Giữ 'nếp làng'

Với người Dị Nậu (huyện Tam Nông), 'văn hóa làng' là sự khởi nguồn đạo lý sống muôn người, 'sợi dây' bền chặt gắn kết tình làng nghĩa xóm, tiền đề vun đắp, dựng xây cuộc sống mới tốt đẹp hơn trên quê hương...

Mạch nguồn bất tận

Xã Dị Nậu hình thành cách đây cả nghìn năm lịch sử, là địa vực hoạt động của các Lạc tướng thời Vua Hùng dựng nước hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa - thiên nhiên độc đáo, nét đẹp trong lối sống nông thôn Việt. Trải qua thăng trầm thời gian, cùng những nỗ lực, phấn đấu của chính quyền, nhân dân nơi đây xây dựng nông thôn mới, diện mạo làng cổ ngày nào giờ đã có nhiều đổi khác, nhưng những vốn quý trong văn hóa bản địa, luật tục, lệ làng vẫn luôn được các thế hệ cư dân Dị Nậu gìn giữ, truyền thừa, lan tỏa phong phú trong đời sống cộng đồng.

Dị Nậu là ngôi làng Việt cổ lưu giữ đậm nét dấu ấn văn hóa qua các thời kỳ lịch sử với một quần thể di tích lịch sử văn hóa độc đáo (gồm ba chùa, sáu đình, ba đền, bốn điện, năm miếu, bảy quán, sáu điếm, 10 giếng cổ), được hình thành qua nhiều niên đại: TCN, thế kỷ XVIII, XX; khai quật, bảo lưu được nhiều di chỉ khảo cổ thời kỳ đồ đá, thời kỳ các Vua Hùng dựng nước; duy trì, truyều thừa 27 tục thờ cúng và kỳ tiệc lệ chính, năm tục lệ, bốn tích trò tiêu biểu trong văn hóa dân gian; cùng nhiền văn tự, sách cổ ghi chép về lịch sử ngôi làng cổ Dị Nậu...

Tọa lạc trên đỉnh gò Trạm Lĩnh, Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Quốc Tế sở hữu lối kiến trúc chữ Nhị, tường đá ong, cột lim, gạch bát, mái ngói thâm nâu, cổ kính. Đền thờ đức Đại Vương Cao Sơn, là ngôi đền cổ nhất trong hệ thống 34 di tích văn hóa (chùa, đền, điện, đình, miếu, quán, điếm) tồn tại ở Dị Nậu qua nhiều thời kỳ lịch sử; được tổ tiên vùng đất này xây dựng từ buổi đầu khai sơn, lập làng năm 258 TCN, dưới thời Vua Hùng Duệ Vương.

Bản đồ và bản chỉ dẫn tấm bản đồ địa giới khu dân cư làng Dị Nậu (huyện Tam Nông) xưa.

Theo sử sách còn lưu giữ được và lời kể của các bậc cao niên, Quốc Tế là ngôi đền biểu trưng cho không gian văn hóa làng Dị Nậu; nơi nắm giữ nhiều giá trị lịch sử quan trọng, bảo chứng cho tiến trình hình thành trang Kẻ Núc xưa (nay là làng/xã Dị Nậu); có vai trò đặc biệt trong gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa tín ngưỡng, luật tục, lệ làng rất riêng của ngôi làng Việt cổ suốt chiều dài lịch sử...

Ông Tạ Đình Hạp - Phó ban Di tích lịch sử văn hóa xã Dị Nậu cho biết: “Mỗi năm có khoảng 15/27 nghi lễ quan trọng của làng được tổ chức tại đền Quốc Tế. Trong đó, có hai nghi lễ lớn phải kể đến là lễ rước Thần (vào mùng 3, 4 tháng Giêng) và lễ cầu phúc (từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 2 âm lịch) để cầu quốc thái dân an, cầu cho người dân quanh năm làm ăn lao động sản xuất được mùa no đủ. Vào những dịp lễ chính này, hội làng được tổ chức linh đình lắm. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, cuộc sống lao động của cư dân trên đất làng xưa (như kéo co, đánh đu, cướp Kén, leo cầu phao lấy cờ, tích trò “Bách nghệ trình làng”...) sẽ được tái hiện chân thực, sống động ngay trước không gian sân đền. Làng trên, xóm dưới, người xa xứ, khách thập phương nô nức tụ hội về đền Quốc Tế dâng lễ, cầu may, vui hội; nghĩa xóm, tình quê cứ thế qua mỗi năm lại được vun đắp, gắn kết, bền lâu ...”.

Lễ hội rước Thánh Cao Sơn làng Dị Nậu.

Nhờ quá trình hình thành và phát triển sớm trong tiến trình lịch sử dân tộc mà văn hóa làng Dị Nậu được bồi đắp, kiến tạo từ sự giao thoa, tổng hòa “vốn quý” của nhiều thời kỳ. Cho đến nay, kho tàng di sản văn hóa vật thể (các di chỉ khảo cổ thời kỳ đồ đá, thời kỳ các Vua Hùng dựng nước; hệ thống các di tích văn hóa lịch sử, cây di sản, cổ vật...) và phi vật thể (tín ngưỡng, tục lệ, tập quán, ngôn ngữ, ẩm thực...) của ngôi làng cổ này vẫn đang tiếp tục gìn giữ, kế thừa và lan tỏa đậm nét trong đời sống cộng đồng dân cư thông qua quá trình thực hành tín ngưỡng văn hóa lâu dài. Trải qua dâu bể thời gian, quá trình thực hành văn hóa bản địa lâu dần sẽ trở thành nếp sống của làng; góp phần tạo ra những giá trị tinh thần, vật chất quan trọng “cộng sinh” trong sự phát triển kinh tế - xã hội văn minh, bền vững chung của cộng đồng dân cư làng Dị Nậu...

Kế thừa, gìn giữ và phát huy

Trong xu thế đô thị hóa hiện nay, khái niệm “làng” được thay thế bởi những tên gọi khác (như phường, xã) với những quy định và cách thức hoạt động mới. Nhiều nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các ngôi làng Việt, điển hình là nền nếp sinh hoạt cộng đồng dần bị mất đi; không gian sinh hoạt chuyển từ sân đình rộng thoáng sang sự riêng tư trong những ngôi nhà có tường rào bao quanh. Đi cùng với lề lối sinh hoạt mới, các giá trị đạo đức và văn hóa ứng xử truyền thống tại nhiều ngôi làng Việt cũng không còn vẹn nguyên như trước.Không nằm ngoài dòng chảy biến thiên của thời đại, qua thăng trầm thời gian, làng Dị Nậu cũng từng bước “chuyển mình” trong hành trình xây dựng quê hương đổi mới. Diện mạo ngôi làng Việt cổ thuở nào dần đổi khác: Hiện đại và tân tiến hơn... nhưng cũng vì thế mà các thế hệ cư dân Dị Nậu càng thêm nặng lòng, trăn trở hướng về nguồn cội, chung sức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa làng truyền thống.

“Bách nghệ trình làng” - tích trò dân gian tiêu biểu được người dân Dị Nậu gìn giữ, tái hiện trong các dịp lễ hội làng.

Để văn hóa làng “thích nghi”, bất biến với thời đại, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Dị Nậu đã tích cực thực hiện đa dạng các giải pháp trong bảo tồn không gian văn hóa làng “cây đa, bến nước, sân đình”; phục dựng và tổ chức bài bản, chỉn chu, trang trọng các lễ hội văn hóa, văn nghệ dân gian sôi nổi, giàu bản sắc trên địa bàn, nhằm phát huy đậm nét các giá trị văn hóa truyền thống của ngôi làng Việt cổ, tạo điểm nhấn nổi bật, thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch tâm linh trên quê hương. Đồng thời địa phương cũng tăng cường đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư” và xây dựng gia đình văn hóa nhằm tạo ra những hiệu quả tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, đẩy lùi các nguy cơ suy đồi đạo đức, lối sống. Qua các phong trào đó, vai trò của những người đứng đầu thôn xóm, dòng họ, gia đình được đề cao, những thuần phong, mỹ tục của làng từng có thời điểm mai một (như ngôn ngữ, tục lệ,...) cũng được chú trọng khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị trong cộng đồng.

“Nhiều năm trở lại đây, lễ hội làng Dị Nậu được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức thường niên đã quy tụ đông đảo bà con trong vùng hướng về cội nguồn. Nhiều bộ phim tài liệu, phóng sự văn hóa trong nước cũng đã lựa chọn không gian lễ hội làng Dị Nậu làm bối cảnh thực hiện. Thông qua các lễ hội làng, những nét riêng trong văn hóa bản địa, phong tục, tập quán, lối sống trọng tình trọng nghĩa của cư dân làng Dị Nậu được hiện diện sâu rộng trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt, trong nhiều hoạt động tổ chức lễ hội, chúng tôi cũng lựa chọn, giao trọng trách thực hành một số nghi thức cho thế hệ trẻ trong làng, qua đó, giúp các cháu nâng cao trách nghiệm, bổn phận gìn giữ phát huy giá trị văn hóa làng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”... tạo môi trường để thế hệ trẻ tìm hiểu văn hóa làng, thêm trân quý và có ý thức, trách nhiệm hơn trong xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp của làng Dị Nậu”, ông Nguyễn Hữu Dân - Ban tổ chức lễ hội xã Dị Nậu chia sẻ.

Một mùa Xuân nữa lại đến, đất thiêng Dị Nậu khoác màu áo mới, lòng người rộn rã, hân hoan trong tiếng nhạc, tiếng trống hội thúc giục những bước chân... Dẫu cuộc sống luôn đổi thay, nhưng văn hóa làng/xã vẫn sẽ luôn được gìn giữ; là “điểm tựa”, “sức mạnh nội sinh” gắn kết cộng đồng, dựng xây cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn trên quê hương.

Bích Ngọc

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/giu-nep-lang/207351.htm