Giải quyết triệt để tình trạng xe khách bỏ bến

Để giải quyết triệt để tình trạng xe khách bỏ bến thì phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả và sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhằm xử lý vấn nạn 'xe dù, bến cóc', xe hợp đồng trá hình, các loại hình, phương thức vận tải mới sinh ra từ sự phát triển của công nghệ. Song song với đó, các đơn vị vận tải cũng phải thay đổi cung cách, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Xe khách cố định lao đao vì xe hợp đồng

Ngày 28-7-2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có Công văn số 8111/BGTVT-VT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: Ngày 18-11-2022, Bộ GTVT đã có Văn bản số 12089/BGTVT-VT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn địa phương. Các tỉnh, thành phố đã phối hợp, chỉ đạo lực lượng chức năng và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố, tình trạng xe kinh doanh có phù hiệu xe hợp đồng, có biển hiệu xe du lịch vi phạm hoạt động như tuyến cố định chưa thuyên giảm, có nơi chiều hướng diễn biến phức tạp hơn; đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố kết nối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu...).

Cảnh đìu hiu, vắng khách ở Bến xe Gia Lâm.

Tìm hiểu thực tế tại văn phòng của nhà xe X.E Việt Nam tại địa chỉ số 71 đường Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi được nhân viên ở đây cho biết: Nhà xe có xe chạy cố định các tuyến Hà Nội-Nam Định (giá vé 125.000 đồng/người), Hà Nội-Thái Bình (giá vé 155.000 đồng/người), Hà Nội-Ninh Bình (giá vé 155.000 đồng/người), Hà Nội-Việt Trì và Hà Nội-Phú Thọ, tần suất 1 giờ/chuyến, chuyến sớm nhất bắt đầu từ 5 giờ 30 phút, chuyến muộn nhất là 19 giờ 30 phút, loại xe 11 chỗ ngồi.

Hành khách có thể đặt chỗ bằng cách gọi điện thoại hoặc thông qua website, fanpage của hãng và thanh toán tiền khi lên xe hoặc chuyển khoản ngân hàng; có thể đến các văn phòng của hãng tại Hà Nội để đi xe và được đưa trả tận nơi khi đến các địa điểm trên. Ngoài ra, nhà xe còn nhận vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Ghi nhận thực tế tại địa điểm này, chúng tôi thấy có khá đông hành khách ngồi chờ. Phía ngoài, các kiện hàng để ngổn ngang trên vỉa hè và có nhiều xe ôm tập trung ở đây để đưa, đón hành khách, nhộn nhịp không khác gì một bến xe thu nhỏ.

Tại khu vực số nhà 16 đến 76 đường Nguyễn Thời Trung, phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) cũng tập trung nhiều xe hợp đồng trá hình hoạt động vận tải hành khách các tuyến Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Quảng Ninh. Hành khách được nhà xe đưa về khu vực này bằng xe trung chuyển trước khi khởi hành.

Trong khi đó, Bến xe Gia Lâm (Hà Nội) lại khá ảm đạm. Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Bến xe Gia Lâm, tình trạng xe khách bỏ bến diễn ra khá phổ biến, chiếm khoảng 40%. Trước đây, lượng xe ra, vào bến mỗi ngày là 600 lượt xe thì nay chỉ còn khoảng 360 lượt xe. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội).

“Các xe bỏ bến có hoạt động ở ngoài không thì chúng tôi không nắm được, nhưng lượng hành khách đến bến giảm mạnh khiến nhiều nhà xe gặp khó khăn, phải cắt giảm số lượng. Nguyên nhân chính là do sự bùng nổ của xe hợp đồng trá hình, xe ghép, xe tiện chuyến và vấn nạn “xe dù, bến cóc”. Các loại xe này có thể vô tư dừng đỗ, len lỏi vào các khu đô thị, khu dân cư, xung quanh bệnh viện, trường học đón, trả khách, gây mất trật tự, an toàn giao thông, thất thu thuế cho Nhà nước, bất bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải hành khách”, ông Tuấn cho biết thêm.

Hai vấn đề cần giải quyết để xe khách có khách

Mới đây, Bộ GTVT cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, các quy định liên quan đến xe du lịch, xe hợp đồng còn bộc lộ bất cập, khó khăn trong xử lý vi phạm, dẫn tới nhiều xe chạy trá hình như xe khách tuyến cố định.

Đồng thời, công khai lấy ý kiến người dân để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Sửa đổi trọng tâm nhất nằm ở quy định về xe khách hợp đồng và xe du lịch, nhằm tiến tới dẹp tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định đang tràn lan tại tất cả địa phương.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất hai phương án: Thứ nhất, trong thời gian một tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp; phạm vi trùng lặp điểm đầu, điểm cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp xã/phường; tổng số chuyến xe được tính theo chiều đi hoặc chiều về; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe, thông tin của hợp đồng vận chuyển đã ký kết hoặc bằng các biện pháp khác.

Thứ hai, cơ bản như phương án 1, chỉ khác là sửa điểm đầu, cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp huyện. Ngoài ra, xe khách hợp đồng mỗi chuyến đi chỉ được đón, trả khách tại một địa điểm đi, đến theo đúng hợp đồng. Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc có trên 10 ngày trong một tháng tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác...

Người dân có thể đóng góp ý kiến xây dựng quy định quản lý hiệu quả, lành mạnh hoạt động vận tải hành khách tại địa chỉ: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-cac-nghi-dinh-lien-quan-den-quan-ly-hoat-dong-5909.

Trao đổi thêm về vấn đề này với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đề nghị: “Sau dịch Covid-19, ngành vận tải gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải làm thế nào để dẹp được nạn “xe dù, bến cóc” thì mới kéo được hành khách, xe khách vào bến; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; không để ngân sách nhà nước bị thất thu”.

Ngoài những nguyên nhân trên cũng phải thừa nhận thực tế là xe khách tuyến cố định “mất khách” do chất lượng phục vụ ngày càng kém. Nhiều xe khách đã cũ, không được chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên khiến hành khách cảm thấy e ngại ngay khi lên xe; thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe thiếu chuyên nghiệp; dừng, đỗ vô tội vạ; chở đủ loại hàng hóa trên xe. Khi xuất bến thì chạy kiểu “rùa bò” để bắt khách, sau đó lại phóng nhanh, lạng lách để kịp thời gian chuyến đi. Ngược lại, dù cùng chịu nhiều tác động nhưng một số nhà xe như Hải Âu, Đoàn Xuân, Hà Sơn-Hải Vân vẫn giữ được lượng khách và số chuyến ổn định nhờ ngày càng chuyên nghiệp hơn trong phục vụ hành khách.

Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn và ông Nguyễn Phi Thanh, Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình đều cho rằng, trong lúc chờ cơ quan chức năng xây dựng, ban hành các quy định siết chặt hoạt động của các loại hình, phương thức vận tải mới bằng công nghệ, nhất là với xe hợp đồng trá hình thì trước hết, các doanh nghiệp vận tải cần phải đầu tư, đổi mới mạnh mẽ về chất lượng phục vụ thì mới thu hút được hành khách.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giai-quyet-triet-de-tinh-trang-xe-khach-bo-ben-741958