Giữ gìn văn hóa dân tộc Mông trên quê hương mới Đắk Nông

20 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, chính trị, các cấp chính quyền luôn quan tâm gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc, trong đó có văn hóa Mông.

Đắk Nông hiện có 40 dân tộc anh em cùng chung sống, với hơn 677.000 người. Trong đó người Mông có khoảng 6.800 hộ với 35.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô, Cư Jút và TP. Gia Nghĩa.

Khi vào sinh sống, lập nghiệp trên quê hương thứ 2 Đắk Nông, đồng bào dân tộc Mông luôn mang theo và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống. Các giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, phát huy, sáng tạo tích cực qua các thế hệ, hòa chung trong quá trình phát triển của cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Phụ nữ người Mông xã Đắk Ngo huyện Tuy Đức may trang phục truyền thống để giữ gìn văn hóa, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập

Đời sống tinh thần của đồng bào Mông tại Đắk Nông cũng hết sức phong phú, được thể hiện qua phong tục tập quán, quan niệm về trời đất và con người, vạn vật. Theo quan niệm của người Mông, việc thờ cúng tổ tiên là sự tưởng nhớ, báo đáp công sinh thành, nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ... Vì vậy cứ vào dịp lễ, tết, sau một mùa vụ, con cháu sẽ chuẩn bị lễ vật dâng lên mời tổ tiên về hưởng cùng con cháu. Thờ cúng tổ tiên vừa là báo đáp công ơn, vừa cầu mong tổ tiên che chở, phù hộ cho con cháu luôn được mạnh khỏe, cho cây cối, vật nuôi phát triển.

Người Mông còn có kho tàng thơ ca như thần thoại, truyện cổ tích, dân ca, tục ngữ, truyện thơ, sử thi... Dân ca Mông cũng có nhiều loại như dân ca giao duyên, dân ca nghi lễ.

Văn hóa dân tộc Mông còn thể hiện qua các loại nhạc cụ như đàn môi, kèn lá, sáo trúc, khèn Mông. Người Mông rất yêu thích văn nghệ; kèn lá, đàn môi, khèn của người Mông luôn là người bạn thân thiết của nam, nữ thanh niên. Trong những ngày xuân, lễ hội, buổi chợ phiên những tiết mục múa khèn luôn thu hút được khán giả quan tâm, theo dõi. Khèn Mông là biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Mông.

Âm nhạc dân gian của dân tộc Mông mang nhiều vẻ độc đáo, rất đặc trưng, khó lẫn với âm nhạc của dân tộc khác, đặc biệt âm nhạc hòa âm như trống, khèn, sáo nhị. Giai điệu âm nhạc Mông cũng thật đẹp, nó phản ánh đầy đủ cái đẹp của tâm hồn người Mông. Đồng bào Mông cũng có nhiều lễ hội, như Lễ hội Gầu Tào, Hội Xuân, Lễ Tu su, Lễ cầu mưa…

Lễ tu su của người Mông thôn 5, xã Đắk Ha,huyện Đắk Glong

Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành liên quan tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo tồn, phát huy như: Sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa của các dân tộc bằng hình thức ghi chép, ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, sưu tầm hiện vật gốc… để bảo quản lâu dài trong bảo tàng, thư viện tỉnh. Tỉnh khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại, lưu truyền, trao đổi, giao lưu văn hóa với các bạn trong khu vực và trong cả nước. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng thường xuyên được tổ chức. Trong đó, chú trọng khai thác chất liệu dân gian; khôi phục một số lễ hội truyền thống, các bài dân ca, các điệu dân vũ, các trò chơi dân gian, các lễ hội...

Tiết mục múa, hát ca ngợi Đảng, mừng xuân mới 2024 của thiếu nữ Mông tại xã Đắk Som huyện Đắk Glong

Để góp phần lan tỏa văn hóa, tinh thần các dân tộc trên địa bàn, năm 2012, Tỉnh ủy Đắk Nông đã đồng ý cho Báo Đắk Nông phát hành tờ Báo ảnh dân tộc với 3 thứ tiếng Việt, Mông, M'nông. Đây cũng là tờ báo ảnh 3 thứ tiếng đầu tiên tiên trong hệ thống báo Đảng địa phương trên cả nước, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với các dân tộc trên địa bàn. Ấn phẩm này ra đời đã phát huy văn hóa chữ viết, tiếng nói người M’nông và Mông; đồng thời truyền tải chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào và giới thiệu quảng bá văn hóa các dân tộc…

Đồng bào Mông xã Quảng Tâm khoác trên mình bộ trang phục truyền thống tham dự Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện Tuy Đức lần thứ III, năm 2023

Các địa phương tạo điều kiện để đồng bào Mông tổ chức chợ phiên ở xã Đắk R’măng huyện Đắk Glong; chợ phiên ở xã Cư K’nia huyện Cư Jút hoạt động định kỳ vào ngày chủ nhật. Đắk Glong còn hỗ trợ xã Đắk Som xây dựng làng Văn hóa Du lịch cộng đồng tại thôn 3 để giới thiệu, trưng bày các sản phẩm, ẩm thực người Mông. Các Hội xuân chào năm mới tại một số vùng có đông đồng bào Mông sinh sống được tổ chức thường niên để người dân có sân chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như đánh cù quay, ném pao, đánh đu, lày cỏ...

Chợ phiên Đắk R'măng (Đắk Glong) tổ chức vào chủ nhật hàng tuần là nơi trưng bày, mua bán các sản phẩm văn hóa truyền thống như trang phục, ẩm thực truyền thống, người Mông

Khèn Mông là loại nhạc cụ truyền thống đặc trưng của người Mông. Những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn thường xuyên luyện tập, hướng dẫn cho con cháu học cách thổi và múa khèn. Tại ngày hội đại đoàn kết do địa phương tổ chức hàng năm và các ngày lễ, hội, tôi thường xuyên tham gia biểu diễn để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình, đồng thời khơi gợi cho thế hệ trẻ học tập, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống…

Ông Hạng A Dê, nghệ nhân múa khèn Mông ở xã Đắk Ha, người uy tín huyện Đắk Glong

Nghệ nhân Hạng A Dê ở xã Đắk Ha huyện Đắk Glong múa khèn tại Nông trại Phượng Vân xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa

Việc khôi phục lại các lễ hội truyền thống gắn với hoạt động văn hóa tại lễ hội, như: Thi múa khèn, các trò chơi dân gian, hát dân ca, dân vũ, thi người đẹp và trình diễn trang phục dân tộc; nét đẹp nghi lễ trong đám cưới; ẩm thực và giới thiệu món ăn đặc trưng của người Mông. Việc tổ chức các hoạt động trong lễ hội không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời là dịp để các nghệ nhân, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số.

Các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mình. Khi người Mông thôn 3, xã Đắk Som có ý tưởng xây dựng Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng, xã sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện cho người dân hoạt động để bảo tồn, phát huy, giới thiệu văn hóa truyền thống tốt đẹp của mình đến với du khách. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển…

Ông K’Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som huyện Đắk Glong

Các địa phương, đồng bào Mông luôn chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp, giá trị văn hóa, nhất lịch sử của bộ trang phục truyền thống đến các tầng lớp Nhân dân, thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc Mông. Trong đó, người phụ nữ Mông đóng vai trò quan trọng vì họ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với những nỗ lực trên, suốt chặng đường 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, hàng loạt hoạt động văn hóa dân tộc Mông có điều kiện diễn ra, trở thành món ăn tinh thần vô giá để cổ vũ, động viên người dân hăng say lao động sản xuất, góp sức xây dựng tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, ngành chức năng chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, như: trưởng bản, trưởng họ, thầy cúng ... Đội ngũ này phát huy vai trò trong thuyết phục cá nhân, cộng đồng thấy rõ tác hại của những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời, gây cản trở sự phát triển, như tục hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch,… để loại bỏ dần. Họ còn động viên người dân thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc.

Sùng A Trư

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/giu-gin-van-hoa-dan-toc-mong-tren-que-huong-moi-dak-nong-203147.html