Giảm tỷ lệ hộ nghèo nhờ thực hiện tốt chương trình 1719

Những năm qua, huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã kịp thời chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, nhằm thực hiện có hiệu quả, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đưa Tân Sơn thoát khỏi huyện nghèo.

Triển khai thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn, huyện Tân Sơn đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023.

Thực hiện Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” trong Chương trình mục tiêu Quốc gia góp phần giúp người dân huyện Tân Sơn tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Huyện đã kiện toàn công tác tổ chức chỉ đạo, quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể tới các thành viên, các cơ quan, đơn vị. Xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành, quản lý thực hiện Chương trình cấp huyện đảm bảo thời gian. Tổng vốn đầu tư giai đoạn này là trên 343,5 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương trên 312 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh là trên 31 tỉ đồng.

Sau thời gian triển khai, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu, huyện Tân Sơn đã đạt được nhiều kết quả. Tỉ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,53% năm 2015 xuống còn dưới 10% năm 2020. Hết năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi là 16,37%, giảm được 1,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo vùng DTTS và miền núi còn 9,03%, giảm được 1,5%; tỉ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm được 1,92% (kế hoạch tỉnh giao 3%), đạt 64% so với kế hoạch. Các lĩnh vực như: Giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; y tế và chăm sóc sức khỏe vùng DTTS và miền núi được quan tâm, chú trọng hỗ trợ y tế cơ sở, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người dân; số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm trên 6.000 người (trong đó xuất khẩu lao động đạt trên 1.000 người) tăng 41,5% so với giai đoạn trước… Số khu dân cư đủ tiêu chí ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn được 9/18 khu, đạt 50% kế hoạch giai đoạn I.

Một số dự án, tiểu dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS... được triển khai thực hiện tốt. Đã có 199 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở; 595 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề được hỗ trợ; 142 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; dự kiến bố trí ổn định dân cư cho 60 hộ dân tại dự án bố trí cấp bách bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Nhàng, xã Kim Thượng; hỗ trợ khoán 5.572ha cho các hộ, nhóm hộ bảo vệ rừng…

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-ty-le-ho-ngheo-nho-thuc-hien-tot-chuong-trinh-1719-post278224.html