Giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp Việt từ đột phá tự động hóa

Nhìn vào một số doanh nghiệp (DN) đã và đang giảm thiểu đáng kể chi phí, có biên lợi nhuận tốt giữa bối cảnh khó khăn chung để thấy đó là nhờ họ chú trọng cải tiến máy móc, thiết bị theo hướng tự động hóa, sản xuất thông minh. Đây cũng là điều mà các DN Việt cần lưu tâm để có sự đột phá về tự động hóa và kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mang lại lợi ích đáng kể trong phát triển sản xuất.

Thông tin mới được Thaco Group công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhà máy Thaco Mazda đã đẩy mạnh nghiên cứu, đưa ra 238 sáng kiến, cải tiến, tiết kiệm 1,9 tỷ đồng chi phí và cải tiến hoạt động quản trị sản xuất.

“Chìa khóa” cải thiện biên lợi nhuận

Nhà máy này đã chú trọng cải tiến máy móc, thiết bị theo hướng tự động hóa, là “chìa khóa” giúp gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính công nghệ, hướng tới phát triển sản xuất thông minh.

Các DN Việt cần có sự đột phá về tự động hóa và kết hợp với AI nhằm mang lại lợi ích đáng kể trong phát triển sản xuất.

Chẳng hạn như việc kết nối dữ liệu hệ thống RFID (Radio Frequency Identification) cho thiết bị kiểm định giúp cho nhà máy giảm sức lao động và thời gian quét mã vạch, nâng cao năng suất và tính tự động hóa trên dây chuyền, tiết kiệm 1,2 tỷ đồng chi phí đầu tư, nâng cấp phần mềm.

Ngoài ra, nhà máy này vừa qua còn nghiên cứu, gia công, lắp đặt thành công dây chuyền hàn chuyên biệt, phục vụ sản xuất cho 2 dòng xe tải thế hệ mới. Nhờ đó đã góp phần gia tăng hiệu suất, chất lượng sản phẩm trên từng công đoạn, tiết kiệm hơn 5 tỷ đồng chi phí đầu tư, lắp đặt mới dây chuyền, máy móc, đáp ứng kế hoạch sản xuất năm 2023.

Hoặc như ở ngành thủy sản, CTCP Thủy sản Việt Úc cách đây 3 tháng đã đưa vào sử dụng nhà máy chế biến thủy sản quy mô 10ha ở tỉnh Bạc Liêu với vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Đây là nhà máy chế biến thủy sản đầu tiên ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ tự động hóa trên 70% cho chuỗi sản xuất liên tục từ tiếp nhận nguyên liệu đến bao gói thành phẩm.

Thủy sản Việt Úc được đánh giá là có biên lợi nhuận khá tốt so với các DN khác trong ngành tôm. Chẳng hạn như hồi năm trước, biên lợi nhuận gộp của Thủy sản Việt Úc đạt tới hơn 56%, trong khi các công ty đầu ngành tôm về doanh thu như Minh Phú, Stapimex, Sao Ta, Camimex chỉ có biên lợi nhuận trong khoảng 10 – 20%. Điều đó một phần nhờ vào việc phát triển mạnh tự động hóa ở khâu chế biến tôm giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận.

Từ hai trường hợp nêu trên, giới chuyên gia cho rằng, việc đột phá về tự động hóa với những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất sẽ giúp các DN Việt giảm giá thành sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế, qua khảo sát của VnBusiness với nhiều DN sản xuất trong nước cho thấy, những khó khăn lớn nhất trong hoạt động vận hành của DN tập trung vào các vấn đề như chi phí gia tăng, chất lượng và quy cách sản phẩm chưa ổn định và đồng đều, khó kiểm soát thao tác chế biến của công nhân, đặc biệt là tại những nhà máy có số lượng công nhân lớn…

Mang lại lợi ích đáng kể trong phát triển sản xuất

Trong khi đó, nếu như các DN này có sự đột phá trong tự động hóa, các hoạt động sản xuất được tối ưu hóa, cho độ tin cậy cao, tạo ra quy trình sản xuất hiện đại, thông minh và hiệu quả thì những vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết.

Đứng ở góc độ của một nhà cung cấp giải pháp công nghệ truyền động và điều khiển ở lĩnh vực tự động hóa cho các DN Việt, ông Lê Hoàng Việt, Giám đốc điều hành của Bosch Rexroth tại Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi tin chắc rằng thị trường Việt Nam nắm giữ chìa khóa để mở ra các cơ hội cho mô hình nhà máy thông minh ở Đông Nam Á”.

Theo Giám đốc điều hành của Bosch Rexroth, giải pháp mà các DN Việt cần nhắm đến là tối ưu hóa sản xuất, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu lãng phí, mang lại lợi ích đáng kể trong phát triển sản xuất. Đây là lĩnh vực cung cấp các giải pháp mở, không giới hạn và kết nối, giúp các ngành công nghiệp ở Việt Nam thích nghi nhanh chóng với nhu cầu thay đổi của thị trường, đạt được tính linh hoạt và hiệu suất vượt trội.

Những đánh giá từ Bosch Rexroth cho thấy, việc phát triển phần mềm chiếm hơn 50% công việc kỹ thuật trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí. Các công nghệ phần mềm thông minh, tiên tiến đang đóng vai trò then chốt đối với các nhà máy sản xuất vì chúng đại diện cho tài sản trí tuệ và bí quyết thành công riêng, giúp hỗ trợ nhà máy tối đa hóa năng suất của thiết bị và hệ thống.

Song song đó, đối với các kỹ thuật viên trực tiếp vận hành thiết bị, ưu tiên hàng đầu của họ là khả năng kết nối thiết bị dễ dàng và đơn giản với hệ thống công nghệ đang sử dụng. Do đó, khả năng giao tiếp của các công nghệ phần mềm thiết bị với người sử dụng cũng trở thành một tiêu chí quan trọng khi quyết định mua hàng.

Ngoài ra, việc kết hợp giữa tự động hóa với AI cũng được cho là “chìa khóa” giúp các DN Việt giảm chi phí, bứt phá về doanh thu và lợi nhuận. Thế nhưng, việc ứng dụng AI trong các nhà máy sản xuất ở Việt Nam vẫn còn gặp không ít thách thức khi mà tính tự động hóa trong các nhà máy vẫn còn khá khiêm tốn.

Và theo GS Kok-Leong Ong, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu và AI (Đại học RMIT), sự trỗi dậy của AI tạo sinh (generative AI) hứa hẹn sẽ là yếu tố “xoay chuyển” các DN Việt.

AI tạo sinh là một nhánh của AI để mô tả một lớp thuật toán có khả năng tạo ra nội dung mới bao gồm văn bản, hình ảnh, video và âm thanh. GS Kok-Leong Ong cho rằng, AI tạo sinh đã bùng nổ trong việc sử dụng và ứng dụng ở giai đoạn đầu. Công nghệ đột phá mạnh mẽ này sẽ được sử dụng trong các DN hiện tại và DN mới trong tương lai rất gần để giảm chi phí, cung cấp dịch vụ mới tốt hơn, nhanh hơn cũng như tạo ra năng lực sản xuất mới.

Xét về cơ hội cho AI tạo sinh cũng cần nhắc đến dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy lĩnh vực số ở Việt Nam đã tăng trưởng 10% mỗi năm và có thể đạt hơn 200 tỷ USD vào năm 2045. Chính phủ đã có chiến lược đầu tư rõ ràng để phát triển kinh tế số. Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo rằng nền kinh tế số chiếm 30% GDP đất nước vào năm 2030. Với việc tập trung vào kinh tế số nhiều hơn, các DN Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội.

Cho nên, vị chuyên gia của RMIT nhấn mạnh những DN Việt nào có thể phát triển chiến lược xung quanh việc nắm bắt AI và tự động hóa sẽ có khả năng là người chiến thắng trong lĩnh vực của họ nếu xem xét các rủi ro và phát triển các kế hoạch để quản lý rủi ro.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/giam-chi-phi-san-xuat-cho-doanh-nghiep-viet-tu-dot-pha-tu-dong-hoa-1094628.html