Giữ gìn nét đẹp văn hóa, văn minh trong lễ hội

Hàng năm, mỗi dịp đầu xuân, vấn đề nhiều người quan tâm, chú ý là làm thế nào để giữ được nét đẹp văn hóa, văn minh trong lễ hội. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao xung quanh nội dung này.

Lễ rước nước tại Lễ hội Tràng An. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên (P.V): Xin đồng chí khái quát về các lễ hội truyền thống và việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức với các nghi lễ truyền thống và những hình thức sinh hoạt văn hóa. Lễ hội là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, vừa độc đáo, vừa phong phú, nó phản ánh đời sống tinh thần của một cộng đồng dân cư. Nhiều yếu tố văn hóa trong lễ hội được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa của địa phương.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 243 lễ hội, trong đó có 2 lễ hội đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là Lễ hội Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) và Lễ hội làng Bình Hải (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô). Các lễ hội ở tỉnh đa số có quy mô vừa và nhỏ, thời gian tổ chức lễ hội ngắn. Hầu hết các lễ hội diễn ra tập trung vào mùa xuân trong thời gian từ đầu tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch, với 180 lễ hội. Ngoài Lễ hội Hoa Lư do cấp tỉnh tổ chức và 11 lễ hội do cấp huyện tổ chức, các lễ hội còn lại do cấp xã và cộng đồng dân cư tổ chức.

Trong những năm qua, trong các lễ hội, nghi thức phần lễ được thực hiện trang nghiêm, thành kính, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, với sự đa dạng, phong phú về loại hình hoạt động và gắn với đặc trưng vùng miền, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Các lễ hội tuy được tổ chức với các quy mô khác nhau song đều thu hút được sự tham dự của đông đảo nhân dân địa phương và du khách.

P.V: Được tổ chức lại sau một thời gian dài tạm dừng hoặc giảm quy mô, việc tổ chức các lễ hội đầu Xuân Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh đang diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Sau thời gian tạm dừng, giảm quy mô tổ chức các hoạt động lễ hội do tính chất phức tạp của dịch COVID-19, năm nay các lễ hội đã và đang được tổ chức trở lại. Số lượng người dân và du khách du xuân, tham dự lễ hội, tham quan, chiêm bái tại các di tích, danh thắng tăng mạnh, nhất là trong các ngày nghỉ cuối tuần. Qua khảo sát thực tế cũng như báo cáo của các địa phương trên địa bàn tỉnh, các lễ hội xuân đầu năm 2023 đang diễn ra an toàn, trật tự, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng, vui xuân của nhân dân theo đúng tinh thần của lễ hội truyền thống và các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội.

Công tác quản lý tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội phù hợp, thiết thực với mục tiêu bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong lễ hội đã được chú trọng, chưa để xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở các di tích và lễ hội đã được cải thiện. Tuy nhiên trong hoạt động lễ hội vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Đó là tình trạng xả rác bừa bãi, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, nhét tiền, xoa tiền, xoa tay lên tượng; xóc thẻ, rút thẻ, xem tướng số, đổi tiền lẻ trái quy định tuy không phổ biến nhưng vẫn còn diễn ra ở một số điểm di tích, lễ hội. Chất lượng các hoạt động dịch vụ chưa cao, còn mang tính mùa vụ.

Rước kiệu tại Lễ hội đền Thái Vi. Ảnh: Minh Quang

P.V: Sở Văn hóa và Thể thao đã có chỉ đạo, hướng dẫn như thế nào để mùa lễ hội Xuân 2023 diễn ra an toàn, đảm bảo nét đẹp văn hóa, văn minh và giữ được bản sắc văn hóa của lễ hội?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Để đảm bảo mùa lễ hội Xuân Quý Mão nói riêng và việc tổ chức các lễ hội trong năm 2023 diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản số 04/UBND-VP6 ngày 04/01/2023 chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, UBND các địa phương tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh năm 2023, với các nội dung trọng tâm là:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý và tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Chú trọng tuyên truyền về giá trị của di tích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội; những quy định của pháp luật về lễ hội; về thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội; vận động nhân dân tham gia bảo vệ di tích, phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền; phát huy vai trò quản lý Nhà nước, hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn. Tăng cường sự phối hợp trong quản lý hoạt động lễ hội đảm bảo việc tổ chức lễ hội đúng quy định, các hoạt động tổ chức lễ hội thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Quán triệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh về quản lý, tổ chức lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho nhân dân và du khách tại các hoạt động lễ hội. Tổ chức các giải pháp về thực hiện nếp sống văn minh tại các hoạt động lễ hội.

Thực hiện quản lý, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Bố trí khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, phù hợp với không gian lễ hội, di tích, không gây cản trở, ùn tắc giao thông. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, bán đúng giá niêm yết; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không kinh doanh các loại hàng hóa cấm kinh doanh, không chèo kéo, ép giá đối với khách mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau lễ hội, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm các quy định về tổ chức lễ hội, về kinh doanh dịch vụ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ về quản lí, tổ chức lễ hội. Trong đó, chú trọng thực hiện thường xuyên các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến tổ chức lễ hội.

Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các phòng chức năng của Sở đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các Ban Quản lý các di tích ở địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng như công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội. Trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng đầu năm, Sở sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thành phố trong công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tổ chức lễ hội, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các lễ hội Xuân Quý Mão cũng như các lễ hội diễn ra trong năm 2023 diễn ra nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.

P.V: Di tích lịch sử văn hóa là những di sản quý giá của cha ông để lại, những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã làm những gì để bảo tồn, giữ gìn các di tích đó, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Là địa phương ken dày các giá trị lịch sử - văn hóa, trong đó có hệ thống các di tích, Ninh Bình hiện có 1821 di tích được kiểm kê, trong đó có 395 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt); 314 di tích cấp tỉnh. Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích được ngành xác định là nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện. Để phát huy được giá trị của di tích, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo. Về cơ bản, các di tích trên địa bàn tỉnh đều có niên đại hàng trăm năm, chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt, trải qua nhiều biến cố lịch sử, môi trường xã hội nên các di tích cần phải được chống xuống cấp ở mức độ khác nhau. Những năm qua nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo.

Từ năm 2017-2022 đã có 180 lượt di tích được thực hiện tu bổ chống xuống cấp bằng nguồn ngân sách với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó mỗi năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 20 di tích thực hiện tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nhiều di tích đã nhận được sưụ̉ng hộ, công đức của nhân dân, có nơi kinh phí công đức lên tới hàng chục tỷ đồng. Các dự án về tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích tuân thủ chặt chẽ các quy trình, thủ tục được quy định. Các di tích được tu bổ, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí.

Mai Phương (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giu-gin-net-dep-van-hoa-van-minh-trong-le-hoi/d20230210085746275.htm