Giao cảm

Có những điều thoáng qua, nhỏ bé, tưởng chừng như quá đỗi bình thường, đơn giản, vậy mà nó đã gõ vào tâm thức của tôi và cho tôi những biến đổi rất lớn trong cách nhìn, cách sống và suy nghĩ. Nó làm lay động nơi sâu thẳm của tâm hồn và đóng một dấu ấn sâu đậm không bao bao giờ quên trong lòng mình.

Nhớ lần đi triển lãm ở Singapore, giờ rảnh rỗi tôi đi tản bộ thư giãn ở công viên, bỗng thấy có vật gì động đậy dưới chân, nhìn xuống thấy mấy con chim sẻ, con sáo đen mỏ vàng lích chích bên cạnh, lạ quá! Tôi giơ tay ra chúng cũng chẳng sợ, không bay đi, tôi đứng lên đi tiếp, nhìn quanh thấy cây cối vườn cỏ mướt một màu xanh rờn, mát mẻ, sạch sẽ, không một cọng rác. Người đi bộ thanh thản, chim muông cũng thanh thản đi dưới chân kiếm mồi và hót líu lo. Bình thản đi bên nhau, con người, hoa cỏ, cây cối chim muông tin cậy, chẳng có điều gì nguy hiểm rình rập ẩn náu bên trong.

Lại nhớ lần sang Nga triển lãm, ở Moskva, trời lạnh âm 4 - 50C. Ngoài đường ôtô kín đặc đi từng dòng như một dòng sông im lìm, lừ lừ trôi lặng lẽ. Tôi đi thăm điện Kremlin, Lăng Lênin, nhà thờ… Lạnh quá tạt vào một quán cà phê ngồi, trong quán người đông nghẹt, tiếng nói chuyện thì thầm, râm ran, trai thanh nữ tú, quần áo thời thượng, thấp thoáng mấy ông bà già áo măng tô, mũ khăn kín cổ, người ngồi ngoài trời, người ngồi trong nhà. Nhìn xuống dưới chân mọi người, lạ quá, từng mảng màu đen, nâu, xám, trắng xao động dưới chân họ kín đặc. Sao mọi người có thể ngồi trên một đống rác bẩn thế nhỉ? Lại gần nhìn kỹ, hóa ra không phải rác mà là từng bầy chim sẻ, hàng mấy trăm con bu kín dưới chân kêu ríu rít.

Trước cổng nhà ga Kharkov, những ngày đang có chiến sự ở miền Đông Ukraina.

Ảnh: Y Trang (chụp ngày 13.10.2014).

Vụn bánh rơi đầy sàn, kể cả người vừa ăn vừa bẻ vụn bánh vứt xuống cho đàn chim ăn. Tôi thật sự kinh ngạc. Bên trên người ngồi ăn uống chuyện trò vui vẻ, dưới chân họ kín đặc một đàn chim hàng trăm con cũng ăn vui vẻ bên dưới. Vào bên trong ngồi ấm áp hơn, gọi cà phê và bánh, lặng nhìn khung cảnh kỳ lạ này, tôi bẻ mấy vụn bánh vứt xuống sàn, đàn chim tiến tới bâu kín dưới chân tôi. Tôi và đàn chim cùng nhau thưởng thức một buổi sáng trong sự chia sẻ, tin cậy và bình yên đến kỳ lạ.

Rồi tôi lại nhớ chuyến đi sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của con gái. Buổi sáng thức dậy thấy ngoài cửa có tiếng động, nhìn ra thấy hai con sóc đang đứng ở bệ cửa nhìn vào, mắt mở tròn xoe, hai chân chắp trước ngực, lặng nhìn tôi chăm chăm. Con tôi nói, “Nó đến ăn sáng ạ, có mấy loại hạt con để trên tủ, mẹ lấy ra cho chúng nó ăn dùm con”. Tôi cho hạt cho vào miệng sóc, chúng vừa ăn vừa mở mắt tròn xoe, lau láu nhìn tôi chăm chú, có lẽ nó thấy lạ vì người cho nó ăn không phải là con gái tôi như mọi khi.

Chúng tôi cùng nhau đến trường dự lễ tốt nghiệp của con gái. Hai bên đường cỏ xanh mướt, hoa rực rỡ, trong hồ vịt trời bơi lội tung tăng, chim muông đi lại dưới cỏ và bay lượn trên trời, thi thoảng thấy lấp ló những cặp mắt tròn xoe, đầy háo hức tìm tòi của những con sóc vừa chạy nhảy mải mê kiếm ăn, vừa lau láu nhìn người qua lại. Thanh bình, sạch sẽ, tĩnh lặng. Cảm thấy như mình đi lạc vào xứ sở thần tiên nào.

Tôi đã đi nhiều nước, ở nơi nào cũng có thật nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng hôm nay chỉ muốn nói một chút về những điều tưởng như bình thường nhất, vậy mà không phải ở đâu cũng thế. Từ Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ… đến các nước Châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Myanmar… Gần như đi đâu tôi cũng thấy con người trân trọng, yêu thương và mở lòng mình ra với thiên nhiên, muông thú. Ở nước nào tôi cũng thấy vịt trời bơi lội tung tăng dưới hồ. Chim chóc muông thú ở cạnh con người, tin cậy chẳng sợ hãi và mọi người cũng ý thức tự nhiên, hòa đồng sống cùng thiên nhiên…, dù đó là khu trung tâm thành phố sầm uất, dân cư đông đúc hay những khu yên tĩnh, xanh um cây cối hoa cỏ.

Tôi cũng đã đến Tokyo - Nhật Bản - tới nhà ga Shibuya thăm tượng chú chó Hachiko. Một câu chuyện cảm động giữa giáo sư Fijaburo Ueno và chú chó Hachiko. Hàng ngày cứ 5 giờ sáng chú chó theo ông đi tới nhà ga này để tiễn ông lên tàu đi làm. Cuối giờ chiều Hachiko đón ông để cùng về nhà. Có một buổi sáng cùng nhau đến nhà ga, Giáo sư Fijaburo Ueno lên tàu đi làm như mọi khi và đó là chuyến đi cuối cùng vì ông bị đột quỵ và không bao giờ về nhà được nữa. Suốt 9 năm, ngày nào đúng giờ chú chó cũng ra ga ngồi đợi ông, cùng một thời điểm, cùng một vị trí, cho đến khi chuyến tàu cuối cùng lăn bánh mới thôi. Dù mưa bão, nắng như thiêu, hay tuyết rơi, ngày nào cũng đúng giờ Hachiko đến nhà ga đợi ông Ueno cùng về. 8 năm sau một bức tượng của chú được dựng lên để tôn vinh lòng trung thành, tình bạn, lòng tin cậy, sự hòa đồng giữa con người và loài vật. Lễ khánh thành bức tượng cũng có mặt Hachiko, một năm sau, vừa tròn 9 năm chờ đợi, trong đêm mưa gió tháng 3.1935 người ta thấy chú nằm bất động, lạnh ngắt trên sân ga. Chú đã ra đi để gặp ông chủ của mình. Tượng của chú chó Hachiko còn được dựng ở quê hương chú bên ngoài ga Odate lối ra ga, được đặt tên Hachiko. Một bức tượng ở Bảo tàng Akita (Bảo tàng tự nhiên và khoa học), và ở Tokyo còn có tượng chú chó Hachiko chơi đùa cùng giáo sư Fijaburo Ueno.

Tôi đã hòa cùng đoàn người, buổi tối leo lên đỉnh núi, chân đi đất, mặc xà rông dài chấm gót để đi lên chùa vàng ở thành phố Rangoon - Myanmar. Đoàn người tay cầm hoa, lễ vật, tất cả đều đi chân đất, nhẹ nhàng đi lên chùa, chùa vàng lộng lẫy, rực rỡ, to rộng, sạch sẽ, tĩnh lặng, uy nghiêm. Có những nhà sư ngồi thiền trong im lặng, mọi người đi lại thắp nến, dâng hoa, tiếng tụng kinh vang trầm ấm, nhiều gia đình trai thanh nữ tú, ông già, bà già vào chùa ngồi im lặng thì thầm dăm câu chuyện. Tất cả thật bình yên, tĩnh lặng, con người đi lại, đứng ngồi thanh thản, hòa mình vào sự trầm mặc tôn nghiêm linh thiêng của Phật, của niềm tin, của một điều gì đó thanh cao, thiêng liêng vượt ra khỏi những bon chen đời thường.

Tôi đã đi nhiều nơi và mỗi nơi đều để lại những dấu ấn không quên trong lòng. Với sự cảm nhận sâu sắc và những câu hỏi được đặt ra để tự mình tìm câu trả lời. Khi nhìn thấy từng đàn vịt trời bơi lội bình yên tung tăng trên các hồ nước ở bên Mỹ, tôi đã nói với con gái, “Con à, nếu đàn vịt này ở Việt Nam, chắc chắn sẽ bị bắt hết về nấu xáo măng, bún vịt rồi”.

Giữa thủ đô Moskva sầm uất, đông nghẹt người qua lại, chim sẻ ríu rít dưới chân người cùng nhau ăn uống vui vẻ không một chút sợ hãi. Nếu ở Việt Nam chúng sẽ bị bắt và làm rô-ti rồi. Giữa thành phố Paris, Luân Đôn, Madrid, New York… bồ câu đi lại, bay lượn rợp trời, trong công viên cây cối hoa cỏ rực rỡ, chim chóc, hươu nai, sóc…

Ở TP Hồ Chí Minh trên đường 3/2 bên cạnh rạp hát Hòa Bình, có một ngôi chùa, mỗi sáng cứ khoảng 9 giờ có một người phụ nữ đi xe tới, trên xe chở một thùng lúa gạo, vừa thấy bóng người phụ nữ này, không biết ở đâu hàng đàn chim bay tới, sà xuống hân hoan, ríu rít. Bà vãi lúa gạo xuống sân, lũ chim sà xuống mổ ăn, bà đứng giữa đàn chim trông thật bình thản và toát lên một niềm an lạc sâu thẳm. Đợi lũ chim ăn xong, bà lại lên xe sang chùa khác cho đàn chim khác ăn. Người phụ nữ nói khi có việc phải đi xa, lòng bứt rứt nôn nóng vô cùng. Bà nói chỉ cần bà đi xe gần đến nơi, không biết từ đâu hàng đàn chim đã dập dìu bay tới đợi bà. Bà cảm thấy thật sự bình yên vui vẻ và hạnh phúc khi làm điều này, hỏi bà đã làm được bao lâu rồi, bà nói đã được năm, sáu năm rồi.

Hóa ra ngay cả cỏ hoa, cây cối, muông thú tưởng là vô tri, cũng hiểu rằng khi chúng ta mở lòng thương yêu chúng, chúng cũng tin cậy, mở lòng gần gũi yêu mến chúng ta. Cảm giác sợ hãi không còn nữa, chỉ còn lại thân mến, gần gũi, yên bình, tin tưởng, yêu thương. Mở lòng ra để cho đi, và khi đó ta bỗng hiểu rằng chúng ta cũng nhận được rất nhiều. Sự cảm thông, chia sẻ, tin cậy, yêu thương và bình yên trong lòng.

Nhiều người tưởng rằng cây cối hoa cỏ, muông thú gần như vô tri vô giác, không hiểu biết, nhưng nhìn ngắm những điều trên, trong rất nhiều cuộc hành trình từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, tôi đã học được một bài học tưởng như rất đơn giản mà lớn lao biết ngần nào cho cuộc sống của mình. Một cánh cửa của nhận thức đã mở ra cho tôi hiểu, chạm sâu vào tâm hồn, vào đáy lòng tôi. Hóa ra khi chúng ta mở lòng mình với tràn đầy tình yêu thương, tin tưởng, không hận thù, không bon chen, không tranh giành, trong một tâm thái yên bình thì trời đất, có lẽ con người, cỏ hoa cây cối, chim muông, đến cả thú dữ cũng đến gần ta, yêu thương ta và tin cậy ta. Và lòng ta lúc đó sao bình yên đến vậy.

Ngộ được điều ấy, lòng tôi bỗng thấy tĩnh lặng, thanh thản thật nhiều, giũ bỏ được bao mối bận tâm khổ sở, buồn chán, giận hờn trong lòng để buông bỏ tha thứ, yêu thương và gìn giữ những điều tốt đẹp, nâng niu trân trọng nó trong cuộc đời của mình.

Ước sao một ngày nào đó đi trên phố, hay trong công viên ở Việt Nam, chim muông đi lại hót ríu rít dưới chân mình, rực rỡ hoa cỏ xanh mướt trên hồ vịt trời bơi lội tung tăng, ngồi ở quán ăn, hay quán cà phê trên phố, một bầy chim sẻ tin cậy ríu rít dưới chân mình cùng chia sẻ niềm vui, niềm tự hào trong tình yêu thương là đã được sinh ra và sống cùng nhau trên trái đất này.

Ước sao gia đình hòa hợp, cha mẹ anh chị em yêu thương nhau, con người đối xử với nhau bằng tình yêu thương, chia sẻ lòng chân thành, tôn trọng. Mở lòng mình ra để đón nhận cũng là mở lòng ra để cho đi, thì cuộc đời này tuyệt vời biết ngần nào.

NGUYỄN THỊ HIỀN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/giao-cam-631892.bld