Giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng và hạn chế lạm phát

Vừa qua, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay của nước ta chỉ 6,0%, còn lạm phát có thể chạm mục tiêu 5% như Quốc hội đề ra.

Mục tiêu tăng trưởng là không khả thi

Trong quý IV, cả hai nhóm dịch vụ y tế và giáo dục đã lần lượt được điều chỉnh. Trước đó, kể từ quý II, Liên Bộ Y tế -Tài chính quyết định thực hiện chia nhỏ các đợt điều chỉnh, thay vì điều chỉnh một lần như dự kiến ban đầu. Do vậy, các đợt điều chỉnh tiếp theo dự kiến vào 3 tháng cuối năm sẽ có tác động tới CPI do chỉ cần điều chỉnh tại những tỉnh, thành có tỷ lệ tham gia BHYT thấp hơn.

Theo đó, chỉ riêng trong tháng 9, CPI đã tăng 0,54%, với sự đóng góp lên tới 0,42% của nhóm giáo dục. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát toàn phần cuối quý IV đạt 3,34%, trong khi lạm phát cơ bản ở mức 1,85%. Điều này cho thấy rõ tác động của việc điều chỉnh giá nhóm hàng do Nhà nước quản lý tới mức giá chung.

Phân tích cụ thể về cơ sở đưa ra dự báo này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho hay: Bước sang quý III, kinh tế đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, GDP Quý III vẫn đạt mức tăng 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%.

“Lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh, TP trong quý 4. Giá năng lượng hồi phục trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đặt ra”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định.

Từ kết quả phân tích thực tế, ông Thành cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng trên 6,0%, cụ thể là khoảng 6,3-6,5% (thấp hơn mức 6,7% đưa ra hồi đầu năm) trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, kinh tế quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Do vậy, đại diện VEPR vẫn giữ vững quan điểm cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát. Theo đó, dù lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tăng nhanh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại có dấu hiệu chững lại trong quý IV. Đặc biệt, vốn đầu tư khu vực có vốn FDI đạt 82,2 nghìn tỷ đồng trong quý (cộng dồn 9 tháng đầu năm đạt 240,4 nghìn tỷ đồng), tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng này thấp hơn so với mức tăng quý trước cũng như cùng kỳ năm trước.

Khu vực có vốn Nhà nước vẫn duy trì ổn định và tăng 5,7%, cộng dồn 9 tháng đầu năm tăng 7,2% và đạt 378,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 10,3%, thấp nhất trong vòng 4 quý gần đây. Tính chung cả 3 khu vực, vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm đạt 1.006,9 nghìn tỷ đồng theo giá hiện hành, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Cần giảm lãi suất cho vay để tạo cú huých doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa

Chất lượng tăng, chứ không phải số lượng

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), nông nghiệp suy giảm kết hợp với khó khăn trong ngành công nghiệp khai khoáng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp. Khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0,01 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Một điểm đáng chú ý, sau khi công bố số liệu ước hàng quý, TCTK sẽ tính toán đầy đủ và đưa ra số liệu chính thức (tăng trưởng kinh tế quý 2 đạt 5,78%, điều chỉnh từ mức 5,55% ước tính hồi tháng 6). Báo cáo kinh tế xã hội tháng 9 của TCTK cho thấy tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp không thay đổi so với ước tính đưa ra hàng năm.

Theo ông Thành, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng nhóm ngành này 9 tháng đầu năm đạt 11,22%, cao hơn so với hai năm trước (2014 là 8,57%; 2015 là 10,15%). Tuy nhiên, VEPR cho rằng, với mức đóng góp lên tới 28,4% trong cơ cấu GDP khu vực công nghiệp, suy giảm ngành khai khoáng đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng khu vực này cũng như tăng trưởng kinh tế. Cộng dồn tới hết tháng 9, ngành khai khoáng ước giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,28 điểm phần trăm tăng trưởng.

Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề đặt mục tiêu chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng và phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,3% - 6,5%. Viện trưởng VEPR cho rằng, “ngay cả điều này vẫn không khả thi, vì kinh nghiệm tăng trưởng trong những năm qua cho thấy dù tăng trưởng Quý IV có tăng cao hơn quý III, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch lên tới trên 2 điểm phần trăm là cuối năm 2009, khi Chính phủ tung ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Do vậy, nhóm nghiên cứu giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,0% cho cả năm 2016”.

Mặc dù vậy, theo nhận định của TS. Thành, “lạm phát cuối năm hoàn toàn có khả năng chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra. Giá dầu thô và một số mặt hàng năng lượng khác được dự báo có thể tăng trong những tháng cuối năm sau khi OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Đồng thời, dù suy giảm trong quý III, giá hàng hóa cơ bản thế giới vẫn là một ẩn số trong thời gian tới. Điều này, nếu xảy ra, sẽ tạo áp lực không nhỏ lên mặt bằng giá trong nước thời gian tới”.

Bình luận về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng, nếu vượt trần 5% thì sẽ ảnh hưởng xấu tới niềm tin thị trường, người dân. Ông Tuyển phân tích tuy xu hướng giá vốn tăng lên là quy luật chung, nhưng riêng năm nay, yếu tố giá dầu tăng trong quý IV là khá rõ. Nếu kiểm soát giá cả không chặt và vẫn tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế, học phí... trong quý IV thì lạm phát có thể bùng lên và rơi vào quy luật “lan tỏa sóng”. Đây là yếu tố cần theo dõi để có điều chỉnh kịp thời.

“Phải tiếp tục thận trọng hơn với chính sách tiền tệ. Tôi e ngại việc mở rộng tín dụng quá mức trong quý IV sẽ không vào sản xuất mà chạy vào lạm phát. Cộng hưởng với các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, học phí… sẽ khiến lạm phát vượt trần 5%”, ông Tuyển lo lắng.

Kết luận về mức suy giảm nêu trên, ông Trương Đình Tuyển cho rằng đã tới lúc phải thay đổi quan điểm. “Tài nguyên khoáng sản khai thác mãi cũng hết. Chúng ta cũng không thể cứ dựa mãi vào khai thác khoáng sản thô mà phải phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Để bù đắp tỷ trọng công nghiệp khai khoáng trong công nghiệp nói riêng và GDP tới đây sẽ giảm xuống, Việt Nam phải tạo ra ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm sản xuất theo chuỗi”, ông chia sẻ.

Dù kinh tế khó khăn, Chính phủ vẫn phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,3–6,5%. Còn để đạt được mục tiêu GDP 6,7% mà Quốc hội giao, kinh tế quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3%. Mức này được ông Tuyển đánh giá là cực khó trong bối cảnh hiện tại. Nhất là sau hiện tượng cá chết tại 4 tỉnh miền Trung, hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vừa qua.

Nguyễn Khuê

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/giu-nguyen-muc-tieu-tang-truong-va-han-che-lam-phat-120267