Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng

Ngày 5/11, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu tại hội thảo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt" (1966-2016).

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Tiếng Việt rất giàu, rất đẹp. Những tác phẩm văn học, thơ ca lớn, những tuyên bố, báo cáo trong lĩnh vực khoa học, văn bản có tính pháp lý của Nhà nước thể hiện trình độ phát triển cao của tiếng Việt. Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Bác Hồ đã có những lời dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Bác Hồ cũng đã dạy tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về trong và sáng của tiếng Việt.

Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình hội nhập phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều. Đáng báo động là không có nhiều, không có đủ sự phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà báo cần nghiêm túc đánh giá, khẳng định những ưu điểm, thành tựu, đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, các cơ quan báo chí và nhà báo từ kết quả, bài học của Hội thảo này, cần quan tâm hơn nữa, có hành động thiết thực hơn nữa trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, để mỗi tác phẩm ra đời đạt được sự chuẩn mực về ngôn ngữ, về tiếng Việt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: Hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" có thể coi là hội nghị toàn quốc lần thứ 3, sau hai hội nghị về "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" tổ chức năm 1966 và 1979, tập trung nhiều hơn cho việc sử dụng tiếng Việt ở lĩnh vực thông tin đại chúng. Thông qua hội thảo lần này, Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức hội thảo kính đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoàn thiện pháp luật, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt, đồng thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này; chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh những hành vi sai trái, lệch lạc”.

Hơn 230 tham luận được gửi tới hội thảo khoa học lần này là cách đánh giá, nhìn nhận, quan điểm của các nhà khoa học trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận về: Vấn đề ngôn ngữ và ngôn ngữ truyền thông đại chúng; những đóng góp của báo chí, truyền thông về ngôn ngữ; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với việc sử dụng tiếng Việt, coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khuôn khổ hội thảo có 3 phòng thảo luận nhóm về: Những vấn đề chung trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Tiếng Việt trên sóng phát thanh, truyền hình; Tiếng Việt trên báo in, báo điện tử.

Sau Hội thảo, Ban tổ chức và bộ phận biên tập sẽ tập hợp, chỉnh lý, in đầy đủ các báo cáo được trình bày hoặc được tham khảo để gửi tặng các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các đại biểu tham dự Hội thảo như là một công cụ hữu ích, gần gũi./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/gio-thu-25/giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-tren-cac-phuong-tien-thong-tin-dai-chung-217802.html