Giáo viên miền núi hào hứng chào đón Thông tư 22

GD&TĐ - Đến ngày 6/11/2016, Thông tư 22 về đánh giá HS tiểu học sẽ được thay thế cho Thông tư 30 đã triển khai trong hơn 2 năm qua.

Qua nghiên cứu nội dung Thông tư 22, cán bộ, giáo viên ở cơ sở có chung nhìn nhận, những nội dung thay đổi của Thông tư 22 trên cơ sở tiếp nối tinh thần nhân văn của Thông tư 30 đã tiếp tục tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo động lực cho HS tăng cường tính tự học, ngày càng hứng thú với chuyện học trên lớp và tăng cường mối quan hệ, trao đổi, phối hợp giữa đội ngũ cán bộ, giáo viên với gia đình, phụ huynh HS trong việc theo dõi, hướng dẫn quá trình học tập của con em HS.

Tiếp thêm niềm tin cho đội ngũ giáo viên

Theo cán bộ, giáo viên nhiều trường học, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đánh giá HS không điểm số, đến nay đội ngũ giáo viên tiểu học tại các cơ sở giáo dục đã cơ bản có một nhận thức đúng đắn và thống nhất về tinh thần, chủ trương của Thông tư 30.

Bởi vậy, khi áp dụng triển khai thực hiện Thông tư 22 sẽ có rất nhiều thuận lợi, đội ngũ giáo viên không còn bị ức chế hay bị áp lực về tư tưởng.

Theo đó, trong suốt quá trình thực hiện, ngành GD&ĐT các địa phương đã có những giải pháp hỗ trợ giúp đỡ, động viên giáo viên nâng cao năng lực, trách nhiệm và lương tâm trong đánh giá, nhận xét HS.

Các tổ chuyên môn ở trường học cũng thường xuyên sinh hoạt định kỳ để quán triệt, trao đổi những kỹ năng đánh giá HS cho đội ngũ giáo viên từng môn học. Đây là những nhân tố có tính chất căn bản để đội ngũ giáo viên tiếp tục thực hiện Thông tư 22 một cách hiệu quả.

Có gần 20 năm công tác, giảng dạy tại địa bàn miền núi huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), cô giáo Đỗ Thị Bình – Hiệu trưởng Trường TH số 2 Trà Phong (xã Trà Phong, Tây Trà, Quảng Nam) - chia sẻ:

Có thể thấy rằng, cách đây 2 năm, khi bắt đầu triển khai thực hiện Thông tư 30, hầu hết đội ngũ giáo viên cảm thấy rất bị áp lực trước những quy định mới về đánh giá HS, nhất là bộ phận giáo viên bộ môn tỏ ra khá vất vả khi phải theo dõi, đánh giá vì có số lượng HS đông hơn, sổ sách cũng nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ thì đội ngũ giáo viên đã giải tỏa được áp lực, nỗi lo.

Theo đó, với tình hình dạy học ở địa bàn miền núi ngày được quan tâm đầu tư, số lượng HS ngày một giảm nên tỷ lệ HS/lớp ngày càng ít đi; chính vì vậy, hoạt động dạy học thường ngày trên lớp đối với giáo viên có nhiều thuận lợi hơn, giáo viên có thời gian quan tâm, chỉ bảo, kèm cặp HS. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên rất nhiều khi thực hiện đánh giá HS.

Bởi vậy, khi Thông tư 22 được ban hành thay thế cho Thông tư 30 với những nội dung sửa đổi theo hướng sát với điều kiện, tình hình dạy học thực tế, nhất là đặc điểm dạy học ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo thêm niềm tin, phấn khởi cho đội ngũ giáo viên.

Khắc phục được những khó khăn, hạn chế cho trường học miền núi

Thầy Lê Viết Tư cho biết thêm: Cùng với những thay đổi theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế dạy học của Thông tư 22, đó là sự chuyển đổi mô hình trường lớp thành trường PTDT bán trú, HS được tổ chức ăn ở bán trú ngay tại trường học.

Ngoài việc học chính khóa trên lớp theo chương trình quy định, vào buổi tối, các em HS còn được giáo viên phụ đạo, kèm cặp, hướng dẫn động viên học tập nên hiệu quả mang lại từ công tác đánh giá thường xuyên HS trên lớp cho thấy những kết quả rất rõ nét.

Một nhân tố quan trọng làm cho công tác đánh giá HS theo Thông tư 22 gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới là đội ngũ giáo viên nhà trường ngày càng được chuẩn hóa.

Đây có thể xem là một trong những nền tảng cơ bản khi thực hiện Thông tư 30 trong thời gian qua và Thông tư 22 trong thời gian tới. Tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp đổi mới cách dạy học, tạo dựng một môi trường giáo dục toàn diện theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS.

Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, những nội dung thay đổi của Thông tư 22 theo hướng phù hợp với điều kiện dạy học thực tế, nhất ở địa bàn vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có đối tượng HS là con em HS đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc này đã giải tỏa được áp lực tâm lý cho đội ngũ giáo viên vì những nội dung thay đổi được cụ thể hơn, giúp giáo viên định hình được công tác đánh giá, nhận xét HS.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang, trong 2 năm khi triển khai thực hiện Thông tư 30, qua công tác dự giờ, thăm lớp ở các trường trên địa bàn thì có thể nhận thấy công tác đánh giá HS không điểm số còn gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, với những nội dung hướng dẫn đánh giá, nhận xét HS theo Thông tư 22 đã có sự hướng dẫn cụ thể hơn về đánh giá thường xuyên, xét khen thưởng và hồ sơ đánh giá.

Các nội dung hướng dẫn cụ thể đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên mà còn tăng cường sự kết hợp của phụ huynh và giáo viên trong việc đánh giá, giáo dục HS.

Điều này có ý nghĩa thực sự quan trọng đối với các trường học trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi mà điều kiện dạy học còn rất nhiều khó khăn mang tính đặc thù, nhất là sự nhận thức của người dân về sự học của con em mình còn khá hạn chế, chất lượng HS còn khá chênh lệch với vùng đồng bằng, thành thị.

Theo thầy Lê Viết Tư – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Lãnh (xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà), những nội dung thay đổi của Thông tư 22 theo hướng giảm áp lực đối với đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện đánh giá, nhận xét giáo viên, nhất là về áp lực sổ sách trong quá trình đánh giá, nhận xét.

Đó là những thay đổi mang tính xóa bỏ ức chế về tư tưởng, tâm lý cho đội ngũ giáo viên đứng lớp, nhất là những giáo viên bộ môn khi bắt tay vào thực hiện đánh giá HS theo Thông tư 22.

Cùng với đó là những thay đổi các mức đánh giá, nhận xét đối với HS đã được cụ thể hóa, rõ ràng hơn nên khi thực hiện giáo viên sẽ thuận lợi hơn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-vien-mien-nui-hao-hung-chao-don-thong-tu-22-2412823-b.html