Góc Hà Nội ở phòng tranh 'Tháng 6'

Với tên gọi 'Tháng 6', triển lãm của bốn họa sĩ đến từ thủ đô đang diễn ra tại gallery ATC (100 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) từ 17-23.6.2023. Các tác giả đã đem đến một nét đặc sắc trong sinh hoạt mỹ thuật đang sôi động của Sài Gòn hôm nay.

Tiền thân của gallery ATC là phòng tranh Lotus của nhà sưu tập Nguyễn Thị Xuân Phượng - tác giả sách bán chạy trong thời gian qua với tự truyện Gánh gánh gồng gồng - nơi là cái nôi của nhiều họa sĩ thuở mới vào nghề, cũng là nơi phát hiện, chăm sóc nhiều họa sĩ có tài từ lúc họ còn vô danh.

Khai mạc triển lãm bốn họa sĩ Hà Nội.

Tiếp nối thành quả của Lotus, ATC hiện nay là điểm đến của những người yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập, trong đó có các doanh nhân nổi tiếng. Một trong những nét riêng của ATC là giới thiệu những tác giả năng động, sống và sáng tác ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Triển lãm Tháng 6 là một ví dụ.

Chu Viết Cường, Nguyễn Huân, Nguyễn Minh và Khổng Đỗ Duy đã từng trưng bày tác phẩm chung với nhau, như các triển lãm Đa diện ở Hà Nội và TP.HCM những năm gần đây, cùng vài triển lãm nhóm. Tháng 6 mang ý nghĩa là thời gian nhóm bốn họa sĩ thường gặp nhau ở các phòng tranh chung. Như tự thuật của họ, đây là cuộc gặp gỡ của sự “đồng điệu về tư tưởng nhưng khác biệt bởi cách nhìn, lối vẽ và ngôn ngữ biểu đạt”.

Quả vậy, mỗi người một vẻ, họ đã mang đến sự đa dạng về nhiều mặt, từ chất liệu đến phong cách tạo hình riêng biệt.

Chiều yên - tranh sơn mài Chu Viết Cường.

Với Chu Viết Cường là tranh sơn mài khổ lớn, tả thực đến từng chi tiết những cảnh sắc nông thôn dung dị, quen thuộc và gần gũi, những bản làng vùng cao phía Bắc với các khóm tre, những tán cọ giấu mấy nếp nhà tranh êm ả. Hay đó là những chiều nhạt nắng chốn cô liêu, mây trắng vờn đồi núi xa xa. Rồi mùa thu Văn Miếu với bóng đa cổ thụ xòe tán lá nhuộm sắc vàng khung cảnh…

Năm 2019, tranh sơn mài khổ lớn với tạo hình tương tự của Chu Viết Cường được giới thiệu lần đầu tiên tại phòng tranh Lotus đã có được thành công khả quan về mặt thị trường, lần này tranh của anh đã được gắn chấm đỏ trước giờ khai mạc triển lãm.

Tác phẩm sơn mài và sơn dầu của Nguyễn Minh.

Nguyễn Minh còn được gọi là Minh "phố” bởi trong tranh anh đầy ắp hình ảnh phố Hà Nội, được thể hiện bằng những lát cắt dọc và ngang mặt phố, riêng loạt tranh sơn mài Nhịp phố dựng hình theo chiều đứng, với ngôn ngữ lập thể là một cách nhìn mới về phố xá Hà Nội - vốn đã là đề tài muôn thuở của nhiều tên tuổi lớn trong làng hội họa thủ đô.

Bên cạnh đó, Nguyễn Minh còn đem đến những xúc cảm sâu lắng qua loạt tranh tĩnh vật “Hương tháng Giêng”, tháng của cái Tết Nguyên đán và những lễ hội mừng Năm mới với hoa trái ngọt ngào…

Và cành lê hoa trắng, cành đào thắm, những bông hoa chuối rừng Tây Bắc; tất cả hoa trái trần gian cùng những bình gốm cổ với bảng màu mang mang hoài nhớ của Khổng Đỗ Duy cuốn người xem vào một vùng kỷ niệm và ký ức không thể nào quên sau bao tháng năm.

Cành lê - tranh sơn dầu của Khổng Đỗ Duy.

Hai trong loạt tranh Câu chuyện về mây của Nguyễn Huân.

Ở một góc nhìn khác hẳn là loạt tranh Câu chuyện về mây của Nguyễn Huân. Sự biến ảo không ngừng và những hình dạng lạ lùng của mây trời theo thời tiết, khí hậu, cùng những sắc màu luôn đổi thay theo thời gian ngày và đêm khơi gợi cảm xúc sáng tạo của anh. Từ đó, Nguyễn Huân “xây dựng hình tượng mây trong suy tưởng, trong tâm thức với một không gian như vô định, hình hài hiện rõ mà như không, bồng bềnh, nhuốm màu, dồn nén và tan ra…” (tự bạch của họa sĩ). Nên từ hình ảnh của mây có thể mường tượng hình ảnh của Đức Phật từ bi, có thể gợi đến nhân vật trong tác phẩm Tiếng thét của Edvard Munch…

Tháng 6 là những câu chuyện kể của các tác giả. Dù là kể về nơi chốn họ đã đi qua, đồ vật họ đã ngắm nhìn hay hình ảnh thuần tưởng tượng thì điều quan trọng là những câu chuyện của cảm xúc. Mà nói như Cézanne, thì “một bức tranh không thể gọi là tác phẩm nghệ thuật nếu bức tranh không được khởi đầu bằng cảm xúc”.

Diên Vỹ

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/goc-ha-noi-o-phong-tranh-thang-6-39926.html