Giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông thôn

Theo chia sẻ từ các chuyên gia, Việt Nam hiện có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề... Những loại hình du lịch này ở nông thôn giúp phát triển kinh tế nông thôn và tạo sự gắn kết, tự hào về một miền quê tươi đẹp, mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách. Bên cạnh đó, thế mạnh từ các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn.

Với khung cảnh nông thôn sơn thủy hữu tình, khu du lịch sinh thái Tràng An - Ninh Bình đón hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động là nông dân. Ảnh: Bích Nguyên

Sản phẩm OCOP là tài nguyên du lịch

Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP là những tín hiệu đáng mừng.

Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: “Đến nay, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ”.

Theo ông Phương Đình Anh, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”, sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group cho rằng, việc đưa Chương trình OCOP thành thương hiệu mang tầm quốc gia có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Tiềm năng khai thác các sản phẩm OCOP gắn kết với hoạt động du lịch địa phương, còn rất nhiều lớn. Điều cốt lõi là có giải pháp thực hiện, phối hợp đồng bộ và căn cơ để cùng lúc tạo được hiệu quả cả về mặt kinh tế, tạo sinh kế cho người dân được bền vững hơn cũng như nâng tầm giá trị, quảng bá và lan tỏa hiệu quả hơn về khía cạnh văn hóa.

Ở giai đoạn 2 của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, thương hiệu OCOP ngày càng khẳng định với những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, chương trình cần phát huy giá trị kết nối, giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch. Làm được như vậy sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn.

Thay đổi tư duy làm du lịch nông thôn

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nửa năm 2023, cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, du lịch canh nông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.

Từ góc nhìn của nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam cho rằng, hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững.

Sản phẩm OCOP được đánh giá là nguồn tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Bích Nguyên

Theo bà Ly, để có được hiệu quả tốt, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông lâm thủy sản được tiêu thụ tốt, khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch.

Bà Ly cho rằng, sáng kiến này sẽ làm mới và đồng bộ hóa Chương trình OCOP, vốn đã rất thành công trong phát triển đặc thù vùng miền thông qua sản phẩm văn hóa. Việc này sẽ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh, thành không bị trùng lặp, nhàm chán; tránh cạnh tranh không lành mạnh; tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt và đặc biệt giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có dịp nhìn lại du lịch nông nghiệp, nông thôn của địa phương mình để sâu sát hơn trong việc quản lý cũng như đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp.

Đánh giá về tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty CBT Travel cho rằng, du lịch cộng đồng còn dư địa lớn và mang lại nhiều lợi ích, cụ thể là loại hình này được coi như một phương thức xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nguồn sinh kế; tạo công ăn việc làm; cải thiện đời sống của những người dân tại những cộng đồng khó khăn thông qua việc làm du lịch. Từng bước nâng cao ý thức khôi phục môi trường sống, văn hóa, bản sắc dân tộc là điểm khác biệt để thu hút và giới thiệu đến khách du lịch.

Hiện, CBT Travel đang hỗ trợ cộng đồng kết nối, giáo dục, nâng cao năng lực vận hành quản lý, kinh doanh, xây dựng sản phẩm du lịch và bán ra thị trường. Thông qua việc truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm, CBT Travel khuyến khích người dân thay đổi tư duy về làm dịch vụ, từ đó thay đổi cách làm du lịch, xây dựng các mô hình dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. CBT Travel đã tham gia xây dựng những mô hình du lịch cộng đồng tương đối thành công như bản du lịch cộng đồng của người Mông ở Hua Tạt (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), khu du lịch Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa); khu du lịch sinh thái cộng đồng của người Cơ Tu ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng); hay biến điểm nóng ma túy Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) thành điểm sáng về du lịch.

Các mô hình du lịch trên đã tạo công ăn việc làm, cải tạo sinh kế cho người dân rất hiệu quả. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng ở Mai Châu đạt doanh thu hơn 2,5 tỉ/năm; Homestay Hoa Ếch ở huyện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, hiện đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm, nộp ngân sách gấp 40 lần so với trồng hoa và nuôi ếch trước đây.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giai-phap-toi-uu-mang-lai-loi-ich-kep-cho-khu-vuc-nong-thon-post468919.html