'Góc khuất' của tăng trưởng nóng

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn và hàng không thế giới gặp khủng hoảng, thị trường vận tải hàng không Việt Nam vẫn tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, đằng sau những con số đẹp về tăng trưởng, về đầu tư đội tàu bay mới,… của các hãng, là “góc khuất” về tình trạng chậm, hủy chuyến, áp lực cơ sở hạ tầng và cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực.

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam rất ấn tượng, nhưng tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng cũng nằm ở tốp đầu trong khu vực và mức cao trên thế giới. Vào những giai đoạn cao điểm, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay tăng vọt. Ngành hàng không phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh, nhưng lực lượng nhân sự trong lĩnh vực này chủ yếu phải thuê nước ngoài, nhân lực trong nước rất hạn chế, có hãng phải thuê đến 90% phi công người nước ngoài. Do thiếu hụt nguồn nhân lực, đã có hiện tượng hãng hàng không này tìm mọi cách để “vợt” người của hãng khác.

Gần hai năm trước, khoảng 100 phi công và nhân viên kỹ thuật cao của Hãng Vietnam Airlines đồng loạt báo ốm, gây xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng tư tưởng đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn bay,… là bằng chứng rõ nhất của hiện tượng này. Các cơ quan quản lý nhà nước đã phải ra chỉ thị không chấp thuận việc lôi kéo, chuyển dịch lao động giữa các hãng; không cấp bằng, chứng chỉ với các phi công, kỹ sư máy bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc, chuyển nơi khác.

Hoạt động hàng không dân dụng tại mỗi quốc gia luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA). Ngành hàng không dân dụng phát triển với tốc độ rất nhanh, một số hãng có biểu hiện phát triển nóng, các doanh nghiệp đều muốn phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị nguồn lực và nhân lực dẫn đến khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn và không có biện pháp khắc phục, chi phí sản xuất của ngành hàng không sẽ rất lớn và không tự chủ được lực lượng lao động.

Cục HKVN phấn đấu đến năm 2020, lực lượng lao động trong ngành có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, trong đó đáp ứng 100% nhu cầu về phi công, tự bảo đảm quản lý, khai thác, bảo dưỡng và đáp ứng phần lớn nhu cầu về sửa chữa các trang thiết bị chuyên ngành. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của ngành hàng không là đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc đào tạo cũng phải xuất phát từ yêu cầu, nhu cầu thực tế của các hãng. Trước tiên, phải tính đến hệ thống đào tạo huấn luyện, hệ thống nâng cao chất lượng ngành hàng không từ đào tạo cơ bản đến nâng cao, định kỳ,…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31436502-%e2%80%9cgoc-khuat%e2%80%9d-cua-tang-truong-nong.html