Giao huyện Đô Lương xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa: Phương án có tính khả thi cao!

Huyện Đô Lương là địa phương có công trình đứng chân trên địa bàn. Khi công trình được thực hiện, ngoài việc an ủi vong linh và thân nhân của 98 người đã khuất thì đây sẽ là một điểm đến lịch sử tâm linh và du lịch của huyện Đô Lương.

Sáng 20/6, được UBND tỉnh tổ chức, đi đến thống nhất báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, giao UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư. Đây thực sự là phương án có tính khả thi cao. Báo Nghệ An xin lược trích một số ý kiến tại cuộc họp và ý kiến của những người quan tâm nội dung này.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

“Giao huyện Đô Lương là lựa chọn tối ưu”

Sự cần thiết của công trình để có sự đầu tư là điều không còn cần phải bàn. Việc giao cho Tỉnh đoàn, hay Sở VH&TT, Sở LĐ-TB&XH... làm chủ đầu tư đều đúng. Nhưng đến thời điểm này, công trình này phải được thực hiện và phải thực hiện nhanh. Xét một cách toàn diện, nếu giao cho Tỉnh đoàn hay các ngành làm chủ đầu tư, để thực hiện nhanh thì sẽ khó.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Huyện Đô Lương là địa phương có công trình đứng chân trên địa bàn. Khi công trình được thực hiện, ngoài việc an ủi vong linh và thân nhân của 98 người đã khuất thì đây sẽ là một điểm đến lịch sử tâm linh và du lịch của huyện Đô Lương. Trước cuộc họp, tôi cũng suy nghĩ nhiều đến việc giao cho đơn vị nào để có thể thuận lợi trong kêu gọi huy động vốn xã hội hóa để cùng với ngân sách thực hiện; bên cạnh đó, nghĩ về việc bảo quản, phát huy giá trị sau này. Qua cân nhắc thì thấy giao cho huyện Đô Lương làm chủ đầu tư là phù hợp, là lựa chọn tối ưu.

Vì vậy, cùng với ý kiến thống nhất của các ngành, sau cuộc họp này, giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với huyện Đô Lương có văn bản báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phương án giao huyện Đô Lương làm chủ đầu tư. Tỉnh đoàn, các Sở NN&PTNT, VH&TT, LĐ-TB&XH có trách nhiệm phối hợp cùng chủ đầu tư thực hiện. Báo cáo cần nêu rõ 3 phương án, là Bia chứng tích, Nhà bia tưởng niệm hay Đài tưởng niệm, có khái toán kinh phí cho từng phương án; đồng thời, phải hoàn thành ngay trong tuần này để báo cáo Ban Cán sự Đảng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Phấn đấu đến ngày 3/1/2024 có thể làm lễ khởi công công trình”.

Đồng chí Bùi Duy Đông - Bí thư Huyện ủy Đô Lương:

“Đô Lương sẵn sàng nhận nhiệm vụ”

Việc xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa là cần thiết, đáp ứng mong mỏi nhiều năm của người thân những người đã khuất, của xã hội; và đã được Tỉnh ủy đồng ý chủ trương năm 2018. Vì vậy, cấp ủy và chính quyền huyện Đô Lương sẵn sàng nhận trách nhiệm xây dựng công trình Bia chứng tích cống Hiệp Hòa nếu được UBND tỉnh giao nhiệm vụ.

Đồng chí Bùi Duy Đông - Bí thư Huyện ủy Đô Lương.

Tuy nhiên, trước đây việc xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa đã được UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT thực hiện. Hơn nữa, việc xây dựng công trình này liên quan đến việc sử dụng đất đai, đầu tư công... Vì vậy, nếu UBND tỉnh chuyển giao cho huyện Đô Lương thực hiện, cần phải đảm bảo trình tự theo quy định. Sau cuộc họp có kết luận, có báo cáo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, có văn bản giao nhiệm vụ... Huyện Đô Lương đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ tỉnh giao, xem đây là nhiệm vụ chính trị để nỗ lực hoàn thành”.

Ông Đặng Anh Dũng - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương:

“Công trình sẽ là điểm đến tâm linh, lịch sử”

Sau chiến thắng 30/4/1975, non sông liền một dải, niềm vui thống nhất chưa được bao lâu thì đất nước phải đương đầu với vô vàn gian nan, thử thách. Hậu quả nặng nề nhiều mặt của chiến tranh, đất nước bị cấm vận. “Lụt Bắc, lụt Nam, máu đầm biên giới”, đói thiếu bủa vây, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, từ Trung ương xuống đến cơ sở lúng túng với cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp... Mọi giá trị đều được “quy đổi” về giá trị của cân gạo!

Đại hội Đảng các cấp thời kỳ này xác định: Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, thủy lợi được đặt vị trí số một để giải quyết nạn thiếu đói lương thực. Nghệ Tĩnh bấy giờ đi đầu với câu khẩu hiệu: “Thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”. Hàng vạn người tập trung trên các công trường thủy lợi lớn như: Vực Mấu, sông Sào, sông Nghèn, Kẻ Gỗ, Vách Bắc... Dù lao động thủ công nhưng đã để lại những công trình bền vững, có ý nghĩa nhiều mặt. Bên cạnh những thành công lớn lao ấy, ngày 3/1/1978, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại công trình cống Hiệp Hòa, với 102 người hy sinh, 156 người bị thương tích. Cả Nghệ Tĩnh chìm trong đau thương, tang tóc. Đã có những cuộc họp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã bàn việc giải quyết hậu quả.

Ông Đặng Anh Dũng - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương.

UBND tỉnh đã quyết định “Ghi công những người đã hy sinh trong công cuộc xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3/1/1978”. Lịch sử Đảng bộ tỉnh cũng ghi khá chi tiết sự kiện đau thương này. Hàng tháng, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho những gia đình có người hy sinh (qua mấy lần điều chỉnh đến nay là 540.000 đồng/tháng/thân nhân). Phiên tòa xét xử vụ việc này là vô tiền khoáng hậu vì khi cáo trạng được đọc lên, từ chủ tọa phiên tòa, các bị cáo, và người dân đều òa lên nức nở.

Vụ việc xảy ra đã 45 năm, nhưng “máu của các chị, các anh không uổng”. Nước sông Lam từ bara Đô Lương rẽ qua Hiệp Hòa vẫn tưới tắm cho 37.000 ha đồng ruộng các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Vậy mà nơi xảy ra vụ tại nạn chỉ có một chiếc miếu nhỏ dựng cheo leo trên vách đá để hương khói những ngày Rằm, mùng Một. Tại nhiều cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND các cấp, nhiều cử tri tha thiết đề nghị Nhà nước công nhận những người hy sinh là liệt sĩ, vì họ là thanh niên tình nguyện, đi làm nhiệm vụ theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, lao động của họ là cống hiến chứ không được trả công; lập Đài tưởng niệm nơi họ đã hy sinh; có chính sách hỗ trợ cho những người bị nạn hoặc thân nhân họ nay phải sống neo đơn, nghèo đói..., không để họ “tụt lại phía sau”.

Đến nay, qua Báo Nghệ An, được biết UBND tỉnh đã thống nhất phương án giao huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, sẽ có báo cáo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, để quyết tâm thực hiện dứt điểm việc xây dựng Đài tưởng niệm sự kiện cống Hiệp Hòa. Dù có muộn nhưng đây là một việc làm được nhân dân rất đồng tình. Câu chuyện bi thương trong quá khứ là lịch sử. Đài tưởng niệm sự kiện cống Hiệp Hòa là sự tri ân sâu sắc, nghĩa tình của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà đối với những người đã hy sinh vì sự giàu mạnh của quê hương. Đó là một địa chỉ tâm linh. Nếu được đầu tư đúng mức, địa chỉ tâm linh này sẽ trở thành một điểm du lịch lịch sử của huyện Đô Lương, của tỉnh Nghệ An trong tương lai. Vì vậy, cá nhân tôi thấy phương án giao huyện Đô Lương có tính khả thi cao. Giao cho huyện Đô Lương, sẽ thuận lợi trong quá trình thực hiện, và trong công tác bảo quản, phát huy giá trị di tích sau này.

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Bình - TP. Hồ Chí Minh:

“Tôi rất vui, rất cảm động”

Là người có đơn đề nghị gửi đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, và đến Tòa soạn báo, khi đọc thông tin qua báo Nghệ An những ngày vừa qua, nhất là tin đưa kết luận của UBND tỉnh trong ngày 20/6, tôi vui sướng tột độ, cảm động vô cùng. Nghĩ rằng, hồn người ra đi và lòng người ở lại, thanh thản, nhẹ nhàng. Đã bao nhiêu năm khao khát, trông mong, chờ đợi. Có lúc đã hy vọng, cũng đã có lúc bực bội muốn buông xuôi. Thì nay đã được giải tỏa.

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Bình.

Nhớ lại quá khứ, vì muốn thoát cảnh đói nghèo nên hàng vạn nam, nữ thanh niên đã theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, không quản gió mưa, gian khổ, thiếu thốn... tình nguyện cùng nhau nỗ lực ngày đêm để đưa dòng nước mát từ sông Lam về với hàng chục vạn ha đồng ruộng, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như Bác Hồ mong muốn. Đây là việc làm vì dân, vì nước, vì quê hương. Không may, một số anh chị vì sự cố tai nạn đã không thể trở về. Sự hy sinh của các anh chị xứng đáng được trân trọng.

Vì vậy, dù muộn, nhưng với kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh, với lời hứa của lãnh đạo huyện Đô Lương, hẳn cũng khiến vong linh những người đã khuất cùng thân nhân, và xã hội thực sự ấm lòng. Cá nhân tôi, xin được qua Báo gửi lời cảm ơn chân thành, mong một ngày không xa ước nguyện bấy lâu nay sẽ trở thành hiện thực.

Tôi biết, để xây dựng công trình sẽ sử dụng nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa nên xin có một góp ý là cần thông tin rộng rãi để huy động sự đóng góp của người Nghệ xa quê. Tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh, biết trong này có rất nhiều người Nghệ, và nhiều người trong số đó thực sự quan tâm việc xây dựng công trình tưởng niệm những người hy sinh ở vụ tai nạn ngày 3/1/1978 tại công trình cống Hiệp Hòa. Tôi tin, nếu tỉnh quan tâm, có lời kêu gọi, những người Nghệ xa quê sẽ cùng chung tay...

Nhật Lân

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/giao-huyen-do-luong-xay-dung-bia-chung-tich-cong-hiep-hoa-phuong-an-co-tinh-kha-thi-cao-post271760.html