Giữ đa dạng sinh học là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu

Đồng Nai có lợi thế lớn về nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên nước với hệ thống sông hồ phủ khắp, góp phần quan trọng trong dự trữ nguồn nước mặt, điều tiết khí hậu, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái và cảnh quan. Ngoài ra, sự đa dạng của các nguồn tài nguyên trên còn có ý nghĩa lớn trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tham gia trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây năm 2023. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển rừng cũng như tích cực trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt trong thích ứng với BĐKH.

* Tác hại nặng nề của BĐKH

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa to, dông lốc đầu mùa gây thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân. Cụ thể, trong tháng 4, các huyện Định Quán, Nhơn Trạch xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy làm tốc mái nhà, gãy đổ cây xanh; hàng chục ha diện tích cây ăn trái bị gãy nhánh, rụng trái; 1 người bị thương; xảy ra ngập úng cục bộ các tuyến đường, thiệt hại nhiều nhà dân…

Trong tháng 5-2023, chỉ riêng TP.Long Khánh đã xảy ra 1 cơn mưa lớn kèm gió lốc đã làm hư hại 4 căn nhà; 84ha sầu riêng và nhiều loại cây trồng khác bị gãy đổ, rụng trái; ngập úng cục bộ khoảng 40ha cây trồng, cuốn trôi toàn bộ 30 thiên nấm các loại. Đặc biệt, có 1 người tử vong vì bị nước cuốn trôi.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, mực nước hồ Trị An rút xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây khiến cả vùng lòng hồ rộng lớn khô cạn, trơ đáy. Tình trạng trên ảnh hưởng đến nguồn nước, đa dạng sinh học (ĐDSH), điều tiết khí hậu của Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ.

Ảnh hưởng của BĐKH, thời tiết trong những năm gần đây ngày càng trở nên cực đoan hơn; đặc biệt, mưa trái mùa có xu hướng tăng; mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết thất thường đã trở thành nỗi lo thường trực với nông dân. Thời tiết biến đổi bất thường cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng cao rủi ro lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, thời tiết lạnh kèm mưa trái mùa là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh... dễ phát sinh và lây lan.

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, hiện tượng thời tiết ngày càng khó lường, nhất là vài năm trở lại đây, vào mùa mưa, số lượng cơn mưa giảm nhưng lại xuất hiện những trận mưa lớn gây ngập lụt. Những năm trước, sông Đồng Nai không có lũ nhưng từ năm 2019 trở đi, hầu như năm nào cũng có lũ, do lũ không kéo dài nên thiệt hại về hoa màu không lớn nhưng với người dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai lại bị tổn thất lớn. Từ đầu năm đến nay, nhiều đợt mưa lớn kéo dài gây ngập cục bộ cũng gây thiệt hại về tài sản của người dân. Những năm gần đây, mưa trái mùa có xu hướng tăng, gây tổn thất đáng kể cho ngành nông nghiệp của nhiều địa phương, nhất là trên cây trồng. Năm nay, từ cuối tháng 5, thời tiết bắt đầu ảnh hưởng hiện tượng El Nino; từ nay đến tháng 9, lượng mưa có thể xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 10 trở đi mưa giảm, mùa khô tới có thể khốc liệt hơn những năm trước. Các hồ chứa cần chủ động trong tổ chức vận hành nhằm vừa phòng lũ mùa mưa, vừa đảm bảo cấp nước vào mùa khô.

* Nhiều giải pháp ứng phó

Đồng Nai có nhiều chương trình, giải pháp để chủ động ứng phó với thiên tai, BĐKH. Đặc biệt, gần đây, tỉnh đang triển khai dự án Phục hồi và quản lý nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2022-2025. Đây là khu có ĐDSH khá phong phú ở Việt Nam. Việc giữ được ĐDSH là góp phần làm chậm diễn biến tiêu cực của BĐKH.

Theo báo cáo của dự án trên, do tính chất, đặc điểm và hệ sinh thái, môi trường của sông Đồng Nai, hồ Trị An và hệ sinh thái rừng, nhất là trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, chi phối rất nhiều đến khí hậu. Đặc điểm thể hiện rõ nét nhất của sự ảnh hưởng này là ban ngày có thể nhiệt độ cao nhưng về chiều và đêm nhiệt độ hạ xuống nhanh và mát mẻ, chênh lệch thấp hơn các khu vực khác trên địa bàn thường từ 5-10°C. Đặc biệt, hệ thống sông hồ trên địa bàn Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai góp phần quan trọng trong dự trữ nguồn nước mặt, điều tiết khí hậu, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái và cảnh quan.

Phát triển rừng mang lại lợi ích cho ĐDSH, tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Các mặt hàng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam được sản xuất bền vững để đảm bảo bảo tồn ĐDSH khả năng chống chịu với BĐKH và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Mục tiêu dự án sẽ đóng góp vào chương trình Một tỷ cây xanh bằng cách khôi phục, bảo vệ hiệu quả tính toàn vẹn của hệ sinh thái, bảo vệ và phát triển các vùng nước đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai, thông qua trồng rừng, nuôi dưỡng rừng và khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn nước và chất lượng nước sông. Dự kiến đến năm 2025, các hệ sinh thái quan trọng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được phục hồi, bảo vệ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, Đồng Nai có diện tích rừng lớn và tỉnh rất quan tâm giữ, phát triển diện tích rừng để bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng của BĐKH.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI: Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Đồng Nai có hơn 80 hồ chứa, công trình thủy lợi giúp điều hòa khí hậu, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo tình trạng mưa lớn kéo dài vẫn có nguy cơ ngập lụt xảy ra nên từ tỉnh đến các địa phương luôn chủ động, thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai. Tỉnh ưu tiên đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, hồ Trị An có ý nghĩa rất quan trọng bảo tồn ĐDSH, phát triển kinh tế - xã hội, điều tiết khí hậu cho Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) TRẦN QUANG HOÀI:Đồng Nai làm tốt công tác ứng phó BĐKH

Đồng Nai ít xảy ra thiên tai nhưng khi xảy ra thì cũng rất dữ dội có thể gây thiệt hại lớn về nhà cửa, cây trồng, vật nuôi... Những năm gần đây, BĐKH tác động tiêu cực đến thời tiết khiến mưa lũ, nắng nóng, khô hạn gay gắt, khốc liệt hơn. Tỉnh đã chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị phòng chống thiên tai, Đồng Nai là nơi bảo tồn ĐDSH khá tốt, giữ môi trường ổn định làm chậm lại tiến trình BĐKH.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) LÊ VĂN BÌNH:Bảo tồn ĐDSH đưa vào quy hoạch

Những năm qua, công tác ĐDSH ở Đồng Nai được thực hiện theo Luật ĐDSH. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xác định được các khu vực có tính ĐDSH cao trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, dự án nhằm bảo tồn và phát triển các loài.

Hiện tại, bảo tồn ĐDSH góp phần ứng phó với BĐKH đã được đưa vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lê Quyên - Hoàng Lộc (ghi)

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/chuyen-de-da-dang-sinh-hoc-giu-da-dang-sinh-hoc-la-giai-phap-thich-ung-bien-doi-khi-hau-3170351/