Góc độ pháp lý vụ bắt giữ nghi phạm 14 tuổi bỏ chất độc vào sữa khiến cha và bà nội tử vong

Bước đầu tại cơ quan điều tra, Q. khai do cha thường xuyên rượu chè, mắng chửi nên nghi phạm nảy sinh ý định giết người.

Liên quan đến vụ án mạng chết người do ngộ độc tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án hình sự điều tra về hành vi "Giết người". Đồng thời, công an đã tạm giữ đối với P.M.Q. (SN 2009, trú tại huyện Cái Bè) để phục vụ công tác điều tra.

Theo lời khai ban đầu, năm Q. lên 6 tuổi thì cha mẹ ly thân. Q. và 2 em về ở với mẹ tại nhà ông bà ngoại ở xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè). Năm 2021, Q. bỏ học và cùng mẹ làm ở vựa trái cây của dì ruột. Vài năm gần đây, Q. về ngủ tại nhà của bà nội và cha ruột ở xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè). Ông P.V.Y. (SN 1978, cha ruột Q.) thường xuyên uống rượu. Q. nói cha bỏ rượu thì bị la mắng nên đã nảy sinh ý định giết người.

Căn nhà nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: VNN

Ngày 13/10, Q. đã xin bả chó từ một người quen. Khuya cùng ngày, Q. lấy bả chó bỏ vào hộp sữa mà cha ruột và bà nội là P.T.P. (SN 1940) thường hay uống.

Sáng 14/10, Q. đi làm như thường ngày thì hay tin cha ruột tử vong. Đến tối cùng ngày, bà P. cũng uống sữa. Khoảng 5 phút sau, bà P. có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói và chết trên đường đi cấp cứu. Gia đình cho rằng cả 2 tử vong do bệnh lý nên không trình báo cơ quan Công an và tổ chức đám tang.

Sáng 15/10, con ruột bà P. là P.M.T. (SN 1968) đến nhà phụ đám tang cũng uống sữa và có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên gia đình đưa đi cấp cứu. Ông T. được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng rất nặng. Bác sĩ đã tích cực điều trị, sức khỏe ông T. đã ổn định và xuất viện về nhà.

Sau khi xảy ra vụ việc, Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi, thu giữ các đồ vật tài liệu, làm việc với những người có liên quan.

Căn cứ kết quả giám định các mẫu vật thu tại hiện trường và kết quả điều tra, Q. là người có liên quan đến vụ việc nên Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp, đồng thời tiếp tục làm rõ các đối tượng liên quan (nếu có).

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Trước tiên phải khẳng định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi hậu quả gây ra hết sức thương tâm khiến 2 người tử vong, một người nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nhưng điều khiến mọi người "sốc" hơn cả là đối tượng gây án lại chính là con, cháu nạn nhân (mới 14 tuổi).

Khoản 2. Điều 12 Bộ luật hình sự quy định về tuổi chịu trách nghiệm như hình sự như sau: "Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.".

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích vụ việc

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, động cơ sự việc. Làm rõ khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, trong vụ án này, nghi phạm vừa có lỗi cố ý trực tiếp, vừa có lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả các nạn nhân tử vong và cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Theo kết quả điều tra ban đầu thì đối tượng bỏ thuốc độc vào sữa mong muốn cha mình uống phải và tử vong, đây là lỗi "cố ý trực tiếp", đối tượng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, vẫn cố ý thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người". Đối với hai nạn nhân khác là bà nội và bác ruột, có thể đối tượng không mong muốn hai người này trúng độc và chết nhưng đã "bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra", nên đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả với vai trò là lỗi "cố ý gián tiếp".

Thực tế đã có thêm một người chết và một người nguy kịch. Bởi vậy, đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 123 bộ luật hình như: Hành vi có tính chất côn đồ (điểm n); Bằng phương pháp có thể làm chết nhiều người (điểm l); Giết từ hai người trở lên (điểm a); Phạm tội với bà, cha (theo quy định tại điểm đ)... nên hình phạt đối tượng này sẽ phải đối mặt là rất nghiêm khắc.

Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng này là người chưa thành niên, chưa đủ 18 tuổi nên được áp dụng chính sách khoan hồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó hình phạt trong trường hợp này đối tượng phải đối mặt sẽ không quá 12 năm tù và pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay cũng không áp dụng hình phạt là tù chung thân tử hình đối với đối tượng là người chưa đủ 18 tuổi.

Ngoài ra, theo ông Cường, trong vụ việc trên, xét ở một góc độ nào đó thì hành vi giết người thân thể hiện cho sự bế tắc đến tột cùng của cậu bé 14 tuổi khi nghi phạm không thể giải quyết mối quan hệ bằng cách thức mang tính thiện chí, tốt đẹp.

Hiện trường vụ án mạng giết người yêu ở Thủy Nguyên, Hải Phòng

C.Lê - Q.Tuyên

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/goc-do-phap-ly-vu-bat-giu-nghi-pham-14-tuoi-bo-chat-doc-vao-sua-khien-cha-va-ba-noi-tu-vong-172231022163530967.htm