Giảm chi công từ thư điện tử

Không còn nằm “trên giấy”, hàng loạt đầu việc về cải cách hành chính (CCHC) được chính quyền địa phương, các sở, ngành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện một cách đồng bộ đã mang lại kết quả rõ rệt.

Nhấp “chuột” tiết kiệm tiền tỷ

Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Sĩ cho biết: Thực hiện Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính đã mang lại kết quả rất khả quan. Cụ thể, sau hai tháng thực hiện việc ngừng phát hành thư mời giấy, chuyển sang thư mời điện tử bằng email và nhắn tin SMS, thành phố đã tiết kiệm được phí bưu chính gần 184 triệu đồng, trong đó chỉ riêng thư hoãn họp đã tiết kiệm gần 90 triệu đồng. “Nếu tính khoản giấy, mực in để phát hành thư mời hơn một triệu đồng/tháng thì mỗi tháng, thành phố đã tiết kiệm được gần 94 triệu đồng (khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm)”, đồng chí Võ Sĩ ước tính.

Hiệu quả của việc đẩy mạnh CCHC bằng việc sử dụng thư điện tử trong công tác điều hành, giải quyết công việc của bộ máy chính quyền cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Đơn cử, tại UBND quận 4, đến nay đã có 80 đơn vị và 871 cá nhân trong hệ thống chính quyền của quận thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử trong xử lý công việc hằng ngày, cũng như trao đổi thông tin qua lại. Mười tháng đầu năm nay, UBND quận 4 đã phát hành hơn 300 thư mời họp thông qua hộp thư điện tử, giúp chính quyền tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cũng như điều chỉnh và phân công công việc hợp lý. Để chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính mang tính thực chất, lãnh đạo UBND quận 4 luôn nhắc nhở, phê bình đích danh những cán bộ, công chức không sử dụng hộp thư điện tử thường xuyên.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, việc gửi thư mời và văn bản chỉ đạo qua email không chỉ hạn chế việc đi lại mà còn góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện theo cơ chế khoán. Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, thành phố phải chấm dứt việc in ấn, phát hành văn bản giấy, chuyển sang sử dụng văn bản điện tử, vừa phù hợp các loại hình dịch vụ công trực tuyến, giảm tiêu cực nhũng nhiễu cho người dân… Đây là những điều kiện cần thiết để xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh”.

Cấp phép xây dựng một cửa liên thông

Liên quan thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 (kê khai, nộp và giải quyết thủ tục hành chính qua mạng), Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Trần Trọng Tuấn cho hay, đã đề xuất UBND thành phố cho sở thực hiện quy trình “Cấp phép xây dựng một cửa liên thông qua mạng thí điểm” ở năm khu vực đã có quy hoạch 1/500, cũng như Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị được phê duyệt trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trục đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), tuyến đường Trường Sơn - Phan Đình Giót - Trần Thúc Hoạch (quận Tân Bình), một số phố thuộc phường Bến Nghé (quận 1), khu vực UBND thành phố, các KCN trên địa bàn thành phố... “Nếu thực hiện quy trình này, thì người dân và doanh nghiệp chỉ đến một cửa là Sở Xây dựng nộp và nhận hồ sơ, việc liên thông còn lại với các sở liên quan do Sở Xây dựng chủ trì thực hiện và giải quyết” - đồng chí Trần Trọng Tuấn cho biết.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc đề nghị của Sở Xây dựng UBND đã giao Sở Tư pháp thành phố chịu trách nhiệm thẩm định tính pháp lý quy trình, Sở Thông tin và - Truyền thông thẩm định về quy trình liên thông điện tử trình UBND thành phố trong thời gian sớm, để phê duyệt thực hiện thí điểm trong năm 2016. “Một khi thủ tục hành chính công khai nửa vời, liên thông chưa tới thì người dân cứ phải “chạy chọt” để được việc cho họ. Vì vậy, với việc thành phố đẩy mạnh giao dịch “một cửa”, công khai, minh bạch thủ tục hành chính thì chắc chắn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu sẽ giảm. Tất cả những công việc này đều hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử như Nghị quyết của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 đề ra” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh (Cơ quan thường trực thực hiện chương trình CCHC của thành phố) thì hiện nay, thành phố đang cung cấp dịch vụ trực tuyến với 1.700 dịch vụ ở mức độ 2; 426 dịch vụ ở mức độ 3 và 58 dịch vụ ở mức độ 4. Tuy nhiên, mặt hạn chế và tồn tại cần sớm được khắc phục đó là, nhiều lĩnh vực, văn bản còn chồng chéo, bất cập; việc phối hợp Sở Tư pháp rà soát, công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở - ngành; việc triển khai 44 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn chậm, ảnh hưởng tới triển khai xây dựng chính quyền điện tử...

Để CCHC mang lại hiệu quả thực chất thì không chỉ là cải cách bộ máy, thể chế mà trên hết đòi hỏi phải có sự chuyển mình và sẵn sàng “bắt tay” của tất cả cán bộ, công chức trong toàn hệ thống. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc cải cách con người.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/31234102-giam-chi-cong-tu-thu-dien-tu.html