Giáo dục kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Tăng thời lượng thực hành

Hai năm nay, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cho giáo viên, học sinh được ngành giáo dục và công an quan tâm. Việc làm này mang lại hiệu quả nhất định song để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng PCCC và CNCH thì cần tiếp tục đổi mới theo hướng tăng nội dung thực hành.

Nặng về lý thuyết

Trường học là nơi có mật độ người đông, dễ xảy ra cháy nổ, việc thoát hiểm, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ thường khó khăn, nhất là với những ngôi trường ở gần khu dân cư, cạnh những con đường hẹp. Công tác PCCC và CNCH trong trường học là một trong những nhiệm vụ được ngành giáo dục quan tâm. Năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với lực lượng công an tổ chức chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH, kết hợp lồng ghép giảng dạy trong các tiết học. Trong 2 tháng 9, 10/2023, hơn 500 trường học trong tỉnh tổ chức hoạt động ngoại khóa bồi dưỡng về PCCC, CNCH cho hơn 370 nghìn học sinh, cán bộ, giáo viên, tập trung ở các huyện Yên Thế, Việt Yên và TP Bắc Giang.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn học sinh Trường THCS Nội Hoàng (Yên Dũng) dập lửa bằng vòi phun nước chuyên dụng.

Tuy nhiên, các chương trình còn nặng lý thuyết, thời lượng trải nghiệm, thực hành không nhiều. Hoạt động ngoại khóa do mang tính đặc thù phải thực hiện dưới sự hướng dẫn của cán bộ công an nên chủ yếu chỉ gói gọn trong một tiết học. Việc học chưa đi đôi với hành khiến học sinh khó tiếp thu, chưa thể hình thành kỹ năng xử lý nếu có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường THCS Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) cho biết, năm học này, nhà trường đã phối hợp với Công an phường, Công an TP tổ chức tập huấn kiến thức PCCC và CNCH cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh. Song đây là hoạt động mới, việc tổ chức còn chưa được bài bản, quy mô, thời lượng thực hành còn khiêm tốn. Tại các buổi tập huấn, phần lý thuyết thường kéo dài hơn 30 phút, nội dung thực hành khoảng 15 phút nên toàn trường chỉ có một số học sinh, giáo viên được trực tiếp trải nghiệm.

Qua khảo sát nhanh trên địa bàn TP Bắc Giang và các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, đa phần học sinh đều không nhớ những kiến thức được truyền đạt về PCCC và CNCH. Dù mới tham gia buổi tập huấn vào tháng 9/2023 do Công an huyện Việt Yên tổ chức nhưng em Ngô Phương Trà, lớp 9A3, Trường THCS Thân Nhân Trung chỉ nhớ một chút kiến thức PCCC. Em Trà chia sẻ: “Do chương trình ngắn gọn lại chủ yếu là lý thuyết nên em chưa thể áp dụng ngay”. Không riêng Trà, cán bộ, giáo viên, học sinh của nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh cũng mong chờ các buổi ngoại khóa với thời lượng thực hành nhiều hơn.

Nhân rộng mô hình trải nghiệm

Nhận thấy bất cập trên, gần đây, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) đã thực hiện thí điểm chương trình trải nghiệm, thực hành kỹ năng chữa cháy và CNCH kéo dài 2 ngày từ 21 đến hết ngày 22/10, thu hút hàng nghìn người tham gia, chủ yếu là học sinh, giáo viên đến từ các trường học trên địa bàn TP Bắc Giang và các huyện lân cận.

Cơ quan chức năng đã bố trí cán bộ hướng dẫn học sinh thực hành cách thoát nạn khi gặp khói, khí độc; sử dụng bình chữa cháy, dập lửa với vòi nước chuyên dụng... Em Nguyễn Bảo Khánh, lớp 7B, Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (TP Bắc Giang) nói: “Lần đầu tiên tham gia hoạt động trải nghiệm chữa cháy và CNCH, em được hướng dẫn thực hành nhiều kỹ năng bổ ích. Em cảm thấy tự tin hơn, chủ động thoát nạn, báo động nếu như có tình huống cháy, nổ xảy ra”.

Ngày 11/5/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT - BGDĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, nêu rõ nội dung, phương pháp, hình thức triển khai và yêu cầu cần đạt được đối với học sinh, sinh viên ở mỗi bậc học. Ví như trẻ mầm non cần nhận biết nguồn lửa, nhiệt, biết cách phòng tránh cháy nổ, tín hiệu, phương tiện báo cháy; bậc tiểu học các em biết kỹ năng thoát nạn, sơ cấp cứu khi gặp tai nạn, sự cố…

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, bảo đảm theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và Công an tỉnh có thể nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp riêng về công tác này. Trong đó, quan tâm vận động nguồn xã hội hóa để có kinh phí tổ chức hoạt động trải nghiệm cụ thể, bài bản.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh quan tâm tổ chức mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho các cán bộ, giáo viên trường học. Từ đó, mỗi nhà trường sẽ chủ động hơn trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh về công tác này. Mỗi nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dưới nhiều hình thức, kết hợp hài hòa giữa giảng dạy tích hợp với hoạt động ngoại khóa. Tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh tích cực tìm hiểu thông tin pháp luật về PCCC.

Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thông tin, đơn vị xác định việc giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH ở trường học là giải pháp lâu dài nhằm nâng cao năng lực, ý thức PCCC. Vì thế, Phòng sẽ tiếp tục quan tâm phối hợp với các nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, thực hành với quy mô khác nhau cho học sinh ở tất cả các bậc học. Qua đó giúp giáo viên, học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng thoát nạn, chữa cháy; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người khi có cháy nổ xảy ra.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/414025/giao-duc-ky-nang-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-tang-thoi-luong-thuc-hanh.html