhà thơ quan tâm trong sáng tác ca trù.

Từ phải sang: NSƯT Nguyễn Văn Khuê, ca nương Thúy Hòa, nghệ nhân Nguyễn Khánh An biểu diễn ca trù.

Nhìn vào những bài thơ Hát nói, có khá nhiều câu thơ không theo bố cục quy chuẩn. Có những câu thơ ngắn, chỉ 2 chữ, 3 chữ, lại có những câu dài hơn 10 chữ. Đặc biệt, có những câu rất dài, lên tới trên dưới 20 chữ.

Những câu thơ tiêu biểu

Trong ca trù, những câu thơ rất dài được gọi là “gối hạc”. Gối hạc xuất hiện sau khi thể cách Hát nói trong ca trù hình thành, thời điểm nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ngoại trừ Nguyễn Công Trứ có sáng tác những câu thơ dài nhưng chưa phải là câu gối hạc, nhiều tác giả xuất hiện sau ông khai thác câu gối hạc trong sáng tác như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… Nhiều câu gối hạc đã trở nên quen thuộc với người yêu ca trù.

Giữ kỷ lục về câu gối hạc dài nhất là nhà thơ Nguyễn Khuyến. Trong bài “Anh giả điếc” có câu thơ: “Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu, khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lảy một đôi câu”. Câu thơ này có tới 24 chữ. Dù rất dài nhưng đọc lại thuận miệng, dễ nhớ. Điều này có được bởi mối quan hệ và sự kết nối trong vần luật bằng trắc khá chặt của câu thơ.

Đặt trong bối cảnh toàn bài, “Anh giả điếc” có tổng thể 11 câu thơ, tức là đủ khổ, một bố cục chuẩn của thể Hát nói. Bài thơ là câu chuyện tác giả kể về một ông bạn tránh những điều nhạy cảm bằng việc giả cách điếc.

Mở đầu bài vừa rất thẳng, vừa có ý giễu: “Trong thiên hạ có anh giả điếc/ Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây”. Tác giả thấy cái thông minh của ông bạn, vì: “Chẳng ai ngờ sáng tai họ, điếc tai cày”. “Họ” là tiếng thường dùng của người nông dân khi ra mệnh lệnh cho trâu bò dừng lại. Câu thơ có đại ý chẳng ai có thể ngờ nghe tiếng “họ” (nghỉ ngơi) thì rõ, nghe tiếng “cày” (làm việc) thì vờ như không. Tác giả dí dỏm kết luận: “Lối điếc ấy sau này em muốn học”.

Bốn câu thơ mở đầu này có bố cục không đồng nhất, câu đầu 7 chữ, câu hai 8 chữ, câu ba 9 chữ và câu bốn 8 chữ. Hai câu thơ chữ Hán ở vị trí câu thứ 5 và 6, tương ứng với câu đối. Đây là một quy định chuẩn mực trong bố cục thơ thể Hát nói: “Tọa trung đàm tiếu, nhan như mộc/ Dạ lý phan viên, nhĩ tự hầu”. Ý là khi mọi người nói chuyện thế sự thì ngồi ngây như gỗ, đêm khuya thì leo trèo còn nhanh nhẹn và tai thính như loài khỉ.

Câu thơ thứ 7 chính là câu gối hạc dài 24 chữ (ở trên). Sau đó, câu thứ 8 là “Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc”. Hai câu thứ 9, 10 cũng như câu 8, tiếp tục diễn giải mạch nội dung đã có từ những câu thơ trước: “Điếc như thế ai không muốn điếc?/ Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!”. Và kết thúc bài là câu: “Hỏi anh, anh cứ ậm ừ!”

Cũng nhà thơ Nguyễn Khuyến, trong bài Hát nói “Ông Phỗng đá” có câu thơ gối hạc là: “Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác, chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác, cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu”. Câu thơ có 23 chữ. Khác “Anh giả điếc”, “Ông Phỗng đá” có thêm phần mưỡu tiền với 4 câu thơ lục bát mở đầu.

Trong một bài ca trù Hát nói, có thể có những câu thơ lục bát mở đầu hoặc kết thúc bài nhưng nó như một phần độc lập, còn bố cục chính của bài chỉ được tính trong phần thơ Hát nói. Áp dụng quy định này với “Ông Phỗng đá” thì bài ở thể đủ khổ (11 câu thơ) có mưỡu tiền kép (vì có 4 câu lục bát, nếu 2 câu thì là mưỡu tiền đơn).

Tổng thể bài thơ, 4 câu mưỡu tiền là: “Người đâu tên họ là gì?/ Khéo thay chích chích chi chi nực cười/ Vắt tay ngửa cổ lên trời/ Hẳn còn lo tính sự đời chi đây”. Sau đó chuyển sang thể thơ Hát nói, 4 câu đầu phần Hát nói là: “Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi/ Cớ làm sao len lỏi đến chi đây?/ Hay tưởng trông cây cỏ nước non này/ Chí cũng rắp dan tay vào hội Lạc”. Hai câu thơ chữ Hán là: “Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc/ Thương hải thùy tri ngã diệc âu”.

Nếu như “Anh giả điếc” câu gối hạc xuất hiện ngay sau câu đối (câu thứ 7), thì “Ông Phỗng đá” xuất hiện muộn hơn, hai câu 7 và 8 tiếp tục diễn giải nội dung đã có từ trước: “Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu/ Túi vũ trục mặc đàn sau gánh vác” (ý là mọi việc để đời sau gánh vác). Sau đó câu gối hạc mới xuất hiện. Khác với “Anh giả điếc”, câu gối hạc dài 24 chữ và gói gọn trong khuôn khổ một câu thơ, ở “Ông Phỗng đá”, nó nằm trong khuôn khổ hai câu, tương đương với các câu ở vị trí thứ 9 và 10. Câu 11 kết bài có 6 chữ: “Nên chăng đá cũng gật đầu”.

Bài “Thi hỏng” của Trần Tế Xương, phần thơ Hát nói có 21 câu thơ, tương đương với bố cục dôi hai khổ. Bài này có tới 2 câu gối hạc. Câu đầu xuất hiện ngay sau câu đối, tức là vị trí câu thứ 7. Cụ thể: “Đã sinh ra, chân không què, tai không điếc, mắt không mù/ Nợ trần thế giả bù chi mãi mãi”.

Câu thơ này có 20 chữ. Câu gối hạc thứ 2 có 21 chữ, xuất hiện ở phía cuối bài: “Rồi cũng cờ, cũng biển, cũng cõng, cùng lọng, cùng hèo, cũng giương mắt ếch, vể tai mèo trong cõi tục”. Sau câu gối hạc này bài thơ chỉ còn 3 câu thơ là kết thúc: “Trong thiên hạ một trăm người, chín mươi chín người mắt đục/ Dù ai khen, ai khúc khích mặc thây ai/ Ai ơi có lấy kẻo hoài”.

Một vài nét riêng

Chỉ nhìn vào một vài câu thơ được nhắc đến trên đây đã thấy câu gối hạc sử dụng khá linh hoạt. Câu gối hạc có độ dài ngắn khác nhau, 20, 21, 23, 24 chữ… Tuy nhiên, không phải cứ câu thơ dài vượt quá khuôn khổ của những câu thông thường thì là gối hạc. Chẳng hạn trong bài “Thi hỏng” còn có 2 câu thơ được cấu thành từ 12 chữ, đó là: “Thôi chẳng qua mai vi tảo, cúc vi trì, hạnh vi vãn” và câu “Trong thiên hạ một trăm người, chín mươi chín người mắt đục”. Trong bài “Vịnh nhân sinh” của Nguyễn Công Trứ có một câu thơ 12 chữ có lối viết khá giống với nhiều câu gối hạc: “Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”, nhưng không được xếp vào loại câu này.

Theo NSƯT Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thái Hà, câu gối hạc là câu thơ có nối dài. Ông Khuê ví dụ vào bài “Đào hồng đào tuyết” của Dương Khuê: Sau câu đối chữ Hán “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu/ Quân kim hứa ngã giá thành ông”, đến câu thứ 7 là câu Nôm “Cười cười nói nói sượng sùng”.

Ở đây Dương Khuê không viết câu gối hạc, nhưng nếu viết thì câu thứ 7 này sẽ được phát triển thành câu thơ khoảng trên dưới 20 chữ, có thể là: “Lúc cười cười, khi nói nói, lúc nói nói, khi sượng sùng…”

Như vậy, gối hạc là câu thơ được nối dài, phần nối dài có tác dụng bổ nghĩa cho câu thơ và cho toàn bài thơ. Tuy là một câu thơ dài, có thể lên tới 24 chữ, số lượng chữ này có thể tương đương một khổ thơ nhưng nó lại vẫn chỉ là một câu thơ. Mặt khác, về văn học là một câu thơ dài, nhưng về âm nhạc lại tương đương với việc bài có thêm một khổ dôi. Vì vậy khi thể hiện, nghệ nhân phải nhận biết câu gối hạc, có cách để thể hiện tiếng đàn, nhịp phách và hát sao cho phù hợp với phần nối dài. Chẳng hạn khi đó phách phải dôi ra, đàn phải biết thêm tiếng.

NSƯT Nguyễn Văn Khuê cũng chia sẻ cách để nhận biết câu gối hạc “trong nghề các cụ dạy mình, tức là đến câu thứ 7 mà nó dài thêm ra hai mấy chữ thì gọi là câu gối hạc”. Có thể bố cục chuẩn nhất của bài Hát nói có sử dụng câu gối hạc là ở vị trí câu thứ 7 trong 11 câu thơ. Tuy nhiên, cũng có bài câu gối hạc xuất hiện ở vị trí câu thứ 9.

Thậm chí có bài có tới 2 lần xuất hiện câu gối hạc, khi đó, lần xuất hiện đầu tiên vẫn thường là ở câu thơ số 7. Góc độ khác, gối hạc có hai lối là gối hạc phách Bắc (âm cao) và gối hạc phách Nam (âm thấp). Nhìn vào thơ hoặc chỉ cần nói là đào nương và kép đàn biết câu gối hạc theo lối nào và cách thể hiện.

NGUYỄN QUANG LONG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/goi-hac-cau-tho-la-trong-ca-tru-10264994.html