Giữ lòng đường, vỉa hè thông thoáng - Kỳ 2: Tái diễn lấn chiếm do đâu?

Các cấp chính quyền Hà Nội cũng đã nhiều lần triển khai các chiến dịch lớn, nhỏ nhằm giành lại lòng đường, vỉa hè cho người dân Thủ đô. Có thể thấy đây cũng là những nỗ lực, quyết tâm của thành phố để xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, trên thực tế, sau một thời gian kiểm tra, xử lý thì tình trạng này lại có dấu hiệu tái phát, vậy nguyên nhân do đâu?

Nhiều cửa hàng bán thiết bị, đồ dùng y tế trước cổng bệnh viện Việt Pháp (quận Đống Đa) "tận dụng" vỉa hè để bày trang thiết bị và để xe. Ảnh: Duy Anh

5 lần phát động các chiến dịch giành lại vỉa hè, lòng đường

Liên quan đến các vấn đề về lòng đường, vỉa hè, trong gần 10 năm qua, từ năm 2014 đến nay, TP Hà Nội đã 5 lần phát động các chiến dịch giành lại vỉa hè. Cụ thể, năm 2014, TP thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP về “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Năm 2015, TP tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” với kỳ vọng sẽ tạo ra những kết quả thiết thực hơn. Năm 2017, Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện.

Năm 2018, UBND TP Hà Nội ban hành quy định chi tiết về việc sử dụng tạm thời hè phố đối với đường đô thị trên địa bàn Hà Nội. Đến năm 2023, Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch 01 về việc tổng kiểm tra xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn.

Tên gọi, cách thức triển khai của mỗi chiến dịch tuy có thể khác nhau, nhưng mục tiêu xuyên suốt của các năm đều là kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, các điểm trông giữ phương tiện không đúng quy định; giải quyết các điểm nóng về ùn tắc giao thông, bảo đảm đường thông, hè thoáng, không làm cản trở việc đi lại của người dân.

Có thể thấy, đây cũng là những nỗ lực, quyết tâm của TP Hà Nội trong việc xử lý mạnh tay các vấn đề liên quan đến vỉa hè, lòng đường là rất cao. Tuy nhiên, trên thực tế, sau một thời gian quyết liệt kiểm tra, xử lý thì tình trạng này vẫn có dấu hiệu tái phát, vậy nguyên nhân do đâu?

Vỉa hè tại một số đoạn trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) chỉ vừa đủ để vừa xe máy, nếu có xe để ở đấy thì thì gần như không có chỗ dành cho người đi bộ. Ảnh: Duy Anh

Vì sao chưa hiệu quả?

Tại các đô thị phát triển nói chung và Hà Nội nói riêng, số lượng cư dân ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong khi cơ sở hạ tầng lại chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu. Do vậy, một thực tế khách quan đó là việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại bắt nguồn từ những nhu cầu cấp thiết của người dân.

Có những trường hợp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt không gian sống, không gian sinh hoạt. Thực tế có những hộ cả gia đình với nhiều thành viên phải sinh sống gói gọn trong không gian chỉ vài mét vuông. Do đó, họ cảm thấy cần thiết phải sử dụng lòng đường, vỉa hè để mở rộng không gian sinh hoạt cá nhân và gia đình.

Bên cạnh đấy, trong một số trường hợp, đặc biệt ở các khu vực đô thị phát triển không đồng đều, người dân có thể đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu nguồn thu nhập ổn định. Điều này đẩy họ phải tìm kiếm các cơ hội kinh doanh nhỏ trên lòng đường, vỉa hè để kiếm sống.

Chia sẻ với PV, bà N – một người bán nước trên trục đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình bà có 2 đứa con nhưng đều dính vào ma túy, nghiện ngập nên phá hết, cũng chẳng trông mong được gì. Hiện giờ đồng lương hưu ít ỏi cũng chỉ đủ để đỡ được phần nào chút tiền sinh hoạt. Do vậy, dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn buộc phải sử dụng góc vỉa hè làm nơi kinh doanh quán nước, một phần để có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống, một phần là để dành cho sau này những lúc ốm đau, bệnh tật.

Gần đây, một tài xế chở hàng bị Đội Cảnh sát giao thông số 14 xử phạt do dừng đỗ xe dưới lòng đường trái phép trên tuyến đường Phạm Tu gây cản trở giao thông cho biết, mặc dù biết là vi phạm nhưng vẫn buộc phải làm bởi vì đây là địa điểm thuận tiện để trả hàng, quanh khu vực này cũng không còn địa điểm nào khác tốt hơn thậm chí nếu có khu vực bến bãi nào đó thì sẽ lại mất thêm chi phí mà có khi còn phải đi xa nên đành chấp nhận dừng đỗ trái phép trên đường. Ngoài ra, việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh đối với nhiều người vẫn là một phương án tối ưu hơn nhiều so với việc đi thuê mặt bằng.

Tại các tuyến phố trung tâm sầm uất, chi phí thuê mặt bằng có thể lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Di chuyển ra xa hơn thì chi phí thuê cũng dao động từ vài triệu trở lên. Trong khi đó, thuê địa điểm vỉa hè trước cửa nhà dân chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều, có chỗ chỉ tầm 1 đến 2 triệu là có thể bày hàng ra được rồi.

Nếu có bị phạt thì cũng chỉ bị phạt hành chính và mức phạt không quá cao. Thậm chí, nhiều người chỉ cần một chiếc xe, một gánh hàng là cũng có thể bày bán được rồi và sẽ di chuyển nếu bị đuổi.

(Còn nữa)

Duy Minh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giu-long-duong-via-he-thong-thoang-ky-2-tai-dien-lan-chiem-do-dau-357010.html