GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: ĐIỂM TIẾN BỘ CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những điểm mới, nhận được sự quan tâm trong dự thảo luật lần này là quy định về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trước tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết phân tích về quy định này trong dự thảo Luật.

Trong khuôn khổ của hoạt động xây dựng pháp luật, ngoài việc chỉ ra những điểm hạn chế, vướng mắc hoặc chưa phù hợp của các dự thảo luật nhằm hoàn thiện dự thảo trước khi chính thức thông qua thì việc đánh giá một quy định của luật trong mối liên hệ với các Bộ luật, luật khác cũng là nội dung quan trọng cần được quan tâm để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trên tinh thần đó, bài viết này phân tích về nội dung quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội từ góc nhìn của pháp luật hình sự, góp phần đánh giá đa chiều về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Có thể khẳng định, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ cả về nội dung và kĩ thuật lập pháp so với luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Ngoài những điểm mới quan trọng về chính sách bảo hiểm xã hội như bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; quy định về sổ BHXH điện tử… thì dự thảo đã có những quy định mới về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Quy định này có ý nghĩa quan trọng, góp phần “tăng cường hiệu quả trong việc xác định, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động”. Cụ thể, Điều 43 Dự thảo quy định về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Điều 43. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các hành vi sau:

1. Người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này.

2. Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định.

3. Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

Nhìn từ góc độ pháp luật hình sự, các quy định này là một trong những điểm tiến bộ của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được ban hành, lần đầu tiên đã tội phạm hóa hành vi trốn đóng bảo hiểm với việc quy định Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhằm tạo khung pháp lí cho việc xử lí hình sự cá nhân và pháp nhân thương mại có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động – những hành vi vi phạm quyền lợi của người lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội.

Tuy nhiên, từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay, việc xử lí hình sự các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung và hành vi trốn đóng bảo hiểm nói riêng còn nhiều vướng mắc mà một trong những lí do là bởi quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Bộ luật hình sự năm 2015 còn có những nội dung chưa rõ ràng. Quy định mới tại Điều 43 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiện nay đã khắc phục được những điểm hạn chế này. Cụ thể:

Thứ nhất: Điều 43 của Dự thảo đã luật hóa các hành vi được coi là hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, làm căn cứ để định tội đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 216 BLHS năm 2015.

Trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội Trốn đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại khoản 1 Điều 216 BLHS, nhà làm luật không mô tả hành vi phạm tội mà chỉ quy định hai dạng hành vi phạm tội là hành vi không đóng hoặc đóng không đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội. Các hành vi này được thực hiện dựa trên thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác. Về nguyên tắc, việc xác định hành vi được coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện dựa trên quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không có quy định nào giải thích về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, mà chỉ quy định nghiêm cấm hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại khoản 1 Điều 17. Do đó, hiện nay, việc xử lí hình sự các hành vi liên quan đến bảo hiểm nói chung và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội nói riêng được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội được xác định như sau:

Trốn đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó: 1) Dạng hành vi không đóng bảo hiểm xã hội là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định; 2) Dạng hành vi không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.

Thủ đoạn gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan có thẩm quyền.

Tuy Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đã giải thích về các hành vi được coi là hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhưng về bản chất, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán là văn bản dưới luật, có tính chất là văn bản hướng dẫn xét xử. Do vậy, vẫn cần luật hóa các hành vi này để đảm bảo tính pháp lý trong việc áp dụng pháp luật. Theo Điều 43 Dự thảo, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

Một là: Hành vi của người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội;

Hai là: Hành vi của người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định;

Ba là: Hành vi của người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

Thứ hai: Ngoài việc luật hóa các hành vi được xác định là hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội tương tự như Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn bổ sung các dạng hành vi mới.

Trên thực tế còn một số dạng hành vi khác về bản chất là hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng lại chưa được coi là hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP như trường hợp người sử dụng lao động chậm trễ, chây ỳ trong việc lập hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hay trường hợp “người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động để kí kết hợp đồng lao động và kê khai bảng lương thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế để giảm mức tiền bảo hiểm phải đóng”. Ví dụ mức lương thực tế của người lao động là 20 triệu đồng, nhưng người sử dụng lao động đã thỏa thuận với người lao động để ghi mức lương là 6 triệu đồng trong hợp đồng và trong bảng lương kê khai nhằm giảm số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng…

Số tiền nợ BHXH rất lớn của một số năm gần đây.

Số tiền nợ BHXH rất lớn của một số năm gần đây.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiện nay ngoài việc quy định các hành vi tương tự như các hành vi đã được hướng dẫn trong Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP còn bổ sung thêm ba dạng hành vi được xác định là hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội là: 1) Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định (thời gian này được quy định tại khoản 1 Điều 34 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)); 2) Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định. Quy định này của Dự thảo đã khắc phụ được lỗ hổng trong việc xác định các hành vi được coi là hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đảm bảo việc xử lí các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội một cách công bằng và kịp thời, tránh tình trạng cùng thực hiện những hành vi có bản chất là trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng có trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự, có trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Với những phân tích trên, có thể khẳng định nội dung quy định về các dạng hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội được thể hiện trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là cần thiết, có tính khái quát cao và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Quy định này được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lí quan trọng cho việc xử lí hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 216 BLHS năm 2015. Điều đó cho thấy tính hiệu quả trong hoạt động, quyết liệt trong chỉ đạo của Quốc hội đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, Luật Bảo hiểm xã hội nói riêng./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82427