Góc khuất sau những 'thương vụ' chuyển nhượng của bóng đá

Đã hơn 20 năm kể từ ngày V-League đi lên chuyên nghiệp, nhưng thị trường chuyển nhượng của giải đấu cao nhất Việt Nam vẫn là một bí ẩn lớn với người hâm mộ, với những thương vụ như 'mọc từ dưới đất lên'.

Ma lực “hoa hồng”

Năm 2001, giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam chính thức hành trình bước lên chuyên nghiệp, những cách làm bóng đá mới xuất hiện. Hai thế lực mới nổi khi ấy là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Gạch Đồng Tâm Long An lần lượt đánh văng các tên tuổi cũ để lên ngôi với triết lý “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.

Chính sự vươn lên mạnh mẽ của HAGL và Đồng Tâm Long An đã thu hút một loạt ông bầu lao vào bóng đá. Từ năm 2007 trở đi, thị trường chuyển nhượng cầu thủ bắt đầu bùng nổ với hàng loạt hợp đồng tiền tỉ. Mở đầu là Lê Công Vinh, người dứt áo Sông Lam Nghệ An để chuyển đến T&T Hà Nội (tiền thân CLB Hà Nội hiện nay) của bầu Hiển với mức phí lên đến 7 tỉ đồng - một kỷ lục của V-League thời bấy giờ.

Tuy nhiên, đây cũng là thương vụ tạo ra tiền lệ xấu cho V-League, khi phí chuyển nhượng được hiểu giống như phí lót tay (hoa hồng) đơn thuần. Phần lớn 8 tỉ đồng chảy vào túi riêng của Công Vinh, trong khi SLNA không thu được đồng nào từ tiền đạo mà họ mất công đào tạo và phát triển.

Lê Công Vinh được xem là “bom tấn” thay đổi thị trường chuyển nhượng V-League.

Đến năm 2011, Công Vinh tiếp tục có một thương vụ chuyển nhượng ồn áo khác từ T&T Hà Nội sang CLB Hà Nội của bầu Kiên với mức phí lót tay 12 tỉ đồng. Chỉ có người trong cuộc mới biết tại sao Công Vinh lại kiếm được số tiền khổng lồ đó, nhưng những con số này đã tạo ra sức hút không thể cưỡng lại với những tay môi giới cầu thủ, hay còn gọi là “cò”.

Phần lớn các hợp đồng chuyển nhượng, mua bán cầu thủ đều phải thông qua môi giới và số tiền về tay cầu thủ cũng như các CLB thậm chí còn ít hơn tiền hoa hồng cho môi giới. Chính điều này tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường, nơi các tay môi giới có khả năng đổi đời chỉ sau một thương vụ thành công, trong khi các cầu thủ cũng muốn tìm đến nơi sẵn sàng trả phí lót tay cao hơn.

Đỉnh điểm của sự hỗn loạn là giai đoạn 2008-2012, khi bầu Trường và CLB Ninh Bình xuất hiện. Với túi tiền được ví von là “không đáy” của bầu Trường, CLB Ninh Bình dễ dàng thu hút một loạt tuyển thủ quốc gia về đội.

Trước thềm V-League 2009, CLB Ninh Bình gây sốc khi phá hợp đồng của Vũ Như Thành với Bình Dương với giá 5 tỉ đồng, lót tay cho trung vệ này 7 tỉ đồng cùng bản hợp đồng 3 năm với mức lương 50 triệu đồng. Sau đó, đội bóng cố đô Hoa Lư tiếp tục gây sốc với tiền đạo Nguyễn Việt Thắng (8 tỷ đồng, năm 2010), thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng (12 tỷ đồng, năm 2011)…

Có lẽ không giải đấu chuyên nghiệp nào trên thế giới chuyển nhượng như V-League, khi các thỏa thuận mua bán không rõ ràng, thiếu minh bạch. Tất nhiên, sẽ có những thông tin cần được bảo mật, nhưng việc chuyển nhượng ở V-League chỉ đến khi xảy ra, người ta mới biết, và cũng chỉ biết những thông tin nhỏ giọt. Không có bất cứ con số nào được công khai, hoặc quá trình đàm phán giữa các bên diễn ra như thế nào.

Những năm gần đây, việc chuyển nhượng cầu thủ còn xuất hiện những thương vụ theo dạng “quan hệ”. Năm ngoái, một loạt cầu thủ Hải Phòng cay đắng khi bị đẩy sang Than Quảng Ninh trong lúc phong độ toàn đội đang thăng hoa. Tương tự như vậy, CLB Hà Nội từng bị tố giúp “người anh em” Quảng Nam trụ hạng bằng cách cho mượn một loạt ngôi sao chất lượng cao.

Tất cả tạo ra một vùng phủ sương mờ mà lâu dần, giới mộ điệu cũng không còn quan tâm.

Loạn thông tin từ môi giới

Những tưởng V-League sẽ tiếp tục vận động theo kiểu chuyển nhượng không giống ai như vậy, thì sự thành công của bóng đá Việt Nam những năm gần đây khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.

Các lứa ngôi sao trẻ bắt đầu được tiếp xúc với những người đại diện, công ty đại diện chuyên nghiệp hơn, nhưng phần lớn các cầu thủ, HLV khác ở V-League - đặc biệt là các ngoại binh vẫn sống chung với các “cò bóng đá”.

HLV Park Hang-seo là “nạn nhân” nổi tiếng nhất, khi ông luôn bị làm phiền bởi các thông tin vô căn cứ mỗi khi hợp đồng sắp hết hạn. Gần nhất, một số trang tin dẫn tin nhà môi giới có tên Park Kyung Won khẳng định LĐBĐ Hàn Quốc muốn bổ nhiệm HLV Park Hang-seo thay thế HLV Paulo Bento dẫn dắt đội tuyển nước này.

Thông tin này xuất hiện đúng vào thời điểm HLV Park Hang-seo vừa về Hàn Quốc nghỉ ngơi dài ngày và quay lại Việt Nam bắt tay vào các mục tiêu lớn trong năm 2021. HLV Park Hang-seo cực kỳ tức giận, nhưng ông cũng không thể truy ra nguồn gốc thông tin xuất phát từ đâu, với mục đích gì.

Tương tự như vậy, ngoại binh nổi tiếng ở Hà Nội cách đây hai mùa giải, Papa Ibou Kebe đã than trời vì sự lắt léo của các tay môi giới cầu thủ tại V-League. Tiền đạo 31 tuổi người Pháp trở nên thất nghiệp khi môi giới đưa ra thông tin sai lệch về anh với các HLV, các CLB ở V-League.

Không chỉ Kebe, mà nhiều ngoại binh khác từng khóc hận ở V-League vì bị thanh lý hợp đồng không rõ lý do, bị đẩy đi đẩy lại các CLB khác nhau cho dù chơi không tệ. Lý do vẫn nằm ở lợi ích của một số cá nhân, bởi lẽ mỗi thương vụ thành công đều đi kèm các khoản phí lót tay rất lớn. Đa số các ngoại binh đến V-League đều theo dạng tự do, không có phí chuyển nhượng và việc họ ký hợp đồng được quyết định bằng % lót tay. Không chỉ có “cò”, mà ngay cả những người ở CLB chiêu mộ cầu thủ cũng có thể nhận được % lớn từ khoản tiền này. Đen đủi thì như Kebe còn may mắn thì như Rimario Gordon, mỗi năm đổi một CLB. Tất cả tạo nên môi trường chuyển nhượng bí ẩn mà hỗn loạn.

Những người môi giới đang làm hại V-League

Trả lời phóng viên, Papa Ibou Kebe tiết lộ, những người môi giới ở V-League chỉ quan tâm đến tiền bạc và cố gắng thúc đẩy các thương vụ chuyển nhượng, ký hợp đồng với cầu thủ càng nhiều càng tốt thay vì cố gắng giới thiệu các cầu thủ thực sự có chất lượng và có sự chuyên nghiệp cao.

Đáng chú ý, Papa Ibou Kebe không phải người đầu tiên thốt lên câu này. Cách đây 8 năm, bầu Trường từng lên báo chỉ trích “siêu cò” Trần Tiến Đại. Trong những năm đầu tiên xây dựng CLB Ninh Bình, bầu Trường thậm chí đã bổ nhiệm ông Trần Tiến Đại làm giám đốc điều hành kiêm HLV đội bóng để thuận tiện việc mua bán. Tuy nhiên, các thương vụ theo kiểu “đi đêm” khiến CLB Ninh Bình gặp nhiều rắc rối và dần dẫn đến thất bại, giải thể.

Năm 2013, sau khi chia tay “siêu cò” Trần Tiến Đại, bầu Trường đã phải thốt lên rằng: “Anh Đại đang làm lũng đoạn thị trường chuyển nhượng Việt Nam, như thế là giết bóng đá”.

Đơn Ca

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/goc-khuat-sau-nhung-thuong-vu-chuyen-nhuong-cua-bong-da-631912/