Giảm thiểu TNGT vẫn còn nhiều thách thức

Thời gian gần đây trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, làm nhiều người chết, nhiều người bị thương, hư hại tài sản của nhân dân và Nhà nước, gây tâm lý bất an cho xã hội. Đã có nhiều giải pháp đồng bộ được đưa ra qua các kỳ họp, tổng kết của Chính phủ, của ngành Giao thông, tuy nhiên tình trạng TNGT vẫn không giảm là bao, có khi năm sau còn cao hơn năm trước. Rõ ràng câu chuyện giảm thiểu TNGT vẫn còn nhiều thách thức.

Công an huyện Đoan Hùng tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông tại Trường THCS Phong Phú, xã Phú Lâm.

Cảm giác mất an toàn khi lưu thông trên đường ngày một trở thành nỗi ám ảnh, phấp phỏng không của riêng ai, bởi TNGT có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Tin tức về những vụ TNGT, nhất là TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều người phải chịu tàn phế suốt đời liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng: Ngày 31/10, tại Km70+830, Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Rừng Cấm- Chằm Non, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng, làm 5 người chết, 11 người bị thương. Ngày 30/9 trên quốc lộ 20 thuộc địa bàn xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng làm 5 người chết, 4 người bị thương. Ngày 12/8 trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã xảy ra va chạm giữa hai xe tải và một ô tô con khiến 3 người chết, 1 người bị thương...

Sau những vụ TNGT, các cơ quan chức năng đều vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra cách phòng tránh nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó. Trong Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các địa phương là các địa phương có TNGT đặc biệt xảy ra thì đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông phải trực tiếp chủ trì hội nghị liên ngành, có các cơ quan chức năng liên quan, có cả những nhà chuyên môn để đánh giá, phân tích một cách hết sức thấu đáo những nguyên nhân trực diện, những nguyên nhân gốc dẫn đến vụ việc. Sau đó, đồng chí Chủ tịch phải kết luận những giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục. Đồng thời cũng phải chỉ ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dẫn đến vụ việc.

Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tháng 10/2023 (tính từ ngày 15/9 đến ngày 14/10), toàn quốc xảy ra 1.491 vụ TNGT, làm chết 731 người và làm bị thương 1.171 người. So với tháng cùng kỳ năm 2022 tăng 568 vụ (61,54%), tăng 202 người chết (38,19%), tăng 561 người bị thương (91,97%). Trong đó, đường bộ xảy ra 1.476 vụ TNGT, làm chết 720 người, bị thương 1.167 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 560 vụ (61,14%), tăng 197 người chết (37,67%), tăng 557 người bị thương (91,31%).

Đường sắt xảy ra 13 vụ, làm chết 11 người, bị thương 2 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 8 vụ (160%), tăng 6 người chết (120%), tăng 2 người bị thương.Tính chung trong 10 tháng năm 2023 (từ ngày 15/12/2022 đến 14/10/2023), toàn quốc xảy ra 9.826 vụ TNGT, làm chết 5.496 người, bị thương 6.973 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tăng 478 vụ (5,11%), tăng 142 người chết (2,65%), tăng 777 người bị thương (12,54%).

Số liệu thống kê liên quan đến TNGT đang khiến tất cả chúng ta phải đau lòng. TNGT đã để lại những nỗi đau cho người ở lại, không chỉ gia đình, người thân của họ chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cùng đau nỗi đau chung, kéo theo đó là hàng loạt những hệ lụy khác như đói nghèo, bệnh tật...

Công an huyện Thanh Thủy kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua TNGT của nước ta cơ bản đã được kéo giảm về cả ba mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương). Dù những con số thống kê vẫn chưa thực sự làm hài lòng tất cả nhưng không thể phủ nhận rằng, nhận thức về tác hại từ TNGT đã dần in sâu vào tâm trí của hàng triệu người dân Việt.

Hàng loạt những giải pháp từ vi mô đến vĩ mô đã được áp dụng trên phạm vi cả nước với mong muốn hạn chế thấp nhất những thiệt hại do TNGT mang lại như: Nhà nước đã ban hành Luật Giao thông và những nghị định về an toàn giao thông một cách khắt khe hơn, xử phạt nặng về kinh tế các trường hợp vi phạm. Xây dựng và cải tạo nhiều công trình giao thông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông trên nhiều trục quốc lộ, tỉnh lộ và nội thành...Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đào tạo và cấp bằng lái xe ô tô, mô tô, xe gắn máy; quy định tiêu chuẩn phù hợp đối với người điều khiển phương tiện ô tô siêu trường, siêu trọng và xe chở khách; thực hiện giám sát thường xuyên, có chế tài xử phạt đủ mạnh với các đối tượng sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông, với các đối tượng sử dụng xe ô tô chở quá khổ, quá tải; giám sát chặt chẽ công tác xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình cầu - đường giao thông...

Thế nhưng vẫn còn đó hàng loạt những bất cập khiến cho TNGT dù có giảm nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. TNGT xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu: Do sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệpvẫn chưa được cải thiện nhiều (lỗi thường gặp là người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường; chuyển hướng không đảm bảo an toàn; điều khiển phương tiện không đảm bảo giữ khoảng cách, vượt không đúng quy định và vi phạm tốc độ...).

Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng giao thông tuy đã được chỉnh trang, sửa chữa, mở rộng nhưng vẫn còn nhiều đoạn đường nhỏ hẹp so với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, vỉa hè thì bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh bán hàng, để xe ô tô dẫn tới tình trạng người điều khiển giao thông bị khuất tầm nhìn, nhiều đoạn đường xuống cấp quá nhanh có nguy cơ tiềm ẩn TNGT....

TNGT đã, đang và sẽ là một trong những thảm họa không chỉ của Việt Nam mà của cả toàn thế giới. Chính vì vậy năm 1993 tổ chức Hòa bình Đường bộ đã khởi xướng “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ” trên phạm vi toàn cầu.

Đến năm 2005 Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT).

Nước ta hưởng ứng ngày này hàng năm bằng chuỗi các hoạt động tưởng niệm thể hiện sự tiếc thương dành cho những người không may. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biến sự thương tiếc ấy thành động lực mạnh mẽ, để cùng nghĩ và hành động quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế thấp nhất những vụ TNGT, mang đến sự an toàn không chỉ cho mình mà cho cả cộng đồng.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-phong-an-ninh/giam-thieu-tngt-van-con-nhieu-thach-thuc/201465.htm