Giao tranh ở Rafah khiến các tuyến đường viện trợ bị đóng cửa

Ngày 10/5, Liên Hợp Quốc cho biết giao tranh giữa Israel và Hamas tại ngoại ô thành phố Rafah phía nam Dải Gaza khiến các cửa khẩu viện trợ quan trọng gần đó không thể tiếp cận được, buộc 110.000 người phải chạy về phía bắc.

Người dân Palestine sơ tán khỏi Rafah tới Deir al-Balah ở trung tâm Dải Gaza ngày 9/5/2024. Ảnh: AP

Do giao tranh, báo cáo từ các cơ quan viện trợ quốc tế cho biết hàng viện trợ thực phẩm và các nguồn cung cấp khác không thể đi qua các cửa khẩu và do đó ở trong tình trạng cạn kiệt nghiêm trọng.

Hãng tin AP dẫn lời ông Georgios Petropoulos, một quan chức của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc ở Rafah, cho biết Chương trình Lương thực Thế giới sẽ hết lương thực để phân phối ở miền nam Gaza ngày 11/5. Các nhân viên nhân đạo không có nguồn cung cấp để giúp thiết lập công tác viện trợ ở những địa điểm mới.

Ông chia sẻ: “Đơn giản là chúng tôi không có lều, không chăn, không giường, không có bất kỳ vật dụng nào mà người dân đang sơ tán có thể nhận được từ hệ thống nhân đạo”. Trong khi đó, nhiên liệu được dự đoán cũng sẽ sớm cạn kiệt, buộc các bệnh viện phải đóng cửa các hoạt động quan trọng.

Do tình hình khó khăn, cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine, hay còn gọi là UNRWA, cho biết hơn 110.000 người đã chạy trốn khỏi Rafah. Những gia đình đã di dời nhiều lần trong suốt thời gian giao tranh hiện buộc phải thu dọn đồ đạc để tiếp tục di chuyển.

Những người chạy trốn đã dựng lều trại mới ở thành phố Khan Younis - nơi đã bị phá hủy một nửa trong cuộc tấn công trước đó của Israel - và thị trấn Deir al-Balah. Báo cáo từ tổ chức từ thiện quốc tế Project Hope cho biết phòng khám y tế của mình ở Deir al-Balah đã chứng kiến sự gia tăng đột biến số người từ Rafah đến tìm kiếm sự chăm sóc do chấn thương từ các vụ nổ, nhiễm trùng và mang thai.

Ông Moses Kondowe, trưởng nhóm Gaza của Project Hope, cho biết: “Người dân không có nơi nào để sơ tán. Không có nhà cửa hay nơi trú ẩn thích hợp để mọi người đến”.

Trước đó vào ngày 7/5, quân đội Israel thông báo đã chiếm được cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập, buộc điểm nhập khẩu nhiên liệu chính này phải đóng cửa. Israel cho biết cửa khẩu Kerem Shalom gần đó – điểm lưu chuyển hàng hóa chính của Gaza - đã mở cửa và các đoàn xe viện trợ có thể đi vào. Tính tới ngày 10/5, nước này cho biết xe tải chở 200.000 lít nhiên liệu đã được phép đi qua cửa khẩu này.

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cho biết việc các nhân viên nhân đạo đến cửa khẩu để nhận hàng viện trợ là quá nguy hiểm do các cuộc giao tranh giữa lực lượng Israel và Hamas. Ở một diễn biến khác, phía bắc dải Gaza hiện vẫn bị quân đội Israel cô lập. Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 300.000 người tại khu vực này đang phải trải qua “nạn đói toàn diện”.

Cuộc xung đột bắt đầu ngày 7/10/2023 khi lực lượng Hamas tiến hành tấn công bất ngờ vào miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng và bắt 250 người khác làm con tin. Lực lượng này hiện vẫn đang giữ khoảng 100 con tin và thi thể của hơn 30 con tin.

Các cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến hơn 34.800 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng theo dữ liệu của Bộ Y tế Gaza. Phần lớn khu vực Dải Gaza đã bị phá hủy và khoảng 80% dân số dải đất này phải rời bỏ nhà cửa.

Trong bối cảnh xung đột kéo dài 7 tháng, lực lượng Hamas trong tuần này cho biết đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn được Ai Cập và Qatar xúc tiến, nhưng Israel cho biết kế hoạch này không đáp ứng được các yêu cầu “cốt lõi” của mình. Các cuộc đàm phán tiếp theo đã kết thúc mà không có sự đồng thuận chắc chắn nào được đưa ra ngày 9/5.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/giao-tranh-o-rafah-khien-cac-tuyen-duong-vien-tro-bi-dong-cua-post34518.html