Giới đầu cơ đắm chìm trong 'cơn cuồng say' tiền ảo

Bitcoin đã tăng giá gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm, tuy nhiên Bitcoin vẫn phải “ngả mũ chào thua” trước mức tăng thần tốc của đồng tiền ảo mới có tên là Ether. Giới đầu cơ đang “mê muội” cuốn theo cơn lốc tiền ảo. Trong khi đó, lo ngại về rửa tiền, trốn thuế, chảy máu ngoại tệ, ma túy, mại dâm… là những điều khiến các nhà quản lý đau đầu. Vì tăng trưởng quá nóng nên bong bóng tiền ảo cũng được các chuyên gia cảnh báo.

Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ảnh: P.V

Tiền ảo tăng “khủng” 2.300%

Ngày 1.1.2017, đồng Bitcoin đạt mốc xấp xỉ 1.003 USD/coin. Ngày 24.5.2017, giá trị Bitcoin đạt mốc kỷ lục $2.377, đánh dấu mức tăng 137% so với cùng thời điểm cách đây một năm.

Nghe thì có vẻ ấn tượng, tuy nhiên, nếu so sánh với mức tăng khủng khiếp của đồng Ether thì nhiều người sẽ phải giật mình. Đồng Ether đã tăng vọt từ mức 8,24 USD (ngày 1.1.2017) lên 203,30 USD/ether (ngày 24.5), tức là tăng 2.367%.

Nếu so sánh về “tuổi đời”, tiền ảo Ether “sinh sau đẻ muộn” hơn Bitcoin. Ether mới ra mắt từ năm 2014, trong khi Bitcoin được tung ra thị trường từ năm 2009. Theo Coinmarketcap.com, giá trị thị trường của Ether hiện nay là 18,6 tỉ USD, trong khi của Bitcoin là 39,2 tỉ USD.

Đồng tiền ảo mạnh thứ 3 hiện nay là Rippie, theo các chuyên gia, giá đồng Rippie này đã nhảy vọt 7.000% chỉ trong vòng 2 tháng, trước khi đồng tiền này rớt giá thảm trong thời gian gần đây.

Kênh trú ẩn của tội phạm và rủi ro bong bóng vỡ

Tăng trưởng quá nóng trong thời gian ngắn của tiền ảo khiến cho các chuyên gia lo ngại bong bóng sẽ nổ ra. Tuy nhiên, một chuyên gia khác lại cho rằng, trong ngắn hạn, giá Bitcoin và các đồng tiền ảo khác sẽ tiếp tục tăng. Chính sự bất ổn kinh tế ở một số quốc gia như Nga, Nigeria, Bắc Triều Tiên đã khiến người dân quay sang sử dụng Bitcoin để thực hiện các giao dịch tài chính. Ở Venezuela, người dân dùng Bitcoin để mua thức ăn từ trang Amazon thông qua một công ty trung gian.

Giờ đây, tội phạm cũng sử dụng tiền ảo. Bitcoin được coi như một chiếc hộp bí mật. Cả người mua và người bán Bitcoin đều có thể giao dịch vô danh. Đến nay, cha đẻ của Bitcoin là ai cũng là điều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Và đương nhiên, vì đảm bảo giao dịch bí mật, là công cụ hoàn hảo để trốn thuế nên giờ đây ngay cả tội phạm buôn ma túy và gái mại dâm cũng chấp nhận sử dụng thanh toán bằng Bitcoin. Mới đây nhất, nhóm hacker đứng đằng sau vụ phát tán virus WannaCry công khai yêu cầu nạn nhân phải trả 300 USD bằng tiền Bitcoin nếu muốn chuộc lại dữ liệu đã bị mã hóa.

Điều khiến các nhà phân tích lo ngại bong bóng tiền ảo xảy ra là bởi Bitcoin không sở hữu giá trị nào khác ngoài thứ mà người mua sẵn sàng trả, hay nói cách khác mọi mức giá đều phù hợp. Một chuyên gia kinh tế từng nhận định “sức sống của tiền ảo có được từ sự tin tưởng và đồng thuận ảo, lòng tham, sự mù quáng, được tiếp sức bởi sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý, được nhân bội bởi hệ số mức hoa hồng đầy mê hoặc”. Càng nhiều người yêu thích đồng tiền ảo thì đồng tiền này càng lên giá.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một luật sư cho biết, hiện nay ở Việt Nam, Bitcoin không được công nhận là tiền tệ. Về khía cạnh kinh tế, đồng vốn không đưa vào đầu tư, kinh doanh, mà tự dưng tăng lên gấp hàng trăm, hàng nghìn lần, thì cũng giống như quả bóng phình to nhờ nhiều nhà đầu tư thổi hơi. Cũng giống như mô hình kinh doanh đa cấp, sẽ có một số người hưởng lãi thật, thậm chí là lãi lớn, để làm bằng chứng sống dẫn dụ những người khác, thật giả lẫn lộn, thấy lợi mà ham.

Giá trị thị trường của tiền ảo Ether hiện nay được các chuyên gia đánh giá là khoảng 18,6 tỉ USD. Ảnh: P.V

Tiền ảo không được pháp luật bảo vệ

Tại Việt Nam, Chính phủ lo ngại về nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ. Cuối năm 2016, Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đang gấp rút thực hiện đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Bản dự thảo đề án của Chính phủ cho rằng, pháp luật đã có quy định về tiền điện tử nhưng chưa đầy đủ, hiện còn chưa thống nhất dẫn đến việc nhầm lẫn giữa tiền điện tử và tiền ảo. “Các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí”, bản dự thảo đề án nêu.

Ở Việt Nam, hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi mở rộng từ các thành phố lớn lan rộng tới các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… Nhưng việc hiểu biết không đầy đủ về tiền ảo khiến những người tham gia chịu rủi ro lớn khi lao vào cuộc chơi này.

NHNN Việt Nam từng đưa ra thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Cơ quan này cho biết, theo các quy định của pháp luật hiện hành, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

LAN HƯƠNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/gioi-dau-co-dam-chim-trong-con-cuong-say-tien-ao-668550.bld