Giai thoại 'Thầy rắn' đệ nhất Cà Mau (kỳ 2)

Thầy rắn một thời nay cũng chật vật với cuộc sống thường ngày với những đứa con ăn học, tuy nhiên ông cũng không bao giờ phạm vào điều cấm kị của mình đó là không ăn thịt, không bán rắn.

Bài thuốc trị rắn độc từ thuở thơ ấu

Quê ngoại “thầy rắn” Ba Thành vốn ở Thanh Hóa. Cha ông là người Nam tập kết ra Bắc năm 1954, ông gặp và kết hôn với sơn nữ người Thái (Thọ Xuân, Thanh Hóa) sinh ra 6 người con. Ba Thành là con thứ 3 trong nhà. Tuổi thơ của Ba Thành là những ngày người cha đi công tác biền biệt, một mình mẹ ông tảo tần nuôi 6 người con. “Cha tôi đi công tác vắng suốt, một mình mẹ nuôi 6 người con, phải tản cư để tránh máy bay giặc bắn phá Miền Bắc. Tôi ốm yếu nên gọi là Thành Còm, mẹ cho theo các ông thầy Mo trong làng nuôi và được dạy thuốc cứu người.”

Ba Thành và một loại cây thuốc dùng trị độc rắn cứu người

Vậy là, ngay từ nhỏ, cứ vào ngày mùng 5 hàng tháng, cậu bé Thành lẽo đẽo theo sau thầy mo Tom người Thái, vào rừng tìm cây thuốc chữa bệnh. Thầy mo chỉ cho ông từng loại lá cây, vị thuốc và công dụng trị độc rắn. Theo hầu thầy mo học nghề được mấy năm, tay nghề thuốc của Thành Còm đã khá. Lại gặp lúc, miền Bắc bị giặc đánh phá ác liệt, cậu bé theo mẹ chuyển đến vùng khác sinh sống. Tại đó, cậu lại gặp ông thầy mo Khai, người Mường học thêm được nhiều bài thuốc quý trị rắn cắn. Rồi thời chiến loạn lạc, đưa đẩy ông về vùng đất Cà Mau cuối trời Tổ quốc.

Khi về Cà Mau sinh sống, “thầy rắn” trẻ tuổi cũng tìm đến các thầy thuốc rắn hổ để học hỏi và trao đổi bài thuốc trị rắn độc cứu người. Ông Ba Thành nói: “Khi vào Cà Mau, tôi tìm đến, làm quen và học ông thầy bắt rắn hổ Hai Khẻn, người dân tộc Khơ- me ở huyện Trần Văn Thời. Ông thầy này lại nhậu giỏi, có gan bắt rắn và cũng trị rắn tài tình. Tôi có được tài thuốc trị rắn độc là sự trải nghiệm học hỏi với nhiều thầy thuốc”.

Ông Ba Thành cho biết, mỗi thầy đều có một biệt tài riêng, có thầy chuyên về bắt các loại rắn, có thầy chuyên trị rắn cắn, có thầy chuyên cả hai. Song, cái quý ở các thầy là không ăn thịt rắn, chữa bệnh cứu người không bao giờ nhận tiền hay nhận hậu tạ từ phía gia chủ, chữa xong đi liền, mời ăn cơm cũng từ chối.

Và suốt mấy chục năm qua, Ba Thành vẫn thế, ông tận tâm làm thuốc cứu người, chẳng lấy một đồng công xá. “Thầy rắn” tâm sự: “Tôi biết thuốc chữa trị rắn độc cắn, giúp bà con chớ có đăng bảng đâu, có làm thành tích gì mà ghi chép. Có người đi đường, chẳng may bị rắn cắn, đến nhà, tôi trị, hết rồi cảm ơn ra đi mà chưa kịp hỏi họ ở đâu. Nghề bắn rắn, trị rắn độc không phải nuôi sống gia đình nên không phô trương, cứu người là chính.”

Những người quen, biết ông có bài thuốc chữa rắn độc nên khi bị rắn độc cắn rước ông tới chữa, có khi bệnh nhân được chở thẳng đến nhà ông. “Quanh đây, rất nhiều nhà đã có người bị rắn cắn. Có đêm, tôi đắp thuốc cho đôi ba người, uống hết vài bình trà, hút vài bao thuốc lá nhưng vợ chồng tôi không lấy đồng nào, không đòi lễ vật, không cúng kiếng. Cái quí nhất và miền vui của tôi là người bị rắn cắn sợ chết, chối chết, được đắp thuốc, khỏe rồi về nhà, sáng lại ra đồng làm ăn như bình thường.”

Như bao nhiêu thầy rắn hổ vùng U Minh, ông Ba Thành cất công tìm thuốc chữa rắn độc mà không lấy tiền, không cúng kiến, không mê tín dị đoan. Nhìn thấy vết rắn cắn, ông Ba Thành nhận ra ngay loại rắn gì, có độc không và con rắn đang ở đâu. Ông chỉ tay về nhà cạnh: “Cách đây 3 cái nhà, có người bị rắn cắn tím người rồi, tôi đắp thuốc hết bệnh. Tôi chỉ con rắn đang ở vách nhà, vén vách lá lên bắt được luôn”.

Năm ngoái, ông về thăm quê ngoại Thanh Hóa, tiện thể ông sang vùng Nam Lào để tìm loài cây chữa rắn độc. Về Miền Bắc và nước bạn Lào, ông Ba Thành cho rằng nhiều cánh rừng bị khai thác, lấy đất làm việc khác nên khó tìm các loại cây thuốc như ngày xưa. Ông chỉ về đám cây cỏ trong vườn tiếc rẻ: “Tôi mang về được mấy cây thuốc quí, xứ này không có, trồng được vài tháng thì nước ngập, chết sạch, uổng quá trời, không tìm lại được.”

Kể về kỷ miệm vui buồn nghề thầy thuốc rắn, ông Ba Thành nói: “Thuốc trị rắn độc có mau hết không thì còn phụ thuộc rất nhiều về loại rắn có độc nhiều hay ít, bị rắn cắn có lâu không? Khi nọc độc của rắn theo máu chạy vào nội tạng thì rất lâu mới hết. Có lần, tôi được người quen chở đi trị rắn độc cắn một em bé ở xã Lương Thế Trân. Vừa đắp thuốc, chờ ngấm thuốc mà người nhà hâm he, dọa nạt đủ thứ vì họ sợ con của họ chết. Lúc đó, tôi bực vô cùng, muốn bỏ về nhưng sợ không trị thì cháu bé chết oan. Sau khi trị cho cháu bé tỉnh hẳn, hết bị nọc độc gây chết, tôi mới đi về, lòng mới thấy thoải mái”

Chật vật nuôi con giữa rừng

Những ngày đầu, khi Ba Thành vào U Minh hạ giữ rừng, nuôi cá đồng, nhiều người dân nói xa nói gần với ông: “Rừng nào cọp nấy” ý là cây tràm, con cá đồng của của người dân U Minh. Ông Ba Thành vào rừng giữ rừng, bao ví nuôi cá đồng là mất nguồn sống của họ. Ông Ba Thành nói nói với những anh chị trong rừng: “Tôi là cọp lang, không có rừng nào hết, có rừng là có cọp!”

Để nuôi 5 người con, cuộc sống vợ chồng ông còn nhiều vất vả, lo toan…

Để canh giữ rừng, đánh tiếng cho bọn ác biết biệt tài, ông Ba Thành đào hang nuôi rắn ngay trong nên nhà. Bước chân của vợ chồng, con cái ông làm rắn hổ nằm yên nhưng khi có người lạ, những con rắn hổ trở nên hung dữ, khó tính. Ông Ba Nhàng- cán bộ Lâm ngư trường Sông Trẹm kể: “Đến nhà Ba Thành chơi mà không dám bước, rắn hổ khù kè, rợn người. Ba Thành lật muổng dừa úng là thấy rắn hổ đất đen thui, mốc mốc, nhìn ớn xương sống.”

Vợ chồng Ba Thành sinh liền 5 đứa con, vất vả lắm mới nuôi nổi nên Ba Thành làm đơn xin nghỉ việc, được trợ cấp “một cục”. Ba Thành nhận khoán đất rừng trồng lúa, chăm sóc và bảo vệ khoảng 10 ha rừng. Ông trải lòng nói: “Hồi đó vợ con đói khổ quá, tôi xin nghỉ việc Nhà nước về làm kinh tế để 5 đứa con nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi học. May cho vợ chồng tôi, mấy đứa con sống kham khổ mà ham học, có tiền đi học, chưa có tiền làm mướn, rồi đi học tiếp. Con nhà nghèo là vậy, đâu đủ tiền cho học thẳng một mạch như người khác.”

Vượt qua bao vất vả, giờ đây cuộc sống của gia đình Ba Thành tạm ổn hơn một chút, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Người con trai đầu của ông đang học năm thứ hai ĐH tại TP.HCM. Con trai thứ đã tốt nghiệp trung cấp, đang thi liên thông lên ĐH. Con út của ông mới đang học lớp 8. 2 người con gái còn lại sớm nghỉ học đi làm mướn phụ giúp cha mẹ. Cuộc sống tuy cực khổ, nhưng chưa bao giờ “thầy rắn” phá lệ, nhận tiền của những bệnh nhân mà ông cứu sống.

Tâm sự, ông bảo: “Nhiều thầy rắn lúc đương thời mát tay chữa trị cho nhiều người bị rắn độc cắn thoát chết. Nhưng nghề bắt rắn, chữa rắn độc lại mang nghiệp chướng cay nghiệt, “sinh nghề tử nghiệp” chẳng biết lúc nào. Vì thế, một ngày còn làm tôi chỉ dốc lòng làm phước cứu người, chẳng lấy một đồng, chỉ mong gia đình vui vẻ, bình an, con cái có cuộc sống tốt hơn đã là hạnh phúc rồi”, Ba Thành cười hiền hậu sau những lời chân thành.

Huỳnh Dương Hưng

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/kinh-te-xh/giai-thoai-thay-ran-de-nhat-ca-mau-ky-2-69012