Giám định bệnh nghề nghiệp

Nghị định số 37/2016 ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định về giám định cho người lao động...

Bạn đọc gửi từ địa chỉ nguyenquangmau@gmail.com xin hỏi chuyên mục:

Bố tôi trước đây là công nhân hầm lò tại Cty Than Vàng Danh (Uông Bí, Quảng Ninh) đã nghỉ hưu. Gần đây, bố tôi đi khám bệnh và bác sĩ kết luận bị mắc bệnh nghề nghiệp (bệnh phổi).

Tôi xin hỏi trường hợp của bố tôi có thuộc đối tượng được giám định và hỗ trợ kinh phí không, hồ sơ thủ tục làm như thế nào, rất mong được luật gia quan tâm hướng dẫn.

Xin cảm ơn!

Trả lời:

Tại Nghị định số 37/2016 ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định về giám định cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp như sau:

Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động (người lao động khi đã nghỉ hưu) được quy định như sau:

1. Đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 37 (người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp) mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp.

2. Người bị bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định (đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp) được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương IV Nghị định này.

3. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đối với người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển việc khác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang làm việc hoặc bản sao quyết định hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động đã nghỉ hưu;

b) Hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp;

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa;

d) Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

4. Trình tự, hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Thời gian bảo đảm đối với từng bệnh nghề nghiệp và trình tự, hồ sơ khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Từ quy định nêu trên thì bố bạn thuộc đối tượng được áp dụng theo Nghị định này, bạn nghiên cứu kỹ để vận dụng.

LG Minh Hương

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/giam-dinh-benh-nghe-nghiep-post181453.html