Giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 17.11.2022, BCH T.Ư Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Với nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH Đảng bộ tỉnh sẽ tạo ra đột phá tư duy, chủ trương mới thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH.

Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở Shophouse Vincom góp phần thay đổi diện mạo thành phố Hà Giang.

Nhằm tăng cường tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, tạo sự đồng thuận cao về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong nghị quyết, xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch thực hiện theo lộ trình phù hợp, có trọng tâm trên các lĩnh vực, đảm bảo phát triển KT – XH, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Với quan điểm khai thác, phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng. Tỉnh ta đề ra mục tiêu tổng quát đến 2030 phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng HĐH, thân thiện với môi trường, xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển ổn định, bền vững và tăng trưởng cao. Phấn đấu đưa Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030, KT – XH phát triển khá trong khu vực. Cùng với đó, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ KHCN tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu đồng bộ, hiệu quả, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong ảnh: Khách du lịch trải nghiệm mùa hoa Tam giác mạch tại Đồng Văn).

Thực hiện CNH,HĐH cần có lộ trình, bước đi cụ thể và trọng tâm, trọng điểm; để đạt được mục tiêu này, tỉnh xây dựng nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng; đổi mới tư duy, thống nhất và nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29. Tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định của T.Ư phù hợp với tình hình, điều kiện, yêu cầu của tỉnh; chú trọng triển khai chính sách phát triển KHCN, chuyển đổi số, ưu đãi về đầu tư, đất đai, tín dụng. Phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng GDP bình quân đạt 8,3%/năm; ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 29%, dịch vụ chiếm 43,7%, nông, lâm, thủy sản chiếm 22,7%; GDP đầu người theo giá hiện hành đạt 95 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021 – 2030 phấn đấu đạt 132.000 tỷ đồng...

Cùng với phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, nâng cao năng lực ngành Xây dựng; các cấp, ngành triển khai hiệu quả quy hoạch không gian phát triển công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã xác định trong Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Nghiên cứu hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, xây dựng và triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp có lợi thế, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Bình Vàng và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thu hút đầu tư.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.

Trong quá trình CNH,HĐH, tỉnh ta cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và thương mại, dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, mở rộng ngành nghề và giải quyết lao động tại chỗ. Kết hợp hiệu quả giữa phát triển thương mại truyền thống với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại và thương mại điện tử. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng, định vị thương hiệu Hà Giang gắn với hình ảnh độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Huy động các nguồn vốn đầu tư, xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy thành Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông xuất, nhập khẩu, nhập cảnh quan trọng. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững. Trọng tâm ưu tiên phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm của tỉnh thúc đẩy liên kết vùng; đến 2030, hoàn thành đầu tư tuyến Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, tuyến Cao tốc nối Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai…

Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29 phù hợp, thống nhất, lồng ghép với kế hoạch phát triển KT – XH hàng năm và giai đoạn. Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền trong đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, lấy con người làm trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202310/giai-phap-trong-tam-thuc-hien-nghi-quyet-so-29-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-32e2b18/