Giữa núi rừng Tây Nguyên vẳng điệu chèo đất bắc

Nhớ một lần trên đường điền dã, đến với buôn làng K'long K'lanh của người Cơ Ho Chill, một buôn vùng sâu thuộc huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng. Đang mải ngắm núi, ngắm rừng trong buổi trưa tĩnh lặng, bỗng văng vẳng tiếng hát từ một ngôi nhà sàn nào đó bên đường cất lên, mà lại là một giọng lẩy chèo bằng thổ âm Cơ Ho làm tôi ngạc nhiên và thú vị hết sức. Giữa thung lũng hoang sơ của buôn làng người Cơ Ho Chill lọt thỏm giữa các dãy núi Bi Doup và Jaríc xa mờ giữa miền cao Tây Nguyên bỗng được nghe khúc há

Già làng đang vui, gặp người quen cũ nên càng vui hơn. Tại sao già lại biết hát chèo? Tôi hỏi. Già Ha Chong chưa vội trả lời mà tiếp tục một điệu nói lối với nhịp điệu vui tươi: “Khi đào ửng má chào Xuân… Khi hạt mưa rơi thấm tình đất nước…Cũng là lúc tiếng súng chiến trường vang dậy…”. Già kể rằng, những điệu hát chèo ấy và cả quan họ Bắc Ninh, ví dặm Nghệ Tĩnh nữa, già đã được những chiến sĩ quê miền bắc dạy cho từ hồi còn “mồ ma thằng Mỹ”, khi K’long K’lanh còn là vùng căn cứ kháng chiến kiên trung. Già Ha Chong có giọng hát khá mượt mà và đã từng hát trong những buổi lễ mừng công thắng trận, những cái Tết chiến trường đã lùi về ký ức xa xăm. Theo dòng hồi tưởng của cụ già người Cơ Ho Chill, tôi như được sống trong không gian những năm tháng hào hùng cả nước ra tiền tuyến, anh em các dân tộc từ nhiều vùng quê Việt Nam cùng sát cánh bên nhau chiến đấu cho một ngày nước nhà thống nhất.

Hồi đó, già là cậu bé Ha Chong nhanh nhẹn, được bố là ông Ha Đưng, người đảng viên đầu tiên của vùng căn cứ kháng chiến dưới chân núi Bi Doup, giác ngộ. Người cha ấy đã dạy Ha Chong đi làm giao liên, truyền tin cho các cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng. Đến những năm 1967-1969, Ha Chong đã trở thành trạm trưởng một trạm giao liên trên tuyến hành lang Bắc-Nam. Anh đã đứng ra tổ chức chiêu mộ hàng trăm trai gái trong các buôn làng đi cứu thương, tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường, hoạt động suốt tuyến Quốc lộ 21, nối nam Tây Nguyên với chiến khu D và Trung ương Cục miền nam. Đội quân ấy là những chiến binh dũng cảm của Đoàn H50 Anh hùng nổi tiếng một thời. Ha Chong cũng từng là Phó Bí thư Huyện đoàn Đơn Dương từ những ngày đất nước còn trong máu lửa…

Lần ấy gặp già Ha Chong giữa rừng, giữa buôn làng cũ và những kỷ niệm của một thời cũng tự nhiên trở về làm cho tôi nhớ mãi. Trưa hôm ấy, giữa cơn gió cao nguyên ràn rạt thổi về từ miền thẳm xa nào đó và điệu chèo của già làng Ha Chong như nhắc nhở về một miền ký ức hào hùng không thể nào quên. Bây giờ đang là tháng tư, chắc già làng Ha Chong cũng hồi tưởng về những ngày nước nhà còn trong khói lửa, hồi tưởng về những chiến công… và có lẽ, già cũng đang lẩy vui một điệu chèo xứ bắc cho vợi bớt nỗi nhớ về một thời cùng đồng đội khắp mọi miền Tổ quốc sát cánh kề vai chiến đấu…■

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/giua-nui-rung-tay-nguyen-vang-dieu-cheo-dat-bac-206948.html