'Gieo mầm' trên vùng đất khó

Nậm Mằn là xã vùng cao của huyện Sông Mã. Mặc dù cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng những cô giáo của Trường mầm non Hoa Mai vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp gieo chữ trên vùng đất này.

Trường mầm non Hoa Mai xã Nậm Mằn.

Con đường đất xuyên rừng từ Trường mầm non Hoa Mai đến điểm trường bản Huổi Khoang dài gần 15 km. Sau gần một giờ đồng hồ di chuyển, mái nhà kiên cố của điểm trường hiện ra giữa màu xanh của núi rừng. Huổi Khoang có trên 80 hộ, trong đó gần 70% là hộ nghèo. Điểm trường có 66 trẻ được chia thành 3 lớp, với 3 giáo viên phụ trách. Đây là điểm trường xa nhất, là nơi có tỉ lệ hộ nghèo cao, nên việc dạy và học của cô trò gặp không ít khó khăn.

Điểm trường Huổi Khoang.

Gặp cô giáo Điêu Thị Lai, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sơn La, cô được phân công vào dạy tại điểm trường bản Huổi Khoang từ tháng 8/2023. Cô Lai chia sẻ: Học sinh ở đây đều là dân tộc Mông nên cô và trò bất đồng ngôn ngữ. Nhờ sự giúp đỡ của các giáo viên đi trước và nỗ lực tự học tiếng Mông để giao tiếp với các bé, nên bây giờ tôi đã nói được khá nhiều từ, đủ để giao tiếp với các cháu.

Các cô giáo ở điểm trường đều đến lớp từ sáng sớm để đón trẻ, vì phần lớn phụ huynh đi làm nương rất sớm. Chiều muộn, khi các phụ huynh từ nương về đón trẻ, các cô mới dọn dẹp lớp học để sáng hôm sau đón trẻ. Trước đây, điểm trường này là nhà lớp học tạm, từ năm 2017 đến 2021, từ các nguồn xã hội hóa, 3 lớp học kiên cố đã được xây dựng, nên việc dạy học ở đây đã bớt khó khăn rất nhiều.

Giờ học của cô trò điểm trường Huổi Khoang.

Trường mầm non Hoa Mai có 7 điểm trường lẻ, 14 lớp học, với 279 trẻ. Do địa bàn xã rộng, các bản xa nhau, đường giao thông khó khăn, nhà trường có nhiều điểm lẻ ở rải rác các bản. 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Hơn nữa, trình độ dân trí không đồng đều; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy học của nhà trường. Trang thiết bị dạy học phần đa là do các giáo viên tự tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Cô giáo Hà Thị Sai, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đội ngũ giáo viên, nhân viên trẻ, tâm huyết với nghề, có ý thức trách nhiệm trong công việc, đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ. Học sinh ra lớp đều được nhà nước hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập, miễn, giảm học phí. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đảm bảo theo kế hoạch; trẻ từ 0-2 tuổi ra lớp luôn đạt và vượt kế hoạch phát triển giáo dục của nhà trường.

Giờ ra chơi của cô trò điểm trường Huổi Khoang.

Trong năm học 2022-2023, từ các nguồn xã hội hóa, nhà trường được đầu tư thêm 1 phòng học kiên cố tại điểm trường Huổi Khoang, trị giá trên 300 triệu đồng. Mua sắm bổ sung một số đồ chơi ngoài trời, ti vi, máy chiếu phục vụ công tác dạy và học... với tổng trị giá 84 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn quỹ công đoàn, trường đầu tư gần 20 triệu đồng làm cổng, biển điểm trường Huổi Khoang, khu giáo dục STEM, cải tạo bể cá, hàng rào tại điểm trường trung tâm. Cải tạo lại các bồn hoa, làm mới góc địa phương tại điểm trường Púng Hày, từ công lao động của phụ huynh, nhân dân, giáo viên, nhân viên nhà trường, với tổng kinh phí gần 10 triệu đồng.

Sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên nhà trường đã góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ theo từng năm học. Đối với nhóm trẻ nhà trẻ, tỉ lệ phát triển thể chất đạt trên 91%, phát triển ngôn ngữ đạt 95%. Ở nhóm trẻ 3-5 tuổi, tỉ lệ phát triển thể chất đạt 98%, phát triển ngôn ngữ đạt 98%, phát triển nhận thức đạt 98,5%...

Những khó khăn, vất vả nơi vùng cao Nậm Mằn vẫn còn ở phía trước, nhưng vượt lên tất cả là tình yêu đối với thế hệ tương lai của đất nước, những giáo viên của Trường mầm non Hoa Mai tiếp tục gắn bó với sự nghiệp “gieo mầm” trên vùng đất khó.

Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/gieo-mam-tren-vung-dat-kho-oCVgPFHIR.html