Gỡ khó Chương trình phục hồi:Đề xuất giải ngân vốn đầu tư đến hết năm 2025

Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

8 tháng, giải ngân vốn đầu tư đạt 19,3%

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra; đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản để cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết.

Đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ và chưa từng được triển khai trước đây nhưng đã được nghiên cứu, xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được đánh giá tác động trước khi ban hành. Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ

Đến hết tháng 8/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế (gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng), chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 đã kịp thời thu hút, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, "giữ chân" người lao động làm việc ổn định tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Năm 2022 đã không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, các doanh nghiệp cơ bản tuyển dụng được nhân lực bảo đảm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết (175.217,783 tỷ đồng) trong khi thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn khoảng 4 tháng (đến hết năm 2023), có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Đề xuất tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Trong báo cáo, Chính phủ đã nêu chi tiết về kết quả triển khai các chính sách, cùng những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, căn cứ tình hình triển khai thực tế và kiến nghị của các cơ quan liên quan, Chính phủ đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề.

Trong đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh giảm 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi (gồm cho vay nhà ở chính sách xã hội; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập) thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cùng đó, tăng 16.100 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỷ đồng. Tổng số vốn thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn giữ nguyên theo hạn mức được Quốc hội cho phép (38.400 tỷ đồng).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Về việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình, theo Chính phủ, một số dự án giao thông quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án có quy mô lớn, có tính liên vùng mới được triển khai thi công do cần có thời gian để hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định nên kết quả giải ngân kế hoạch vốn từ Chương trình còn hạn chế. Trường hợp không cho phép tiếp tục thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình sau ngày 31/12/2023 có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án.

Thời gian thực hiện dự án có thể kéo dài, giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tạo sức ép bố trí vốn trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do phải bố trí thêm cho các dự án thuộc Chương trình chưa hoàn thành, gây gánh nặng bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Theo quy định tại Nghị quyết 43, thời gian giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết ngày 31/12/2023, do đó khó có khả năng giải ngân hết số vốn còn lại của Chương trình, đặc biệt đối với các dự án giao thông quan trọng, quy mô lớn, có tính liên vùng có kế hoạch bố trí vốn từ Chương trình lớn.

Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2025.

Đối với gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ đánh giá nguồn lực còn lại của chính sách còn lớn nhưng khả năng thực hiện và giải ngân thấp, đồng thời thời gian còn lại của Chương trình chỉ còn chưa đến 3 tháng, việc nghiên cứu điều chuyển nguồn lực cho chính sách khác thuộc Chương trình để thực hiện là khó khả thi do không đủ thời gian đánh giá hiệu quả, tác động.

Để bảo đảm việc thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% này theo Nghị quyết 43. Sau kết thúc thời gian giải ngân (hết năm 2023), đối với số vốn không giải ngân hết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến khoảng 38.592 tỷ đồng), đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.

Trước đó, Nghị quyết số 43 cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1% - 1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Không thể giải ngân hết gói hỗ trợ lãi suất 2%

Tại báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phản ánh, số tiền hỗ trợ lãi suất của chính sách tính đến cuối tháng 8/2023 chỉ đạt 781 tỷ đồng, bằng 1,95% gói hỗ trợ lãi suất 2%. Điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp.

“Giải ngân hết gói hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi. Điều này cho thấy việc đề xuất, xây dựng chính sách chưa sát thực tế, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh thống nhất với nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời bày tỏ quan tâm đến việc khai thác nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Đồng quan điểm về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 43 còn hạn chế, đến nay, có những nội dung có tiến độ giải ngân rất thấp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu ví dụ cụ thể về thực hiện chính sách và sử dụng 5.000 tỷ đồng của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, trong đó có 4.000 tỷ đồng đối với các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng.

Hiện nay, Bộ TT&TT vẫn chưa ban hành được thiết kế tiêu chuẩn, suất đầu tư của các công trình hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cũng như chi phí để duy trì vận hành các cơ sở này, mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Tương tự, đối với việc hỗ trợ phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ ở các thôn, bản, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đã trình Bộ TT&TT những nội dung này, nhưng vẫn đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch thực hiện…

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/go-kho-chuong-trinh-phuc-hoide-xuat-giai-ngan-von-dau-tu-den-het-nam-2025.html