Giám đốc Sở TN-MT tắm biển để khẳng định "biển Đà Nẵng an toàn"!

Chiều 29/4 và sáng nay 30/4, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cùng nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Sở đã liên tục đi tắm ở khu vực biển Phạm Văn Đồng để khẳng định “biển Đà Nẵng an toàn”!

Thực tiễn là số 1

Sáng 30/4, một bạn đọc gọi điện cho chúng tôi báo tin "hình như" ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng đang tắm ở khu vực biển Phạm Văn Đồng.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng (giữa) cùng các cán bộ chủ chốt của Sở... (Ảnh: HC)

Để kiểm chứng, chúng tôi gọi điện cho ông Nguyễn Điểu nhưng không thấy ông nghe máy. Hỏi lại bạn đọc thì được biết anh thấy người “hình như là ông Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng” đang tắm ở bãi tắm Temple nên chúng tôi liền chạy ra đây.

Không còn nghi ngờ gì nữa! Ông Nguyễn Điểu đang cùng một số cán bộ chủ chốt của Sở TN-MT Đà Nẵng và các đơn vị trực thuộc như Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Kỹ thuật môi trường... và cả một số anh em, bạn bè công tác ở Truyền hình cáp Sông Thu, VTV 8, doanh nghiệp... đang tắm ở đó!

...và một số anh em, bạn bè tắm ở khu vực biển Phạm Văn Đồng sáng 30/4 (Ảnh: HC)

Khi ông Điểu lên bờ, khi chúng tôi hỏi ông đôi điều thì ông đáp ngay: Chiều hôm qua bọn tôi cũng đã ra đây tắm biển rồi. Mình đi tắm biển để khẳng định mình là người làm công tác môi trường, cảm nhận được môi trường nước thế nào. Qua đó minh chứng cho người dân và du khách thấy rõ thêm là những người này ra biển tắm hàng ngày, nên khi họ nói “biển Đà Nẵng an toàn” thì không chỉ là lý luận mà còn là thực tiễn!”.

Giải thích thêm về hai chữ “thực tiễn” mà mình vừa đề cập, ông Nguyễn Điểu nói: “Chúng tôi không chỉ phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm mà còn chứng minh bằng thực tế ngoài hiện trường, để mọi người thấy những kết quả mà chúng tôi công bố không phải là giả tạo, không phải nói mồm. Nếu biển Đà Nẵng bị nhiễm độc thì chúng tôi đi tắm làm gì? Chúng tôi đi tắm từ chiều hôm qua tới giờ có vấn đề gì đâu?”.

“Trước đây ông có hay đi tắm biển vào sáng sớm như vậy không?” – chúng tôi hỏi. Ông Nguyễn Điểu trả lời: “Mọi ngày xong việc là tôi phải về quê với mẹ già trong Hội An, làm sao đi tắm biển buổi sáng sớm được. Nhưng mấy ngày nay tôi ở lại Đà Nẵng để sát cánh với người dân, với du khách chứ không thể bỏ được. Để họ thấy những người làm công tác môi trường ở Đà Nẵng lăn xả vào với biển, chứ mình bỏ đi thì nói làm gì!”.

Người dân và du khách tắm ở khu vực biển Phạm Văn Đồng sáng 30/4 vẫn rất đông (Ảnh: HC)

Đàn cá mòi chết trôi dạt vào bờ là do xung điện, nổ mìn

Về thông tin chiều 29/4, người dân tiếp tục phát hiện cá chết trôi dạt vào vùng biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu), Xuân Hà (quận Thanh Khê)..., ông Nguyễn Điểu cho hay, từ hôm qua đến sáng nay, ông cùng các lãnh đạo chủ chốt của Sở TN-MT và các đơn vị chức năng trực thuộc Sở đã đi kiểm tra cụ thể suốt dọc bờ biển Đà Nẵng.

Qua đó, ông được người dân phản ảnh, đêm hôm trước có hai tiếng nổ do một số người sử dụng xung điện, đánh mìn để đánh bắt cá ở khu vực Nam Ô. Cá chết trôi dạt vào bờ là một đàn cá mòi. “Chúng tôi đã đề nghị lực lượng biên phòng tập trung kiểm tra, xử lý việc nổ mìn đánh bắt cá trên biển vào ban đêm. Chứ còn không có hiện tượng cá chết do nhiễm độc. Nếu chết vì nhiễm độc thì có nhiều loại chứ sao lại chỉ chết riêng một đàn cá mòi?” – ông Nguyễn Điểu nói.

“Tuy nhiên cũng theo phản ánh của người dân thì chiều hôm qua, ở khu vực biển này có xuất hiện cả nhiều xác cá chình biển, xanh xương, mực... đã phân hủy, biến dạng rất mạnh, trong đó có cả một số con cá rất to, nặng đến hơn 10 kg đã thối rữa. Ông giải thích về vấn đề đó như thế nào?” – chúng tôi đặt câu hỏi.

Cá chết trôi dạt vào bãi biển Xuân Hà chiều 29/4 được công nhân vệ sinh môi trường thu gom... (Nguồn ảnh: FB Đỗ Văn Trung)

Ông Nguyễn Điểu trả lời: “Chúng tôi khẳng định số cá chết đó là từ vùng biển phía ngoài Huế trôi vào, chứ không có chuyện cá ở biển Đà Nẵng chết bất thường như thế. Ngư dân ở vùng biển Nam Ô, Xuân Thiều, Xuân Hà... biết rất rõ điều đó và vẫn đánh cá, kéo lưới bình thường. Chúng tôi có hai tổ trực, một ở khu vực Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn thì hoàn toàn không có hiện tượng gì hết. Chỉ còn chỗ Xuân Thiều, Xuân Hà hôm qua lác đác ít con thì đã vớt hết rồi. Và chúng tôi khẳng định một lần nữa là đàn cá mòi chết trôi dạt vào bờ chiều hôm qua là do nổ mìn, xung điện chứ không phải do nhiễm độc!”.

“Như ông vừa nói, có hiện tượng cá chết ở vùng biển Bắc Trung bộ trôi vào Đà Nẵng. Có ý kiến cho rằng nếu cá chết từ vùng biển ngoài kia trôi vô được Đà Nẵng thì độc chất (nếu có) trên vùng biển đó cũng có thể theo dòng hải lưu mà trôi vào tới trong này. Ý kiến của ông về điều đó như thế nào?” – chúng tôi hỏi thêm.

...là cá mòi, bị chết do một số người sử dụng xung điện, nổ mìn đánh bắt cá vào đêm hôm trước (nguồn ảnh: FB Đỗ Văn Trung)

Ông Nguyễn Điểu khẳng định: “Đúng là cũng có một số ý kiến đặt vấn đề như vậy, nhưng cá do ngư dân đánh bắt từ dưới biển ở khu vực Xuân Hà, Xuân Thiều thì không bao giờ có hiện tượng cá chết. Còn cá chết trôi dạt vào khu vực biển Xuân Thiều, Nam Ô là cá chết trôi dạt theo hướng từ Huế vào. Tuy nhiên các mẫu nước ở khu vực Xuân Thiều, Nam Ô cũng như nhiều khu vực biển khác của Đà Nẵng mà chúng tôi lấy liên tục trong mấy ngày qua, kể cả sáng nay, để phân tích thì đều khẳng định 100% là mức độ nước biển an toàn.

Tất cả các chỉ tiêu, kể cả kim loại nặng, thủy ngân, oxy hòa tan trong nước pH... đều ở mức trung bình hoàn toàn, nên không thể có hiện tượng xung đột trong nước để cá chết được. Môi trường nước an toàn, người dân vẫn tắm biển đầy ra đó, không có gì bất thường để phải lo lắng hết. Nếu có hiện tượng cá ở vùng biển Đà Nẵng chết bất thường thì người ta không tắm đâu!”.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giam-doc-so-tnmt-tam-bien-de-khang-dinh-bien-da-nang-an-toan-post197639.info