Gian nan xuất ngoại thực phẩm truyền thống Việt

Vừa phải 'đội' giá thành, vừa mất thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để một vài loại gia vị, đặc sản gia truyền hoàn tất những điều kiện khắt khe rồi mới xuất qua được Mỹ hay Nhật Bản. Không chỉ gian nan xuất ngoại, việc công nghiệp hóa những thực phẩm truyền thống Việt nhằm phục vụ xuất khẩu cũng là cả thách thức lớn, nhất là khi truyền thông ảo làm cho người tiêu dùng chưa hiểu đúng về chất bảo quản.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Sông Hương Foods, cho biết phải mất cả năm trời mới có thể xuất khẩu (XK) chính ngạch các loại cà pháo lên men truyền thống vào thị trường Nhật Bản. Nhất là phải lo làm những các chất bảo quản đúng theo quy định nhằm giữ cho trái cà pháo không bị hỏng. Do tốn nhiều thời gian nên "đội" giá thành sản phẩm lên khá cao khi xuất đi.

Vừa "đội" giá thành, vừa tốn thời gian

Chưa kể, do đây là món thực phẩm truyền thống của Việt Nam, khi xuất sang Nhật chủ yếu nhắm đến kiều bào và những người lao động Việt đang làm việc ở đây, nên thường phải bán với mức giá rẻ để phù hợp túi tiền của họ.

Việc công nghiệp hóa những thực phẩm truyền thống của Việt Nam để phục vụ XK là cả thách thức lớn, nhất là liên quan đến chất bảo quản.

“Mặc dù vậy, chúng tôi quyết tâm xuất món cà pháo đi Nhật để khẳng định rằng với một thị trường khó tính như vậy nhưng công ty vẫn có thể thâm nhập, được đón nhận. Cho nên tin rằng người tiêu dùng sẽ hiểu và việc tiêu thụ sẽ tốt hơn”, ông Tuấn nói.

Không chỉ xuất cà pháo lên men đi Nhật, từ cuối năm ngoái, Sông Hương Foods còn mang các loại đặc sản thực phẩm gia truyền của Việt Nam như mắm tôm Bắc, mắm ruốc Huế, cùng các loại bánh truyền thống như bánh nậm, bánh lọc để XK theo đường chính ngạch (với trị giá lô hàng khoảng 200.000 USD) đến thị trường Mỹ để phục vụ cho các kiều bào và người tiêu dùng Mỹ.

Doanh nghiệp (DN) này đã hợp tác cùng nhà phân phối là Công ty CTWS Group Distribution (nhà phân phối với hơn 200 điểm bán, có mặt ở 32 tiểu bang của Mỹ). Từ lúc hai bên kết nối cho đến khi xuất được container hàng đầy đủ giấy chứng nhận FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) phải mất gần 6 tháng. Các đặc sản truyền thống xuất đi Mỹ này có hương vị đồng nhất với sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam, chỉ thiết kế bao bì là khác biệt.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm bàn về ẩm thực truyền thống do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 12/4, ông Tuấn nói rằng để nhập chính ngạch vào thị trường Mỹ, tất cả các sản phẩm mắm, bánh lọc, bánh nậm đã trải qua các “cửa ải” như phải tuân thủ các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận của FDA…

“Chúng tôi phải tuân thủ nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm mới được nhập vào Mỹ, như với mắm tôm chua phải không có dư lượng kháng sinh, phải có giấy xét nghiệm tôm nguyên liệu không bị nhiễm kháng sinh, tôm tươi phải được tuyển chọn kĩ, thịt chắc, dai…”, ông Tuấn nói.

Đáng chú ý, nhà phân phối CTWS Group xác nhận từ trước đến nay, chưa một công ty nào nhập chính ngạch mắm và đặc sản gia truyền đầy đủ giấy chứng nhận FDA nhiều như vậy vào Mỹ. Nhìn về triển vọng đầu ra nên CTWS Group đã ký kết hợp đồng lâu dài, độc quyền phân phối những loại thực phẩm truyền thống này trên khắp nước Mỹ, với giá trị hợp đồng hàng năm hơn 1 triệu USD.

Lo hiểu sai về chất bảo quản

Không chỉ gian nan trên con đường xuất ngoại như vậy, việc công nghiệp hóa những thực phẩm truyền thống của Việt Nam để phục vụ XK cũng là cả thách thức lớn, nhất là liên quan đến chất bảo quản.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thế Thành, nếu muốn công nghiệp hóa các loại thực phẩm truyền thống, các DN xin đừng chạy theo “thời thượng”. Tức là thay vì tẩy chay chất bảo quản theo xu hướng đám đông cho rằng độc hại thì nên dùng chất bảo quản theo đúng liều lượng quy định cho phép, tuyệt đối không vượt ngưỡng.

“Việc tạo ra những thông tin sai lệch về chất bảo quản dẫn đến gây khủng hoảng cho người tiêu dùng, để hướng họ tới việc tiêu thụ một sản phẩm khác mà người ta muốn tiếp thị là “trò chơi không đẹp” đối với thực phẩm truyền thống”, ông Thành lưu ý.

Để người tiêu dùng tin tưởng vào những thực phẩm truyền thống được sản xuất theo phương thức công nghiệp hóa, theo chuyên gia này, những quy định về an toàn thực phẩm trong nước đã có thì các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm kiểm tra những nơi sản xuất có thực hiện đúng quy định hay không.

Trên thực tế, những quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là khá đầy đủ, nhưng việc tuân thủ của các DN sản xuất và khâu quản lý thì vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế cần khắc phục.

Xét về bất lợi cho công nghiệp hóa thực phẩm truyền thống, như băn khoăn của chuyên gia Vũ Thế Thành, sức mạnh của truyền thông ảo rất kinh khủng, từ việc các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh đã mời các youtuber, facebooker, KOL (những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) cho đến một số vị tiến sĩ, bác sĩ để phát biểu với quan điểm cá nhân một cách tùy hứng phản khoa học về chất bảo quản.

Và chính điều này làm cho người tiêu dùng hiểu sai về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm truyền thống.

Còn đứng ở góc độ của DN đang công nghiệp hóa đối với một số loại đặc sản Việt để phục vụ thị trường trong nước và XK, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn nhấn mạnh bản thân chủ DN và người lao động trong DN phải xác định “những sản phẩm làm ra là cho chính bản thân mình ăn, nếu làm sai quy định của công ty và của Nhà nước thì người đầu tiên "chết" trước là ông chủ và người lao động trong công ty”.

Từ ý thức như vậy, như chia sẻ của vị tổng giám đốc này, để XK thực phẩm truyền thống Việt đi khắp nơi trên thế giới thì có 3 điều mà DN cần lưu tâm. Thứ nhất là phải đạt được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Thứ hai là thị trường quốc tế có chấp nhận hay không. Thứ ba là chính bản thân người làm ra sản phẩm phải dùng trước để mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/gian-nan-xuat-ngoai-thuc-pham-truyen-thong-viet-1091956.html