Giấy phép lái xe cho học sinh

Mới đây, khi góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất cần có hình thức sát hạch, cấp giấy phép cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe máy điện công suất thấp và các loại xe tương tự.

Đề xuất này bắt nguồn từ thực tế là tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đi xe máy, xe máy điện đang diễn biến phức tạp, đa phần các em chưa nắm rõ quy tắc giao thông cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện.

Thật đau xót khi đã có hàng trăm vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trong năm 2023 khiến gần 500 người chết, hơn 800 người bị thương. Trên đường phố xuất hiện khá phổ biến hình ảnh học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện vô tư tạt ngang, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm... không chấp hành quy tắc giao thông.

Theo quy định của pháp luật, học sinh có thể đi một số loại xe máy, xe máy điện công suất thấp mà không cần có giấy phép lái xe. Ảnh minh họa: vovgiaothong.vn

Theo quy định của pháp luật, học sinh có thể đi một số loại xe máy, xe máy điện công suất thấp mà không cần có giấy phép lái xe. Tuy nhiên, với vận tốc thực tế của các loại phương tiện này, khi lưu thông trên đường vẫn tiềm ẩn rất lớn nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn. Trong khi đó, ý thức tuân thủ quy tắc giao thông của nhiều học sinh chưa cao, chưa kể không ít phụ huynh cố tình làm ngơ để con em mình vi phạm quy định pháp luật.

Mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó có quy định về an toàn giao thông đối với học sinh đã được đẩy mạnh, nhưng chưa có thước đo để đánh giá việc am hiểu kiến thức, kỹ năng lái xe của các em. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, điều này tạo khoảng trống trong quy định của pháp luật. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, nếu thực hiện sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ có tác dụng tích cực trong việc trau dồi kiến thức và nâng cao ý thức cho các em khi tham gia giao thông.

Cũng cần đặt ra vấn đề, nếu bổ sung quy định về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ tạo thêm thủ tục hành chính, có thể gây thêm phiền hà cho người dân. Cùng với đó, số lượng người cần cấp giấy phép rất lớn, tạo áp lực không nhỏ lên các cơ sở sát hạch.

Do vậy, quy định cấp giấy phép lái xe nếu được bổ sung cần có giải pháp thực hiện khoa học, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính. Nội dung học tập về kiến thức, kỹ năng lái xe nên được thiết kế ngắn gọn, thiết thực, phù hợp với điều kiện tại nhà trường. Sau khi kết thúc chương trình học có thể thông qua bài kiểm tra để đánh giá, bảo đảm thực chất, làm cơ sở để cấp chứng chỉ, giấy phép, tránh việc tổ chức các kỳ thi rình rang, tốn kém, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.

Việc mở rộng đối tượng sát hạch, cấp giấy phép lái xe nếu được thực hiện cần hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm tốt hơn nữa an toàn giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng trẻ em, học sinh. Việc được trang bị đầy đủ kiến thức, thuần thục kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông sẽ là hành trang quý báu để các em bảo vệ bản thân mình và những người tham gia giao thông, tạo nền tảng xây dựng ý thức, văn hóa giao thông.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giay-phep-lai-xe-cho-hoc-sinh-771274