Giữ gìn sức khỏe trong thời tiết nắng nóng

Những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời dao động từ 38 - 40 độ C và trên thực tế, nhiệt độ có thể cao hơn 3 - 5 độ C so với dự báo thời tiết do nhiệt cộng hưởng từ, sức nóng động cơ, phương tiện tham gia giao thông hoặc từ mặt đường nhựa, bê tông... Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, đòi hỏi mọi người phải chú trọng giữ gìn và cân đối thời gian làm việc hợp lý.

Những người phải làm việc trong môi trường nắng nóng cần chú trọng giữ gìn sức khỏe, tránh bị sốc nhiệt -Ảnh: MINH THẢO

Do đặc thù của công việc, những người thợ xây phải làm việc ở ngoài trời, “phơi mình” giữa nắng nóng để hoàn thành công việc. Nghề này bình thường đã vất vả, vào những ngày nắng nóng còn vất vả bội lần. Hơn 1 tuần nay, thời tiết ở Quảng Trị nắng nóng nên giờ làm việc của những người thợ cũng linh động hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không chống chọi nổi với thời tiết khắc nghiệt này.

Mới đây, tại một công trình nhà dân trên địa bàn TP. Đông Hà đã xảy ra trường hợp một thợ thép bị sốc nhiệt, phải vào bệnh viện cấp cứu. Công trình xây dựng theo hình thức chìa khóa trao tay nên yêu cầu cao về tiến độ để kịp bàn giao, vì thế dù thời tiết nắng nóng kéo dài trong những ngày qua, đội thợ của công trình này vẫn làm việc bình thường. Hôm đó, khi đang buộc thép chuẩn bị đổ sàn tầng 1 của công trình, anh D. đột nhiên xây xẩm mặt mày rồi ngã lăn bất tỉnh, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Theo các bác sĩ, anh D. bị sốc nhiệt, chỉ định truyền nước và yêu cầu nghỉ ngơi, không làm việc liên tục dưới thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau anh D. phải quay trở lại công việc của mình bởi nghỉ làm ngày nào đồng nghĩa với việc giảm thu nhập ngày đó. Anh D. cho biết: Nghề này vất vả lắm, nhất là vào mùa hè, mặc dù trời nắng nóng nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc giữa trời. Nếu như trước đây buổi sáng tôi làm từ 7 giờ đến 11 giờ thì nay tôi bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa. Buổi chiều từ 14 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút. Mỗi ca làm việc nghỉ giải lao 15 phút, hôm nào nắng quá thời gian nghỉ sẽ dài hơn. Vì công trình đang ở giai đoạn xây thô nên bắt buộc chúng tôi phải làm việc ngoài trời để bảo đảm tiến độ.

Còn đối với bà Lê Thị Thơ, phường Đông Lương, TP. Đông Hà, mỗi ngày bà phải đạp xe đi hết con phố này đến con phố khác để bán bún nghệ nên phải thường xuyên đối mặt với thời tiết nắng nóng. Tuổi khá cao, sức khỏe yếu nhưng vì gánh nặng mưu sinh nên bà buộc phải gắn bó với công việc này. Buổi sáng bà thường đi bán từ 6 giờ, đến hơn 9 giờ bán xong có thời gian về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị hàng để chiều bán tiếp. Buổi chiều thường bắt đầu lúc 3 giờ vì nếu muộn hơn, gần với giờ ăn cơm sẽ khó bán hết hàng. Dù tránh được khung giờ nắng nóng gay gắt nhất trong ngày nhưng nhiều lúc bà cảm thấy đuối sức, vì buổi sáng tầm 7-8 giờ đã cảm nhận được cái nóng hừng hực, buổi chiều tắt nắng cũng muộn, về cuối ngày vẫn còn oi bức.

Theo khuyến cáo, trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều là đỉnh điểm tác động của tia cực tím, vì vậy người dân nên hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt đối với trẻ em. Những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào lúc trời mát mẻ nhất trong ngày. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao trong thời gian dài, liên tục. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời, mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi…

Đối tượng dễ mắc bệnh vào ngày nắng nóng là những người mắc các bệnh lý nền; người già, trẻ em, phụ nữ mang thai; những ai phải làm việc trong môi trường nắng nóng, ở nhiệt độ cao...Các triệu chứng thường gặp nhẹ thì hồi hộp, nhịp tim tăng nhanh, mệt mỏi, khát nước, chuột rút, hoa mắt chóng mặt; nặng thì buồn nôn hoặc đau đầu dữ dội, khó thở, co giật, liệt nữa người, ngất xỉu, hôn mê, thậm chí tử vong. Để đảm bảo sức khỏe trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Trần Cảnh Toàn, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh khuyến cáo: Người dân nên chọn những loại quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Bổ sung nước cho cơ thể bằng các loại rau xanh, nước ép hoa quả, uống ít nhất 2 lít nước lọc mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên nhằm đảm bảo sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp, chênh lệch trên 10 độ với nhiệt độ ngoài trời. Điều này có thể gây “sốc” nhiệt khi ra ngoài. Với những người làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, nắng nóng phải sử dụng những vật bảo hộ tránh nắng nóng như quần áo, bảo hộ lao động, mũ, nón, kính kết hợp sử dụng với kem chống nắng. Trong chế độ ăn uống, mọi người nên ăn chín, uống sôi để giữ vệ sinh, đồng thời ăn thêm hoa quả, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=158588&title=giu-gin-suc-khoe-trong-thoi-tiet-nang-nong