Giữ vững 'trận địa' tư tưởng ở thành phố mang tên Bác

LTS- Hôm nay, 1-8-2017, đúng kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1-8-1930 - 1-8-2017). Nhân dịp này, Trang TP Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu bài viết: “Giữ vững “trận địa” tư tưởng ở thành phố mang tên Bác” của đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn tâm huyết, gắn bó và cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Thời gian qua, công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố đã không ngừng phấn đấu nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính dự báo và sự sắc bén; giữ vững trận địa tư tưởng, góp phần ổn định chính trị - xã hội và phát huy dân chủ; giữ vững, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng ở địa bàn có vị trí trung tâm nhiều mặt của cả nước - thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Lĩnh vực chính trị, tư tưởng - văn hóa là lĩnh vực trọng điểm và ngày càng khó khăn, phức tạp. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của cả nước nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng, không chỉ quán triệt và nắm vững quan điểm chỉ đạo, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn phải bám sát thực tiễn cuộc sống, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo để tuyên truyền, giải thích, lý giải, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng thực hiện các chủ trương, chính sách; kịp thời phát hiện những bất hợp lý, trì trệ, tiêu cực trong thực tế để tiếp thu, uốn nắn, điều chỉnh kịp thời, phù hợp, góp phần vào sự phát triển và kết quả của phong trào.

Để hoạt động tuyên giáo được tiếp tục phát triển sâu rộng, phải luôn nâng cao tính chiến đấu và tính thuyết phục. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa phải được thể hiện ở sự tuyệt đối trung thành, bảo vệ lý tưởng của Đảng và lý tưởng đó phải luôn gắn liền với mục tiêu phát triển của đất nước, của thành phố. Phải đấu tranh chống lại sự bảo thủ, ủng hộ tư tưởng đổi mới, sự nghiệp đổi mới của Đảng; đấu tranh bảo vệ cái tốt, cái thiện, chống lại cái xấu, cái ác; đấu tranh chống lại những yếu kém và khắc phục sự tha hóa trong Đảng. Muốn vậy, các “binh chủng” trên mặt trận tư tưởng đều phải tham gia chiến đấu một cách chủ động, đồng bộ và với tinh thần trách nhiệm cao. Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” trên toàn mặt trận này giúp bảo đảm được tính chiến đấu sắc bén, giữ vững vai trò, định hướng của Đảng trong lĩnh vực tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, báo chí, dư luận xã hội một cách thường xuyên, tạo nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm cho sự phát triển mọi mặt. Thắng lợi trong cuộc chiến đấu trên mặt trận này cũng chính là thể hiện sự thuyết phục trong công tác tuyên giáo.

Ở giai đoạn cách mạng nào cũng vậy, trong nhân dân ta, bên cạnh những tư tưởng, tâm lý tích cực, thuận chiều, cũng có không ít những biểu hiện tâm lý không tích cực, không thuận chiều, đặc biệt là niềm tin của nhân dân có lúc bị giảm sút trước tình trạng tham nhũng và các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn. Do vậy, phải làm sao thuyết phục được tất cả các tầng lớp trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cùng đồng lòng, đồng sức, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Sức thuyết phục trên mặt trận này xuất phát từ niềm tin của người dân với Đảng, niềm tin của người dân vào chân lý của Đảng. Muốn vậy, những thông tin tuyên truyền phải trung thực với hiện thực và phải vì nhân dân, phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Cán bộ, đảng viên và nhân dân không chấp nhận công tác chính trị, tư tưởng sáo rỗng, nông cạn, công thức, giáo điều.

Làm công tác tuyên giáo không chỉ là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn phải luôn lắng nghe dân, hiểu dân, đồng cảm với dân; phải luôn có ý thức giữ gìn, nâng niu niềm tin của nhân dân với Đảng, cố gắng không làm điều gì ảnh hưởng đến niềm tin ấy. Điều đó cũng có nghĩa là công tác tuyên giáo phải hướng đến người dân và phải nhận thức rõ dân là gốc, lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu phục vụ. Công tác tuyên giáo phải tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, các thành phần, tôn giáo, dân tộc… trên cơ sở luật pháp để cùng xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, phát triển đất nước. Đây là công việc tinh tế, phải thực hiện một cách kiên trì, thường xuyên và lâu dài.

Trong giai đoạn mới của cách mạng hiện nay, cũng như công tác tuyên giáo chung của cả nước, thực tiễn công tác tuyên giáo ở thành phố đòi hỏi phải được đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động với phương châm: Chủ động hơn, kịp thời hơn, nhạy bén hơn, sáng tạo và hiệu quả hơn.

Hơn bao giờ hết, những người làm công tác tuyên giáo cần thể hiện rõ bản lĩnh chính trị kiên trung, vững vàng, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và sự lãnh đạo của cấp ủy; gắn liền với công tác tổ chức, công tác dân vận, với phong trào hành động của nhân dân; tư tưởng gắn với hành động, nói đi đôi với làm; phân tích đúng hoàn cảnh, đánh giá đúng đối tượng, dự báo tình hình chính xác để chủ động trong công tác tư tưởng.

Ngành tuyên giáo của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã, đang và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác để hoạt động của ngành thật sự lan tỏa, thấm sâu vào cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự thống nhất trong nội bộ và sự đồng thuận trong xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33640102-giu-vung-%e2%80%9ctran-dia%e2%80%9d-tu-tuong-o-thanh-pho-mang-ten-bac.html