Giữ mãi phẩm chất anh hùng giữa đời thường - Bài 2: Làm Anh hùng khó lắm, giữ được Anh hùng còn khó hơn (tiếp theo và hết)

Cách nhà Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đức Vai khoảng nửa km là nhà Anh hùng Hồ Kan Lịch, nữ Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của đồng bào dân tộc Pa Kô. Điều đặc biệt là bà Kan Lịch là cháu ruột của Anh hùng Hồ Đức Vai và cũng là chị ruột của Anh hùng LLVT Hồ A Nun.

Hạnh phúc 7 lần được gặp Bác Hồ

Trước khi gặp Anh hùng Hồ Kan Lịch, chúng tôi được biết bà là nguyên mẫu trong ca khúc “Người con gái Pa Kô” của nhạc sĩ Trí Thanh:

“…Tuổi thanh xuân sáng ngời dũng sĩ,

Giữa nguy nan vững lòng bền chí.

Ơi, như cành hoa sim Kan Lịch ơi,

Thắm tươi rừng núi, không quản gì no đói,

Trong lửa khói giữ bao niềm tin (ế, ê, ế ê) cho mọi người...”.

Vậy nên, chúng tôi đến nhà bà trong tâm trạng háo hức. Nhà Anh hùng Kan Lịch nằm ngay bên con đường Hồ Chí Minh. Chúng tôi nghe nói, đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn A Lưới được xây dựng trên chính nền đường 1B cũ - con đường từng đã in dấu chân của đồng bào dân tộc Pa Kô tham gia làm Đường 559 trong chiến tranh.

Trong căn nhà khang trang của bà Kan Lịch, bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Bà Kan Lịch cho biết, Tết nào bà cũng làm cơm cúng Bác, mời Bác về ăn Tết với gia đình. Với Kan Lịch, Bác Hồ như một người thân trong gia đình vậy.

Anh hùng Hồ Kan Lịch trong lần gặp Bác Hồ. Ảnh tư liệu

So với chú Hồ Vai, Kan Lịch có may mắn được gặp Bác Hồ nhiều hơn. Năm 1967, sau những trận đánh lẫy lừng, nổi bật là việc Kan Lịch là người trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường (đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi ở phía tây Thừa Thiên Huế), Hồ Kan Lịch vinh dự được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, trở thành nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Kô. Lúc ấy Hồ Kan Lịch vừa tròn 25 tuổi.

Trung tuần tháng 5-1968, Hồ Kan Lịch được tổ chức đưa ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Gặp Bác, Bác khen Kan Lịch là người con gái dũng cảm, có lòng dạ kiên trung khiến người con của dân tộc Pa Kô vui không tả xiết.

Sau lần đầu tiên gặp Bác, Hồ Kan Lịch còn vinh dự có thêm 6 lần nữa được gặp Người, trong đó có nhiều lần được Bác mời cơm. Bà kể: Sau khi ra Hà Nội, khi tôi về Bác gửi 160 chiếc đồng hồ nữ Liên Xô làm quà cho chị em. Còn riêng tôi, Bác tháo chiếc đồng hồ đang đeo ở tay ra tặng và nói: “Cháu Kan Lịch à, đồng hồ này là nước ngoài tặng Bác, giờ Bác tặng lại cho cháu". Tiếc là, chiếc đồng hồ của Bác sau này bị thất lạc, không tìm thấy.

Ngoài ra, Bác còn tặng tôi một chiếc đài bán dẫn. Bác nói: “Cái đài này nước ngoài tặng cho Bác. Anh hùng cũng nhiều nhưng các đồng chí ý là người Kinh, còn cháu là nữ anh hùng dân tộc Pa Kô đầu tiên nên Bác tặng cho cháu để nghe tin tức trong miền Nam”. Giờ tôi đã bàn giao chiếc đài bán dẫn cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, nhờ họ trưng bày, gìn giữ”.

Đảng viên phải gương mẫu đi đầu

Trong những lần gặp Bác Hồ, Người dặn dò nhiều điều nhưng bà Kan Lịch nhớ mãi một câu Bác nói: “Làm Anh hùng khó lắm, nhưng giữ được Anh hùng khó hơn. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy tác dụng của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn và dừng tại chỗ”.

Khắc ghi lời Bác dạy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hồ Kan Lịch luôn nỗ lực để không chỉ trở thành một cán bộ tốt, người vợ đảm đang, tháo vát, người mẹ, người bà tốt mà còn sống chan hòa, luôn giúp đỡ người dân trong vùng mỗi khi họ gặp khó khăn.

Anh hùng Hồ Kan Lịch chia sẻ với phóng viên về những lần gặp Bác Hồ. Ảnh: LÂM KHÁNH

“Ngày còn nhỏ, thấy địch sát hại đồng bào, lòng căm thù giặc sôi sục, từ đó tôi không sợ chết, chỉ muốn đi đánh giặc… Năm lên 19 tuổi, tôi đã là Huyện đội phó. Được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi chỉ đạo chị em ở 3 xã xây dựng lực lượng du kích để vừa tham gia chiến đấu, vừa sản xuất. Đội du kích Hồng Bắc có 160 chị em, đều là đoàn viên, đảng viên, có nhiều người hơn tuổi tôi, có người đã lập gia đình. Phụ nữ Pa Kô rất gan dạ, dũng cảm, đoàn kết, luôn giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Tuy nhiên, để chị em làm theo, là người lãnh đạo, mình phải gương mẫu đi đầu. Tôi nói và tôi làm trước, khó khăn tôi đi đầu. Nếu nói mà không làm, chị em không tin. Ví dụ khi tấn công đồn địch, tôi cầm súng đi trước, chị em nối bước theo sau”, bà Kan Lịch chia sẻ.

Nói về thành tích của mình, Anh hùng Kan Lịch cho biết, bà đã chỉ huy đánh 49 trận lớn nhỏ, bắn rơi 1 máy bay, bắt sống 2 giặc Mỹ và tiêu diệt 150 tên địch.

Sau này đất nước hòa bình, Kan Lịch về công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện A Lưới cho đến khi được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho nghỉ hưu. Trở về cuộc sống đời thường, bà lại vận động bà con bản làng lên nương rẫy. Vẫn phương châm “đảng viên đi trước”, bà Kan Lịch luôn làm người đi đầu trong mọi công việc.

Giải nghĩa cho tất cả sự dũng cảm, thậm chí hy sinh tính mạng trong chiến tranh và sự tận tụy, hết lòng với bà con trong thời bình, Anh hùng LLVT Nhân dân Hồ Kan Lịch chỉ một câu rất đơn giản: “Mình là đảng viên, được Đảng và Nhà nước tin cậy, thì dù có hy sinh cũng quyết chiến đấu và làm việc đến cùng”.

Giờ đây, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Kan Lịch nay đã 80 tuổi và sống vui vầy, hạnh phúc cùng gia đình. Hằng ngày luôn có hai cháu gái ở bên cạnh bà, giúp bà mọi việc trong nhà, đôi khi trở thành “phiên dịch viên” tiếng dân tộc sang tiếng Kinh nếu như bà chưa nghe rõ câu hỏi của người đối diện.

Và niềm vui lớn nhất của bà đó là được nhìn thấy đất nước hòa bình, phát triển. “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đồng bào dân tộc, trong đó có người dân Pa Kô. Ngày nay, đời sống người dân ấm no hơn trước, có của ăn của để, có đường sá đi lại. Nhiều người được đi học đại học, trở thành bác sĩ, kỹ sư,.. Tôi rất mừng vì điều đó”, Anh hùng Kan Lịch nói.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/giu-mai-pham-chat-anh-hung-giua-doi-thuong-bai-2-lam-anh-hung-kho-lam-giu-duoc-anh-hung-con-kho-hon-tiep-theo-va-het-741316