Giáo dục đặc biệt Việt Nam - 40 năm nghiên cứu - hợp tác và phát triển

GD&TĐ - Đó là tên Hội thảo khoa học được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hôm nay (14/11), tại Hà Nội.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các bộ, ban ngành, các đơn vị tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đặc biệt (GDDB) của Việt Nam, cùng nhìn lại và hoạch định những bước đi chiến lược trong thời gian tới cho mã ngành đặc thù này, mang lại nhiều hơn nữa cơ hội học tập, hòa nhập cho các đối tượng học sinh đặc biệt.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - đánh giá cao những đóng góp suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của Giáo dục đặc biệt Việt Nam. Bên cạnh một số những thuận lợi từ chính sách vĩ mô, sự đồng thuận cao từ xã hội, giáo dục đặc biệt còn gặp nhiều khó khăn cần các cấp, các ngành liên quan chung tay tháo gỡ.

Hội thảo tập trung thảo luận 3 vấn đề cụ thể: Các giải pháp tăng cường tính hiệu quả trong xây dựng, thực thi chính sách giáo dục trẻ khuyết tật với sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự; Nêu bật một số chủ đề cần tập trung nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng GD trẻ khuyết tật; Góp ý cho bản thảo "Kế hoạch hành động GD trẻ khuyết tật giai đoạn 2017 - 2021".

Ths. Hà Thành Vân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Hồ Chí Minh) - cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng để không trẻ nào bị bỏ lại phía sau. Các nhà trường cho trẻ chuyên biệt luôn thực hiện giáo dục theo khả năng của trẻ; theo chương trình chuyên biệt hoặc theo hướng nghiệp; Giáo dục trẻ đa tật và với tôn chỉ bất kì trẻ nào đến trường đều được tiếp nhận.

TS. Namita Jacob - chuyên gia giáo dục khiếm thị Trường quốc tế Perkins USA - nhận định: Với mục đích giáo dục cho tất cả trẻ em, Việt Nam được đánh giá là có giáo dục hòa nhập (GDHN) tốt và là là quốc gia điểm cho nhiều quốc gia khác học tập.

Perkins không chỉ quan tâm tới chỉ trẻ mù mà còn quan tâm tới trẻ mù đa tật. Trẻ khiếm thị đa tật cần sự quan tâm đặc biệt với đội ngũ giáo viên và chương trình phù hợp.

Thực tế cho thấy, Perkins đã làm việc tại Việt Nam gần 10 năm nhưng mới chỉ được 200 trẻ được hưởng dịch vụ từ các giáo viên được đào tạo. Còn rất nhiều các trẻ khiếm thị đa tật khác nữa ở cộng đồng chưa được hưởng nền giáo dục thực sự. Mọi trẻ đều có khả năng học tập và người giáo viên cần cung cấp cho trẻ cách học tập phù hợp. Giáo viên là một yếu tố quan trọng trong các mái ấm, trung tâm để giáo dục trẻ.

TS. Namita Jacob đưa ra một số đề xuất chương trình giáo dục cho trẻ mù đa tật (chương trình chức năng); Cần có chương trình chuyển tiếp chính thống để gia đình, giáo viên có thể thiết lập chương trình dạy trẻ; Cần có giáo viên trong các cơ sở chăm sóc trẻ; Cần có sự phối hợp liên ngành: giữa ngành giáo dục và các đơn vị bảo trợ; Cần thiết lập các dịch vụ cho trẻ khiếm thị đa tật.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, GS. Manabu Kuroda, Trường Đại học Ritsumaikan, Tokyo, cho biết: Từ 2007 Nhật Bản đã chuyển từ giáo dục đặc biệt sang giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Tại Nhật, hệ thống chuyển tiếp bắt đầu từ khi trẻ 6 tuổi. Hệ thống giáo dục bắt buộc đến 15 tuổi nhưng sau đó hầu hết các trẻ tiếp tục học lên cấp học phổ thông. Nhật Bản không nới rộng thời gian học. GD đặc biệt ở Nhật là hiểu khả năng của từng trẻ và đáp ứng nhu cầu của từng trẻ để hỗ trợ trẻ học tập và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

GS. Manabu Kuroda khyến nghị, để thực hiện GDĐB đạt hiệu quả cần sự hỗ trợ của kinh tế địa phương; Cần tạo sự phát triển bền vững và xã hội cần nhận thức được quyền lao động của người khuyết tật.

Theo ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo GD trẻ khuyết tật (Bộ GD&ĐT): GDĐB trong nhiều năm qua đã có nhiều thành tựu, 40 năm vượt qua rất nhiều thử thách, rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục phát triển.

GDĐB VN đã có nhiều thành tựu quan trọng, những năm gần đây VN đã có những VB quy phạm pháp luật, có luật người khuyết tật, năm đây chúng ta đã có Ủy ban quốc gia người khuyết tật.

Đánh giá cao sự cố gắng của Trung tâm nghiên cứu GDĐB, các trường sư phạm có khoa GDDB, ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên. ông Nguyễn Đức Hữu cũng cho biết, việc thực thi những chính sách ở địa chỉ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những nguyên nhân khách quan, cần phải có sự phối hợp các ban ngành. GDHN hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chúng ta cần quan tâm.

Trong thời gian tới, định hướng của ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật là: Tăng cường nghiên cứu các công trình khoa học về GDĐB và có những công bố quốc tế.

Đối với các học viện, các trường ĐH Sư phạm có khoa GDĐB: xây dựng chương trình đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Các đơn vị triển khai: ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu vào thực tế....

Các tổ chức quốc tế: truyền đạt thêm kinh nghiệm, trao đổi, chia sẻ thêm, hỗ trợ bằng nhiều cách, tạo điều kiện để chúng ta có thể tiếp cận được những thành tựu của quốc tế. Chương trình mới phải có hướng tiếp cận phù hợp với người khuyết tật để các em học sinh có nhu cầu GDĐB được hưởng lợi nhiều hơn nữa.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-dac-biet-viet-nam-40-nam-nghien-cuu-hop-tac-va-phat-trien-2559382-v.html