Giao dịch trên Cổng dịch vụ công được xác thực điện tử

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1080/QĐ-BCT về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương năm 2024. Theo đó, năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu toàn bộ giao dịch trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Được biết, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Công Thương được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Cùng với đó, tích hợp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tối thiểu 45%.

Đảm bảo tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đạt 90%; các hệ thống thanh toán của Bộ Công Thương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu Quốc gia không phải cung cấp lại.

Toàn bộ kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực được số hóa trên môi trường điện tử. Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương; 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và giữa Bộ Công Thương với các cơ quan Nhà nước khác được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký Số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, 90% hồ sơ công việc tại Bộ Công Thương được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước. 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Công Thương theo phân cấp quản lý được lưu trữ, quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử.

Tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt các giải pháp bảo vệ. Tối thiểu 30% hoạt động kiểm tra của Bộ Công Thương được thực hiện thông qua môi trường Số và hệ thống thông tin điện tử. 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu đã thống nhất với Bộ Tài chính được tích hợp lên Cơ chế một cửa Quốc gia.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương đưa ra những giải pháp thực hiện, trong đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về Chính phủ điện tử, Chính phủ Số nói chung và Bộ Công Thương Số nói riêng, các hoạt động của Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi Số và Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi Số của Bộ Công Thương.

Đồng thời, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các kênh thông tin của Bộ, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/giao-dich-tren-cong-dich-vu-cong-duoc-xac-thuc-dien-tu-430090.html