Gieo những con chữ yêu thương

Từng hai lần định rời bục giảng nhưng bảng đen, phấn trắng như một cái duyên, giúp cô Nguyễn Thị Thuyết, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Húc Nghì, huyện Đakrông, ngày càng gắn bó, yêu nghề. Vượt mọi khó khăn, cô đã và đang cùng đồng nghiệp gieo những con chữ yêu thương.

Cô Nguyễn Thị Thuyết được vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” - Ảnh: NVCC

Mùa hè không nghỉ

Tôi quen cô Nguyễn Thị Thuyết sau khi người giáo viên vùng cao này trở về từ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT cùng Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Cô Thuyết là 1 trong 68 nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc được vinh danh tại chương trình. Đến với “Chia sẻ cùng thầy cô”, mỗi giáo viên đều mang theo một câu chuyện dung dị nhưng cảm động về sự hy sinh thầm lặng. Cô Thuyết không phải là ngoại lệ nhưng cô lại ngại ngần chia sẻ về mình. Cô khẳng định: “Ở vùng cao Quảng Trị, có rất nhiều giáo viên tâm huyết. Họ đã dành cả thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục”.

Bẵng một thời gian, tôi tình cờ gặp lại cô Thuyết khi cô vừa hoàn thành việc giảng dạy tại lớp học tình thương ở chùa Lập Thạch, TP. Đông Hà. Từ đầu hè đến nay, mỗi tuần 3 lần, cô Thuyết phải vượt đường sá xa xôi từ xã Cam Chính, huyện Cam Lộ về TP. Đông Hà để dạy chữ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Để kịp giờ đến lớp, cô thường dậy từ mờ sáng.

Những hôm trời mưa gió, sợ học sinh chờ đợi, cô Thuyết vẫn “đội mưa” để tới lớp đúng giờ. Dù mang áo mưa nhưng tới nơi, cô vẫn “ướt như chuột lột”. “May giàu kinh nghiệm cắm bản nên em luôn có phương án dự phòng”, cô Thuyết nói.

Đây không phải là năm đầu tiên cô Thuyết dành mùa hè cho hoạt động thiện nguyện. Năm 2018, hay tin chùa Lập Thạch mở lớp học tình thương, cô Thuyết liền đăng ký giảng dạy. Điều thôi thúc cô chính là hoàn cảnh của học sinh nơi đây.

Phần lớn các em đều có phận đời éo le. Những bi kịch, khó khăn trong cuộc sống đã đưa các em đến với cửa phật. Một bộ phận khác trong lớp học là con em của các gia đình nghèo. Nhiều em muốn được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nhưng không có tiền để trang trải. Đến với lớp học tình thương, các em đặt rất nhiều niềm tin, hy vọng.

Cô Thuyết chia sẻ những cuốn truyện hay với học sinh vùng cao - Ảnh: Q.H

Tình nguyện đứng lớp, cô Thuyết luôn dồn toàn tâm, toàn sức để giảng dạy. Mỗi sự tiến bộ dù rất nhỏ của các em cũng khiến cô hạnh phúc. “So với học sinh miền núi, những khó khăn về vật chất mà các em nhỏ ở đây đối diện có phần ít hơn nhưng một số em có những thiếu thốn, tổn thương lớn. Các em rất cần những “kỹ sư tâm hồn”. Vì thế, tôi mong muốn được góp phần bù đắp những khoảng trống trong lòng các em”, cô Thuyết giãi bày.

Hai lần định rời bục giảng

Trước khi gắn bó đậm sâu với sự nghiệp trồng người, ít ai biết, cô Thuyết từng hai lần định rời bỏ bục giảng. Đó là thời gian đầu cô đến gieo chữ ở xã Húc Nghì. Bấy giờ, cô Thuyết đã tiên lượng và chuẩn bị sẵn tinh thần đối diện với gian khó nhưng mọi thứ vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng của cô.

Theo mạch chuyện trò, ký ức đưa cô Thuyết trở lại năm 2009. Vừa rời ghế giảng đường, cô đã xin lên Đakrông giảng dạy hợp đồng vì nghe huyện miền núi này đang thiếu giáo viên. Vượt quãng đường đèo dốc, lại vắng vẻ, không có sóng điện thoại, cô và anh rể đến Trường TH&THCS Húc Nghì với gương mặt tái xám.

“Khi anh rể chuẩn bị ra về, em chỉ muốn về theo với mẹ và chị. Cái níu chân em là hình ảnh thầy hiệu trưởng đôn hậu, giản dị, trông giống như một người dân vùng cao. Em nghĩ, nếu mọi người đều bỏ về thì ai sẽ cùng thầy gieo chữ? Sau này, em mới biết đó là thầy Hà Công Văn - người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”, cô Thuyết tâm sự.

Những ngày đầu ở Húc Nghì chậm chạp trôi. Cô Thuyết luôn ở trong tình trạng “đụng đâu thiếu đó”. Nguồn động viên duy nhất của cô là tình đồng nghiệp. Trong cái khó, những giáo viên vùng cao dường như xích lại gần nhau hơn. Mọi người san sẻ cho nhau từng bát cơm, viên thuốc. Những giọt nước mắt nhớ nhà, người thân của cô cũng nhờ thế mà dịu bớt. Trên lớp, ánh mắt, nụ cười của học sinh dường như sưởi ấm trái tim cô Thuyết. Mỗi lần nhìn các em, cô dường như cảm nhận rõ khát khao con chữ và ước mơ về tương lai tươi sáng của các em. Có em òa khóc khi thấy ba mẹ đến lớp vì biết sẽ bị gọi về đi làm rẫy, trông em… Mỗi lúc như thế, thầy cô giáo chính là “vị cứu tinh” của lũ trẻ.

Khi mọi chuyện dần vào nền nếp, thử thách mới lại kéo đến. Kinh hoàng nhất là đợt chạy lũ diễn ra sau chưa đầy 1 tháng kể từ ngày cô Thuyết lên Húc Nghì. Chỉ trong thời gian ngắn, nước từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm cả điểm trường và khu tập thể giáo viên. Sau lũ, cả xã Húc Nghì tàn hoang, xơ xác, bị chia cắt hoàn toàn. Gần một tuần liền, cô Thuyết và đồng nghiệp chỉ mặc một bộ quần áo, ăn uống cầm hơi. Không còn cách nào khác, các thầy cô phải cuốc bộ ra Quốc lộ 9. Đi từ sáng đến chiều, lội qua không biết bao điểm sạt lở, mọi người òa khóc khi đến cầu treo Đakrông. Giọt nước mắt lại rơi khi cô thấy hình ảnh mẹ mình với gương mặt bạc đi vì lo lắng. Cô Thuyết kể: “Sau lần ấy, em quyết định sẽ nghỉ việc nhưng được ít ngày, lòng lại lo cho trường lớp, học sinh. Em định lên xem thế nào rồi… tính tiếp. Vậy mà, đến nơi, em hoàn toàn quên hết mọi suy tính. Từ đó đến nay, 14 năm đã trôi qua. Tình yêu dành cho đại ngàn, cho trường lớp, học sinh không biết từ bao giờ đã quá lớn trong em”.

Tiếp bước hành trình gieo chữ

So với đời người, 14 năm không quá dài. Thế nhưng, nó đủ để người ta chiêm nghiệm, tìm ra lẽ sống. Với cô Thuyết, quãng thời gian này giúp cô nhận ra mình yêu nghề, mến trẻ đến mức nào. Tiếp xúc với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cô cảm thấy như gặp lại chính mình của nhiều năm về trước. Từ nhỏ, cô Thuyết đã không được sống trong vòng tay che chở của ba. Một mình mẹ cô phải vật lộn với cuộc sống để lo cho hai người con gái. Cứ đến mỗi năm học mới, cô Thuyết lại thấy mái tóc mẹ bạc thêm. Cô biết, mỗi lần nhìn con thiếu thốn, thiệt thòi hơn bạn bè, mẹ lại tự trách mình.

Sinh ra, lớn lên trong cảnh khó nên con đường đến trường của cô Thuyết cũng gập ghềnh. Cô không thể nhớ hết số lần tới lớp với chiếc bụng đói. Trong tháng ngày ấy, hình ảnh các giáo viên để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong cô. Nhiều người đã giúp cô bằng cách san sẻ đồng lương ít ỏi của mình. Chưa hết, các thầy cô còn vận động sự chung tay những phụ huynh, học sinh khác. Sợ Thuyết tủi thân, họ luôn lắng nghe mọi tâm tình và động viên, khuyến khích. Đó cũng là lý do thôi thúc cô học trò nghèo năm nào luôn mong muốn trở thành giáo viên.

Hình ảnh các giáo viên đi qua đời mình cũng đã góp phần giúp cô Thuyết có thêm nguồn động lực, sớm vượt qua những phút yếu lòng trong tháng ngày gieo chữ giữa đại ngàn. Từ lâu, cô đã vui vẻ chấp nhận sống cảnh “một chốn, bốn quê”. Căn phòng tập thể chật hẹp, xuống cấp không còn là thử thách gì quá lớn. Cô Thuyết cũng đã quen với con đường vất vả dẫn đến điểm trường lẻ; những đêm không thể trở về căn phòng tập thể với chồng, con; sự thiếu thốn lương thực, thực phẩm, nước sạch…

Cách đây không lâu, vợ chồng cô Thuyết đã có một quyết định khó khăn là gửi con gái lớn về nhà ngoại. Dạy ở điểm lẻ, không có sóng điện thoại, nhiều lúc nhớ con đến quặn thắt, muốn điện về hỏi thăm tình hình nhưng cô “lực bất tòng tâm”. Mới đây, ngày khu vực mình giảng dạy được phủ sóng điện thoại, cô và đồng nghiệp mừng đến rơi nước mắt.

Chúng tôi khép lại cuộc trò chuyện khá sớm để cô Thuyết có thời gian chuẩn bị hành trang lên với non ngàn. Trong lỉnh kỉnh đồ đạc, tôi thấy những cuốn vở, ngòi bút, chiếc thước mới... Như cảm nhận được câu hỏi của tôi, cô Thuyết cho biết, đó là món quà mà vợ chồng cô chuẩn bị cho học trò. Hơn ai hết, cô biết đôi khi sự quan tâm dù là rất nhỏ cũng có thể trở thành động lực to lớn giúp các em nhỏ vùng cao vượt qua mọi khó khăn. Biết đâu trong số các học sinh trên chuyến đò của cô Thuyết sẽ có những em tiếp nối hành trình gieo những con chữ yêu thương.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/gieo-nhung-con-chu-yeu-thuong/179169.htm