Giữ vững nhãn hiệu tập thể 'Cua Năm Căn - Cà Mau'

Năm Căn có diện tích nuôi thủy sản hơn 25.600 ha, trong đó, diện tích nuôi cua bán thâm canh 2,65 ha và diện tích nuôi cua kết hợp chiếm từ 80-90% diện tích nuôi thủy sản. Sản lượng cua hằng năm trên 2 ngàn tấn.

Ðược sự ưu đãi bởi thiên nhiên, đặc biệt là độ mặn, hệ sinh thái rừng - biển đa dạng, phong phú..., con cua biển Năm Căn nổi tiếng ngon trong cả nước.

Các chủ cơ sở, đại lý, cơ sở ươm vèo cua giống ở Năm Căn đang đổi mới giống cua bố mẹ có khả năng kháng bệnh cao, cho ra con giống chất lượng nhất.

“Nuôi cua biển bán thâm canh 2 giai đoạn, nuôi cua 2 da, xây dựng vùng nguyên liệu phát triển sản phẩm cua OCOP Năm Căn; xây dựng vùng nguyên liệu nuôi cua tập trung theo hướng VietGAP, vùng nguyên liệu cua chứng nhận an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm; nuôi cua đẻ, ương dèo cua con... đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân”, ông Võ Văn Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết.

Việc sản xuất cua giống ở Năm Căn đang được quan tâm, đặc biệt là giống cua có khả năng kháng bệnh cao.

Ðã có 11 tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau”, không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp bảo vệ được sản phẩm đặc trưng của địa phương, mà còn là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường châu Âu.

Cua Năm Căn-Cà Mau trước khi đưa ra thị trường được dán nhãn mác, tem chống hàng giả, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết, phân biệt cua Năm Căn với các loại cua nơi khác.

“Tìm kiếm, huy động các nguồn vốn đầu tư; xây dựng quy hoạch vùng nuôi cua tập trung, quy mô lớn nhằm tạo ra được vùng hàng hóa gắn liền với thương hiệu; nghiên cứu, cải thiện chất lượng cua giống; ứng dụng các quy trình nuôi cua cải tiến để nâng sản lượng cua thương phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng tới các thị trường nước ngoài”, ông Lê Văn Sin, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, chia sẻ định hướng phát triển đặc sản cua Năm Căn trong thời gian tới.

Ông Ngô Văn Két, ấp Ông Chừng, xã Ðất Mới, thành công với mô hình nuôi cua song song với nuôi tôm truyền thống.

Sản phẩm cua có giá trị kinh tế cao hơn, có vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Phú Hữu thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giu-vung-nhan-hieu-tap-the-cua-nam-can-ca-mau--a30064.html