Giải quyết nhiều vấn đề 'nóng' về trật tự an toàn giao thông

Hàng loạt vấn đề “nóng” về tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) như xe quá tải, quản lý vùng hoạt động xe điện, xe bốn bánh gắn động cơ, hệ thống biển báo giao thông, bất cập trong việc cấp giấy phép lái xe,... đã được các cơ quan chức năng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia “mổ xẻ” và tìm ra các biện pháp giải quyết một cách căn cơ, triệt để.

Bằng lái: Nơi thu, nơi cấp!

Theo TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong 11 tháng qua tiếp tục được kiềm chế, cả ba tiêu chí về TNGT tiếp tục được kéo giảm, tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Theo đó, TNGT tăng một số tiêu chí ở lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải. Đáng chú ý, xảy ra một số vụ TNGT hết sức nghiêm trọng làm chết nhiều người liên quan đến mô-tô, xe máy, xe ô-tô dưới chín chỗ, phương tiện thủy dân sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tuy có giảm, nhưng có nguy cơ tái diễn phức tạp, nghiêm trọng trong thời gian cuối năm và dịp trước Tết Nguyên đán sắp tới.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, hiện nay tại một số địa phương, xe điện gắn động cơ xăng chạy trong khu vực hạn chế, nhưng nhiều xe nhập sau này có kết cấu khung, gầm, động cơ khác so với thiết kế ban đầu; không có mui xe, dây bảo hiểm, chở hơn 10 người cho nên rất dễ gây TNGT. Thậm chí, loại xe này còn “vươn ra” khỏi vùng quy định hoạt động. Tuy nhiên, Chính phủ cho phép thí điểm và các tỉnh đều đồng loạt thực hiện, vì thế Cục Cảnh sát giao thông kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét lại việc cấp phép và phát triển số lượng loại phương tiện này. Ngoài ra, ngành giao thông vận tải (GTVT) cần tổ chức rà soát lại hệ thống biển báo giao thông trên đường cao tốc với quốc lộ, sau khi đã xảy ra một số vụ TNGT hết sức nghiêm trọng vừa qua.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng nhận định, hiện nay, số lượng người bị tước bằng lái xe rất nhiều, lên tới hàng triệu và rất ít người vi phạm quay lại khiếu kiện. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra trường hợp, tất cả bằng lái bị tước đều tạm giữ ở phía cảnh sát giao thông, nhưng thủ tục cấp lại bằng lái rất đơn giản. Các Sở GTVT địa phương cấp lại do người vi phạm chỉ cần chính quyền cơ sở xác nhận báo mất là cơ quan chức năng sẽ làm các thủ tục cấp lại, dẫn đến tình trạng nhiều người có tới hai bằng lái xe. Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề nghị rà soát và có quy chế liên thông giữa Bộ Công an và Sở GTVT để kiểm tra chặt chẽ hơn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, câu chuyện xử lý vi phạm bằng lái xe vẫn còn tồn tại cơ chế “nơi thu, nơi cấp”, phát sinh những kẽ hở, khiến người vi phạm Luật Giao thông thường xuyên sẽ “coi nhàm” hết mọi chuyện. Vì thế, nên xem xét đưa quy định này vào văn bản quy phạm pháp luật để siết chặt quản lý. Liên quan vấn đề xe bốn bánh “chạy rông” ngoài đường, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, ngay tại địa bàn Hà Nội, xe điện bốn bánh cũng đón trả khách khắp nơi, còn Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) chỉ giải quyết đăng kiểm, trong khi vấn đề lưu hành lại không nắm được.

Xe quá tải: “Vướng” nhiều mối quan hệ

Theo Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, đến thời điểm này, 31 địa phương có trạm cân kiểm soát tải trọng phương tiện đã tạm dừng hoạt động. Bộ GTVT và Tổng cục đã có hướng dẫn các tỉnh kiểm tra đột xuất và thường xuyên về kiểm soát tải trọng xe. Tổng cục đã đề nghị thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ GTVT kết hợp Thanh tra GTVT các địa phương, Tổng cục sẽ kiểm tra kích thước thùng hàng và xử lý triệt để. Nếu tiếp tục vi phạm lần thứ nhất, sẽ rút thời gian kiểm định từ sáu tháng xuống bốn tháng, còn cố tình tái phạm các lần sau, kiên quyết sẽ không cho xe được đăng kiểm. Tại các địa phương thời gian qua, việc xử lý xe quá tải rất khó khăn, thiếu triệt để. Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Huyện nêu câu hỏi: “Tại sao các đoàn công tác của Tổng cục vào làm thì xử lý được xe quá tải, trong khi địa phương lại khó làm? Nhiều đơn vị Thanh tra Sở GTVT phản ánh, họ lo ngại có sự “bảo kê” của chính quyền địa phương, “vướng” nhiều mối quan hệ cho nên không thể xử lý được. Các tỉnh rất mong Tổng cục tham gia quyết liệt để ngăn chặn xe quá tải”.

Cục trưởng ĐKVN Trần Kỳ Hình cho rằng, Cục ĐKVN cũng có các biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ xử lý xe vi phạm qua phần mềm cảnh báo xe ngừng kiểm định khi có cơ quan chức năng gửi vi phạm của phương tiện. Toàn bộ phần mềm đã khóa kiểm định xe đó cho nên không thể kiểm định ở bất cứ trung tâm đăng kiểm nào. Qua thanh tra, kiểm tra xe cơi nới thùng, xe quá hạn đăng kiểm cho thấy, các phương tiện này thường hoạt động tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vì thế cần tăng cường công tác liên ngành để xử lý dứt điểm. Hiện nay, còn có tình trạng xe khi vào đăng kiểm tuân thủ theo đúng thiết kế, kích thước nhưng giữa hai kỳ đăng kiểm, chủ phương tiện thay toàn bộ từ thùng đến lô-gô, cho nên lực lượng Cảnh sát giao thông khi kiểm tra, xử lý phương tiện cần siết lại hiện tượng này. Cục ĐKVN có hình ảnh chụp, cảnh sát giao thông chỉ cần kiểm tra, đối chiếu thực tế với ảnh chụp đăng kiểm, nếu có sai khác là xử phạt được. Đối chiếu theo Nghị định 46 về xử phạt xe tải, nếu làm nghiêm thì không có chủ xe nào dám vi phạm bởi chỉ với bốn lỗi vi phạm, mức phạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các đoàn kiểm tra liên ngành khi kiểm soát tải trọng xe cần xử lý cương quyết, không được nể nang. Do thực hiện quyết liệt, tình trạng xe quá tải đã được kéo giảm xuống chỉ còn ở mức khoảng 10% số lượng, tuy nhiên, để ngăn chặn và xóa được 10% còn lại này vô cùng khó khăn do nhiều địa phương bị “vướng” các mối quan hệ, chưa nói đến tiêu cực trong công tác kiểm soát.

Tính từ ngày 16-12-2015 đến 15-11-2016, cả nước xảy ra 19.429 vụ TNGT, làm chết 7.907 người, bị thương 17.184 người. So với cùng kỳ năm trước, giảm 1.426 vụ (6,84%), giảm 119 người chết (1,48%) và giảm 1.990 người bị thương (10,38%). Riêng tháng 11 vừa qua, cả nước xảy ra 2.180 vụ TNGT, làm chết 787 người, bị thương 1.965 người; so với tháng 10-2016, tăng 342 vụ (18,6%), tăng 107 người chết (15,7%) và tăng 219 người bị thương (12,5%).

TS Khuất Việt Hùng

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31584202-giai-quyet-nhieu-van-de-%e2%80%9cnong%e2%80%9d-ve-trat-tu-an-toan-giao-thong.html