Giữa Sài Gòn nhộn nhịp, có một bệnh viện mang tên Thống Nhất

Bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện duy nhất có tên gọi gắn liền với cột mốc lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua 48 năm đổi mới, khẳng định và phát triển, bệnh viện đã trở thành nơi đặt niềm tin của cán bộ, nhân dân miền Nam.

Thống Nhất - cái tên gắn liền với dấu mốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thành lập năm 1975, Bệnh viện Thống Nhất được xây dựng nhằm đảm bảo cho việc khám chữa bệnh đối với cán bộ trung cấp, cao cấp vùng mới giải phóng.

48 năm thống nhất - 48 năm cống hiến

Ngày 21/7/1975, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã ban hành Nghị quyết số 07/QĐ75 "Về việc tổ chức bệnh viện để điều trị cho các cán bộ trung cấp, cao cấp của quân, dân, chính, Đảng." Nghị quyết nêu rõ, lấy Bệnh viện Vì Dân làm Bệnh viện của Trung ương Cục để điều trị cho cán bộ trung cấp, cao cấp quân sự và Dân - Chính - Đảng. Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ sức khỏe của Trung ương Cục làm Viện trưởng...

Vào tháng 9/1975, chấp hành Nghị quyết số 07/QĐ75 của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành cùng các đồng chí cán bộ đã tiếp nhận cơ sở hạ tầng, xây dựng đội ngũ, củng cố tổ chức thành lập bệnh viện với tên gọi là Quân Y viện Thống Nhất.

Ngày 1/11/1975, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Quân Y viện Thống Nhất bắt đầu nhận những bệnh nhân đầu tiên. Tới ngày 27/8/1976, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng đã ký Quyết định số 08/QĐ-TTg-B về việc thành lập Bệnh viện Thống Nhất.

Bệnh viện Thống Nhất - Thống nhất, trách nhiệm và tình người.

Bệnh viện có nhiệm vụ khám chữa bệnh và quản lý sức khỏe cho cán bộ trung cấp, cao cấp, Dân - Chính - Đảng và một số khách quốc tế hoạt động tại miền Nam; tham gia quản lý sức khỏe cán bộ cao cấp, cấp cứu, điều trị tại nhà cho các đồng chí Trung ương ủy viên; phục vụ về mặt y tế cho các hội nghị do Trung ương Đảng và Chính phủ tổ chức...

Tới ngày 25/3/1978, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng đã ký Quyết định số 45-TTg-B chuyển giao bệnh viện sang Bộ Y tế quản lý. Ngày 11/5/1978, Bộ Y tế chính thức tiếp quản Bệnh viện Thống Nhất, tiến hành tổ chức xây dựng theo mô hình mới, đây cũng được coi là bước ngoặt lớn của bệnh viện.

Bắt đầu với 400 giường bệnh, 16 khoa lâm sàng, 7 khoa cận lâm sàng, 1 phòng khám bệnh đa khoa, 2 tổ bảo vệ sức khỏe, 6 phòng chức năng, bệnh viện chủ yếu khám và điều trị về nội và ngoại chung. Tới nay, Bệnh viện Thống Nhất đã mở rộng quy mô lên hơn 1.200 giường, 31 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng, 2 khoa hỗ trợ, 1 khoa điều trị cán bộ cao cấp, 12 phòng chức năng, 1 phòng quản lý và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý ở phía Nam và gần 1.300 cán bộ viên chức.

Bệnh viện đã đẩy mạnh phát triển các chuyên khoa đặc biệt là lão khoa, tim mạch....Bên cạnh việc tiếp nhận chăn sóc sức khỏe, điều trị cho cán bộ trung cấp và cao cấp thì Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện tiếp nhận, điều trị cho tất cả người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Cũng chính vì vậy mà bệnh viện đã không ngừng được mở rộng và lớn mạnh với nhiều chuyên khoa sâu để phục vụ nhu cầu người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Duy Cương từng nói: "Kể từ ngày chuyển về Bộ Y tế quản lý, bệnh viện ngày càng tiến bộ, có được sự tin tưởng của bệnh nhân, đạt được nhiều tình cảm tốt đẹp từ bệnh nhân người nước ngoài, chuyên gia, đoàn ngoại giao và khách của Đảng, Nhà nước".

Những năm gần đây, Bệnh viện Thống Nhất đã trở thành một trong những bệnh viện lớn phía Nam áp dụng thành công nhiều kỹ thuật hiên đại trong chẩn đoán và điều trị.

Đơn vị chạy thận đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận ISO 9001:2015

Bên cạnh những chuyên khoa mũi nhọn của bệnh viện như chuyên khoa lão khoa, chuyên khoa tim mạch... khi nhắc tới Bệnh viện Thống Nhất người dân sẽ nghĩ ngay tới chuyên khoa khoa Nội thận - Lọc máu.

Được thành lập năm 2007, khoa Nội thận - Lọc máu của bệnh viện được chia làm ba bộ phận chính đó chính là bộ phận Nội thận, bộ phận thẩm phân phúc mạc và bộ phận thận nhân tạo.

Hiện bộ phận thận nhân tạo đang tiếp nhận quản lý hơn 200 bệnh nhân chạy thận định kỳ được chuyển từ các bệnh viện trong thành phố và các tỉnh lân cận tới. Mỗi ngày chạy liên tục ba ca với khoảng 80 bệnh nhân. Đây cũng là đơn vị chạy thận đầu tiên cả nước đạt chứng nhận ISO 9001:2015.

TTƯT.PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện tới thăm khám cho ca ghép thận thứ 3 tại bệnh viện.

Trung tâm lọc máu chất lượng cao rộng khoảng 60 m2, được trang bị hệ thống máy thận hiện đại, hệ thống xử lý nước RO, vật tư đạt tiêu chuẩn quốc tế, quy trình lọc máu đạt chuẩn. Trung tâm luôn nêu cao mục tiêu: An toàn, cải thiện chất lượng lọc máu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Hiện khoa cũng đang tiến hành thực hiện những ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện. Ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Thống Nhất vào ngày 23/6/2022 cho 2 thiếu niên 17 tuổi. Tính tới nay bệnh viện đã thực hiện được 3 cặp ca ghép thận.

Bệnh viện Thống Nhất cũng là một trong ba bệnh viện tại TP.HCM gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng 2 đã xây dựng "Mạng lưới quản lý trong tuyển chọn và điều phối thận hiến từ người hiến thận sống, chết não hay ngừng tuần hoàn". Mạng lưới được xây dựng góp phần minh bạch và tạo điều kiện cho hoạt động hiến ghép tạng được thuận lợi cũng như mở rộng các phương thức đăng ký vào danh sách chờ.

Sau 48 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước, Bệnh viện Thống Nhất đã khẳng định được mình, nhận được sự tin cậy của cán bộ, người dân và trở thành nơi gửi gắm niềm tin, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Tới nay bệnh viện đã nhận được Huân chương Quân công hạng Hai (1980), Huân chương Lao động hạng Nhất (1998), Huân chương Độc lập hạng Ba (2003), Đơn vị Anh hùng Lao động tới kỳ đổi mới (2005), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2013)…

P.Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giua-sai-gon-nhon-nhip-co-mot-benh-vien-mang-ten-thong-nhat-169230501113815445.htm